Cùng với vấn đề tình yêu, hôn nhân, hạnh phúc gia đình thì vấn đề nhân cách con người cũng là phạm vi quan tâm trong truyện ngắn thời kỳ đổi mới của Ma Văn Kháng. Nằm trong ý đồ nghệ thuật của mình, các nhà văn đã đem con người ra đối chứng ở nhiều “tọa độ” để thấu hiểu một cách toàn diện nhất về con người, đó là đặt con người trong hoàn cảnh cụ thể. Hoàn cảnh tạo nên tính cách của con người, khiến họ bộc lộ hết chân tướng của mình. Cuộc sống là chuỗi thời gian mà con người luôn phải đấu tranh giữa phần con và người. Có những con người trong môi trường tốt đẹp lại trở nên tốt đẹp hơn nhưng cũng có kẻ lợi dụng sơ hở mà luồn cúi, lấp liếm, sa đà vào con đường tha hóa nhân cách. Quan tâm đến vấn đề đạo đức, nhân cách, vạch rõ bản chất
của cái thiện cái ác gắn liền với việc phân tích quá trình tâm lý thực tồn tại trong xã hội và con người là dấu hiệu nổi bật trong tất cả các sáng tác của Ma Văn Kháng thời kì đổi mới. Bên cạnh những nhân vật tích cực, có nhân cách cao đẹp và có ý thức bảo vệ nhân cách của mình khỏi những cám dỗ của đời sống, nhà văn còn tập trung xoáy sâu vào những nhân vật tiêu cực của xã hội từ những người trí thức đến những người bình thường trong xã hội – đó là phần tử tôn thờ chủ nghĩa vật chất, chủ nghĩa danh lợi hay là loại trí thức giả danh, bất tài, vô dụng, những kẻ quyền thế lộng hành, lộng quyền.
Ở nhiều trang văn của Ma Văn Kháng, ta bắt gặp vẻ đẹp của những tâm hồn thánh thiện, của lòng nhân ái bao dung, của những tâm hồn đồng cảm, của một nghị lực phi thường, vượt lên trên thế tục để yêu người và yêu đời. Vẻ đẹp nhân cách đó được Ma Văn Kháng gửi vào một loạt hình tượng như: Thầy Khiển (Thầy Khiển), ông Hoàn (Cái Tý Ngọ), những người vợ (Anh thợ chữa khóa), Tâm (Mưa lớn đầu mùa)… Họ đều là những người tốt bị hoàn cảnh xô đẩy vào những tình cảnh, những số phận khác nhau nhưng ở họ luôn ánh lên một niềm tin yêu cuộc sống, một niềm lạc quan yêu đời. Họ hành động theo tiếng gọi của lương tâm, của cái đẹp để đứng cao hơn hoàn cảnh.
Thầy Khiển (Thầy Khiển) là một số phận trớ trêu. Dưới ngòi bút của Ma Văn Kháng, người tốt, người tài hoa – dường như đang bị số phận trêu ngươi, đùa cợt. Thế nhưng con tạo càng xoay vần thì vẻ đẹp của những con người càng có dịp tỏa sáng. Thầy Khiển sống ở vùng địch rồi sang sông định cư. Thầy bị nghi là Việt gian, bị chủ tịch xã Chiên – một tên xuất thân chèo đò thất học, rình rập, theo dõi, rồi bị bắt. Khi thoát khỏi cảnh tù tội thì thầy cũng không thoát khỏi cảnh thân cô thế cô giữa cộng đồng. Thầy bị sa thải khỏi ngành giáo dục. Bốn bố con bơ vơ không người thân, không tấc đất, không chỗ ở. Thầy ngây dại như người mất hồn. Thế nhưng bằng nghị lực của mình và sự giúp đỡ của học trò thầy đã đứng vững. Thầy đã có một kết thúc
có hậu: con cái thành đạt, thầy sống an nhàn thanh đạm với thú vui tuổi già. Không có cái may mắn như thầy Khiển về cuối đời, ông Thại (Tóc huyền màu bạc trắng) về cuối đời vẫn bị sự cô đơn bất hạnh đeo đẳng. Từ một vụ trưởng bỗng chốc biến thành một tên tù suốt 20 năm ròng chỉ vì lãnh đạo trông thấy ông giống “một tên cai tù ở lò”. Khi ra tù, ông lạc lõng, bơ vơ giữa cuộc đời. Người yêu cũ bỏ đi tù, khi tìm được nhau đoàn tụ thì hỡi ôi, mái tóc của bà Huyền “càng dài càng trắng xóa một màu tang tóc” [41, tr. 265]. Có cuộc đời nào, số phận nào bất hạnh, phi lí như cuộc đời ông Thại. Giống như ông Thại, ông Dụng (Bệnh nhân tâm thần) cũng là một số phận thê thảm. Là người lính trở về sau chiến tranh, ông Dụng với bản tính ngay thẳng đã phơi bày, tố cáo những ngang trái của cuộc đời. Ông tố cáo thói tham ô làm ăn quan liêu của lãnh đạo. Vì thế ông đã chịu một kết cục đau xót: ông bị bắt giam và bị coi là bệnh nhân tâm thần, do đó bị tống vào nhà thương điên với hình thức là để chữa trị nhưng thực chất là tiêm thuốc để thủ tiêu… Ông Hoàn (Cái Tý Ngọ) là một người có tấm lòng bao dung, nhân hậu. Nguyên là giám đốc của một cơ quan văn hoá, ông đã lấy tình thương để cưu mang, che chở, hết lòng bênh vực cho một đứa bé thiệt thòi về ngoại hình cũng như tình cảnh. Khi biết ông chuẩn bị về hưu, không còn lợi dụng được nữa, nó quay ra lật lọng. Nó (cái Tý Ngọ) nói xấu, bên riếu ông. Vậy mà ông vẫn bính thản với câu nói “thôi, tha được cái gì thì tha”. Đây không chỉ là biểu hiện của lòng độ lượng khoan hòa mà còn là một thái độ biết chấp nhận thực tại. Thế rồi ông nộp đơn xin về hưu sớm mong rũ bỏ hết sầu muộn của con đường công danh. Ta nhìn thấy trong cách ứng xử ấy của ông bóng dáng của các nhà nho xưa, biết lui về ẩn dật để giữ cho lòng mình trong sạch, thanh thản... Có thể thấy mỗi nhân vật trí thức này là một hoàn cảnh, một cuộc đời nhưng họ đều có chung một số phận, một nỗi bất hạnh trớ trêu. Song ở những con người này đều thể hiện rõ những phẩm chất cao đẹp, một khí tiết thanh cao, một cốt cách tài hoa, uyên bác. Dù
cho bất cứ hoàn cảnh nào thì nhân phẩm của họ vẫn luôn trong sạch. Họ sống ung dung, tự tại trước những thăng trầm của cuộc đời.
Vẻ đẹp nhân cách ấy còn sáng lên ở những con người rất đỗi bình thường. Trong sáng tác của Ma Văn Kháng chúng ta có thể bắt gặp nhiều nhân vật trong hoàn cảnh éo le, bất hạnh nhưng họ vẫn chủ trương lấy tình thương, ân nghĩa để hóa giải hận thù, để nâng đỡ tinh thần. Đó là trường hợp của Những người đàn bà, Anh thợ chữa khóa, Thư từ quê ra... Chị Nếp (Thư từ quê ra) khi biết chồng mình đã yêu một người con gái khác thì không vội ghen tuông mà tìm cách hiểu kĩ về người con gái ấy. Chị không nghĩ đến nỗi xót xa khi phải chia sẻ tình cảm mà còn nghĩ đến chồng mình nửa đời chinh chiến nay vẫn một thân một mình… Chị lấy tình nghĩa để lý giải vấn đề đồng thời cũng lấy tình nghĩa để giải quyết vấn đề. Hành động ấy của chị được chồng mình và người phụ nữ kia rất mực kính trọng. Cổ vũ cho tình thương có thể cứu vãn những mối quan hệ của con người, tư tưởng của Ma Văn Kháng rất gần với cách cảm, cách nghĩ của người Việt Nam chúng ta.
Con người không chỉ có ý thức khẳng định nhân cách mà còn có nhu cầu hoàn thiện nhân cách. Tuy nhiên, xã hội thời nào cũng vậy, đặc biệt là xã hội thời kỳ đổi mới, kinh tế thị trường phát triển… con người rất dễ bị cuốn theo những cám dỗ về vật chất, những ham muốn tầm thường. Không ít người vì thế mà hủy hoại mất nhân cách và ngày càng trượt dốc trên con đường tha hóa nhân cách, đó là những con người không có bản lĩnh và đánh mất mình. Nếu không có tinh thần kiên định vượt qua thì con người dễ bị mất phương hướng, rơi vào hố thẳm của sự tha hóa biến chất “lối sống thực dụng chạy theo đồng tiền là một hoàn cảnh lắm vi trùng làm con người ta bị nhiễm một thứ bệnh mất nhân tính” (Mùa lá rụng trong vườn). Các nhà văn trong thời kỳ đổi mới cũng không ngần ngại vạch trần lối sống thực dụng như nhân vật Thủy trong tác phẩm Tướng về hưu (Nguyễn Huy Thiệp) là một người có học
thức “là một bác sĩ làm việc ở bệnh viện sản, công việc là nạo phá thai. Hàng ngày có các rau thai nhi bỏ đi. Thủy cho vào phích đem về nhà nấu lên cho chó, cho lợn ăn”, rồi hai tên buôn đồ cổ trong tác phẩm Sang sông (Nguyễn Huy Thiệp) vì chiếc bình cổ mà suýt chặt đứt tay một chú bé con, hay hai anh em trong nhà chém giết lẫn nhau chỉ vì tiền trong tác phẩm Đồng đôla vĩ đại
(Lê Minh Khuê)… Cũng như các nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê… trong truyện ngắn của mình, Ma Văn Kháng đã không ngần ngại nhấn mạnh giá trị vật chất của đồng tiền “con người đang vì cái lợi vật chất mà hèn đi, tầm thường đi”.
Thông qua một loạt các nhân vật: Phú (Quê nội), Phùng (Đất màu), Hoàn (Chị em gái), bà Nhàn (Trung du chiều mưa buồn), Nhần (Suối mơ), Oanh (Một mối tình si)… Ma Văn Kháng muốn đối thoại với người đọc về đạo đức, lối sống, về bản năng của con người. Những nhân vật ấy nhìn từ “bản năng cảm xúc, bản năng hành động và bản năng nhận thức” (Ý của Gorki) để từ đó Ma Văn Kháng muốn gióng lên tiếng chuông về sự tha hóa đạo đức của con người trong thời buổi kinh tế thị trường. Ở mọi ngõ ngách, ở mỗi “góc sân nhỏ”, tình người, tính người đang bị rạn nứt, suy đồi. Phú (Quê nội) xuất thân từ miền quê nghèo nhờ được ăn học giờ đã thành đạt và có cuộc sống sung túc. Nhưng cũng từ đó anh chối bỏ gốc gác của mình. Anh khinh bỉ, coi thường người dân quê. Anh mặc cảm, tự ti về nguồn gốc xuất thân của mình. Tương phản với cảnh sống đủ đầy, sang trọng của Phú ở thành phố là cái nghèo, cái thiếu, cái tiêu điều của một làng quê nơi những người thân của Phú đang sống, nơi vừa bứt khỏi chiến tranh chưa đầy một thập kỷ. Bên trong con người có chút học vấn, tinh khôn, may mắn ấy là cái bần tiện, vô sỉ và vô tình vô nghĩa của Phú. Sau bao nhiêu năm tưởng chừng như đã "dứt hẳn làng quê" nhưng vì còn món nợ với người vợ cũ, Phú đã trở lại. Toàn bộ con người thật của Phú đã dần dần bị bóc ra, bị phơi trần qua đối
thoại của bà mẹ Phú với Nam, bạn từ thuở nhỏ của Phú. Nam: "Toà ly dị rồi cơ mà, Phú còn về đây chơi mần chi?". Bà cụ: "Ly dị rồi nhưng hắn còn tiếc cái nhẫn một đồng cân vàng hắn sắm cho mạ cái Thía hồi mới cưới, nên hắn về xin lại". Nam kêu: "Trời!". Bà cụ: "Tôi bảo cái mạ cái Thía: hắn xin thì cho hắn. Hắn ruồng rẫy mình mình cũng có chết mô. Chừ tôi đâu có ngờ tính nết hắn quá quắt rứa" [22, tr. 214]. Cái gì đã khiến Phú trở thành con người như vậy? Đó là đồng tiền, là vấn đề kinh tế, là thói hợm của, khinh người, coi thường người khác. Sự tha hóa của Phú đã thấm nhiễm trọn vẹn sang cô con gái Thủy Tiên. Phú là sự cảnh báo của nhà văn về tình trạng con người đang quên đi cội nguồn, mất gốc đang rất phổ biến trong xã hội hiện nay.
Cũng giống như Phú, bà Nhàn (Trung du chiều mưa buồn) cũng là nhân vật đánh mất nhân tính. Em gái trong cơn hấp hối muốn được đoàn tụ chị em lần cuối, thế nhưng bà Nhàn lại không thể về vì còn bận đi du lịch cùng chồng. Người đọc càng bực giận trước thái độ dửng dưng đến cay nghiệt của bà chị: “Tiên sư nó chứ, chết như nó cũng sướng. Thế mà cứ làm ra vẻ ta đây nghèo khổ! Mình dễ đã bằng nó à?” Lời bà Nhàn khép lại câu chuyện mà lòng chúng ta thấy nhức nhối. Độc giả luôn tự hỏi trong cuộc sống này còn tình người nữa hay không. Bà Nhàn đã đánh mất mình, đã xóa đi những gì là nhân tính trong con người.
Truyện ngắn Đợi chờ cũng làm cho người đọc đau đớn vì lẽ nhân tình ở đời, vì lối sống quá tệ bạc của con người. Cô Huyền – cô con gái cưng của ông Nhân, từ bé cô đã được sống trong sự yêu thương, nuông chiều của cha mẹ. Ông Nhân đã hy sinh cả cuộc đời vì con gái. Ông thương yêu con với “tình yêu cao cả vĩ đại và phảng phất hương vị tôn giáo”. Những ngày còn thơ bé cô đã đáp đền được nghĩa tình ấy. Rồi cô lớn lên, học giỏi, cô đi học ở nước ngoài. Hoàn cảnh sống đã thay đổi khá nhiều, cuộc sống sung sướng, dư thừa về vật chất, tự do và có điều kiện để sống buông thả đã làm cô thay đổi:
lạnh lùng, tàn nhẫn và dửng dưng không mảy may xúc động trước tấm chân tình, sự yêu thương, hy sinh cao cả mà người cha đã dành cho cô. Thái độ sống ích kỷ của cô đã là một mình chứng cho sự thay đổi tính cách của con người trước hoàn cảnh thật là ghê gớm.
Truyện ngắn về thế sự đời tư của Ma Văn Kháng không chỉ đề cập đến những loại người vì đồng tiền, vật chất mà đánh mất nhân cách, nhà văn còn vẽ lên bức chân dung những kẻ quyền thế, lộng hành, lộng quyền, lộng ngôn tìm mọi cơ hội mà trù dập, thóa mạ, sỉ nhục người khác. Chiên, Sự (Thầy Khiển) là loại người như vậy. Chiên và Sự xuất thân là những kẻ chèo đò, bán cháo lòng, không biết do đâu giờ Chiên làm chủ tịch, Sự làm trưởng Ty giáo dục. Bình mới nhưng rượu cũ, bản tính anh em nhà Chiên, Sự vẫn không hề thay đổi. Chiên và Sự vẫn hiện nguyên hình là những kẻ chèo đò, thất học. Chúng đều thích gây sự và hiếu chiến. Chúng tìm mọi cách vùi dập, hãm hại người khác.
Có thể nói, đứng về phía cái tốt, cái thiện, Ma Văn Kháng đã đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu cái thấp hèn, cái tha hóa của đạo đức, nhân cách con người. Đề cập đến vấn đề nhân cách đạo đức con người, nhà văn đã thức tỉnh ở người đọc ý thức tẩy trừ, gột sạch những phần tăm tối, những góc khuất trong tâm hồn con người và qua đó đấu tranh chống những cái xấu, tiêu cực trong bản thân con người và bất công ngoài xã hội.