Giọng điệu là thái độ, tình cảm của nhà văn đối với sự vật, hiện tượng được miêu tả mà người đọc có thể cảm nhận được qua sắc thái biểu cảm của lời văn. Giọng điệu bộc lộ tình cảm chủ quan của nhà văn, thái độ và cách đánh giá của nhà văn đối với con người và những hiện tượng được miêu tả. Giọng điệu góp phần làm nên diện mạo, phong cách nhà văn. Giọng điệu phù hợp sẽ làm cho câu chuyện sinh động, lý tưởng thẩm mỹ của nhà văn được bộ lộ một cách sâu sắc.
Ma Văn Kháng là nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam đương đại. Ông tự khẳng định cho mình một chỗ đứng, một văn phong riêng. Nếu trước 1986, sáng tác của Ma Văn Kháng hòa chung vào dòng văn học yêu nước với cảm hứng sử thi và giọng điệu ngợi ca, khẳng định. Từ giọng điệu đến nhân vật đều được định hình trong một khuôn mẫu nhất định. Do đó giọng điệu trong sáng tác của ông giai đoạn này thường đơn điệu, một chiều. Sau năm 1975, nhịp điệu cuộc sống trở lại bình thường với tất cả những biểu hiện phong phú của đời sống: ích kỷ, vị tha, cao thượng, thấp hèn, cao cả, phàm tục… Văn xuôi từ chỗ “phản ánh hiện thực” đến chỗ “nghiền ngẫm hiện thực”, đi tìm hiểu “Toàn bộ chiều sâu của tâm hồn con người”. Từ một nền văn xuôi mang tính độc thoại, người kể chuyện nói giọng quyền uy, trang nghiêm; giờ đây văn học là sự đối thoại với bạn đọc về cuộc sống, người kể chuyện nói bằng ngôn ngữ đời thường, bằng lời ăn tiếng nói của người bình thường. Khi nhìn văn học qua lăng kính đời tư, thế sự và quan tâm đến con người ở tư cách cá nhân đã khiến giọng điệu trần thuật trong truyện ngắn Ma Văn Kháng sau 1975 phong phú vô cùng. Trong truyện ngắn của mình, Ma Văn Kháng luôn di chuyển điểm nhìn trần thuật, tác giả tự tách mình ra khỏi
nhân vật để nhân vật tự bộc lộ bằng giọng điệu của chính mình. Từ giọng điệu trang trọng sử thi, nhà văn trở về với giọng điệu tâm tình, gần gũi, thậm chí hóm hỉnh, suồng sã của đời thường.