Nhân vật vượt lên số phận

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện ngắn ma văn kháng thời kì đổi mới (Trang 56 - 64)

Đó là những nhân vật được nhìn dưới góc độ số phận. Họ thường là những người thông minh, xinh đẹp bất hạnh – song vẫn vươn lên (nhân vật nữ), hay là những trí thức tài hoa bất hạnh vươn lên (nhân vật nam). Tất cả những con người này đều sống và hoạt động theo tiếng gọi của cái đẹp, của cái chân, thiện, mỹ. Đó có thể là cái đẹp của một đời sống phồn thực, của một

tâm hồn thánh thiện bao dung, của một nghị lực phi thường hay là vẻ đẹp của con người tài hoa tài tử. Họ lấy cái đẹp của tình người, tình người để đối nhân xử thế, để vượt lên những thói thường của cuộc đời trần tục đa đoan, đa sự này.

Đây đều là những nhân vật có tính cách, không khuất phục, chùn bước trước số phận. Họ đại diện cho những con người mà số phận luôn gặp những bất trắc, tai ương, sự đời dồn ép họ, xã hội dồn đẩy, o ép, gặp nhiều tai ương trong cuộc đời. Nhưng họ đâu dễ khuất phục, đâu dễ từ bỏ cuộc sống của mình, vượt lên tất cả họ vẫn sống, vẫn hạnh phúc như một sự đền bù cho sự nỗ lực ấy. Trong truyện ngắn, Ma Văn Kháng thường đưa ra những tình huống, những hoàn cảnh trớ trêu éo le để nhân vật thể hiện sự lựa chọn của mình. Phần lớn ở đây là các nhân vật lựa chọn hành động để cải biến thực tại. Kiểm (Kiểm, chú bé, con người), thầy Khiển (Thầy Khiển), chị Cả (Thanh minh trời trong sáng), Xuân (Một chốn nương thân), người phụ nữ (Nợ đời) … là những con người gặp đầy khó khăn tai ương, bất hạnh buộc họ phải hành động để cải biến thực tại, không chịu bó tay trước bất hạnh. Kiểm (Kiểm, chú bé con người) là một đứa trẻ sống trong hoàn cảnh bất hạnh. Quan niệm “mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng” có lẽ vẫn đúng với trường hợp của Kiểm. Ở với dì ghẻ ăn uống kham khổ, công việc lao lực lại thường xuyên bị chửi rủa, dằn hắt, đánh đạp vậy mà thằng bé “già dặn khôn ngoan vì khốn khổ tủi cực” vẫn luôn tràn trề “tình yêu thương và niềm vui bất ngờ”. Sống trong hoàn cảnh luôn thiếu tình thương yêu, chăm sóc, thậm chí còn bị đối xử tệ bạc của những người ruột thịt song Kiểm vẫn là một đứa bé nhân hậu, giàu tình yêu thương. Đã có lúc vì sự tàn nhẫn của người cha, sự độc ác, ích kỉ của dì ghẻ, Kiểm đã phải bỏ nhà ra đi. Hoàn cảnh sống đã dồn Kiểm đến bước đường cùng nhưng không vì thế mà không sống bừa bãi, buông xuôi và mất ý chí niềm tin. Ở hoàn cảnh mới, dù phải tự bươn

trải, song Kiểm vừa đi học, vừa đi làm và điều đáng quý là Kiểm đã trở về khi người dì ghẻ ốm liệt giường. Liên tiếp đặt Kiểm vào những hoàn cảnh nghiệt ngã, trớ trêu mà nhân vật vẫn giữ được những nét tính cách cao đẹp, Ma Văn Kháng giúp người đọc tin tưởng vào con người “người tốt còn nhiều lắm” và cuộc đời còn đáng được yêu.

Thầy Khiển (Thầy Khiển) để giữ vững nhân cách cao cả của người thầy đã không ngần ngại đối đầu với một lũ vô học, luôn cậy quyền thế đe dọa, trù dập thầy. Bằng tài hoa và sự dí dỏm của mình thầy đã mượn giờ sinh vật để chửi thẳng mặt lũ ngu dốt. Thầy đã hành động một cách thản nhiên, biết rằng tai họa sẽ ập đến ngay sau đó. Trong Cỏ cằn ông Dư bị giám đốc nghi là bán bò của nông trường. Mặc dù rất đau khổ nhưng không vì thế mà ông nghỉ hưu, ông ở lại một mình trên núi cao với “cỏ cằn” và giá rét để cuối cùng bắt được một con sói chuyên ăn thịt bò, chứng minh cho sự trong sạch của mình. Ông Sự (Người làm câu đối tỉnh nhỏ) là một tiến sĩ sinh học nhưng phát tiết anh hoa trong lĩnh vực văn chương. Ông trở thành người đi đầu trong phong trào chống các tệ nạn xã hội. Vì điều đó mà ông bị kẻ xấu tìm mọi cách để hãm hại nhưng bằng bản lĩnh của người trí thức hiện đại cùng với một chữ "ngông" được thừa hưởng từ khí tiết của các nhà nho quân tử, ông quyết đối đầu với các ác, cái tiêu cực. Rồi ông quyết định sang nghề làm báo nhưng dự định không thành vì thế lực của cái xấu quá mạnh, chúng đã buộc ông phải về hưu non. Nhưng không vì thế mà ông buông xuôi. Ông lại đem cái tài của mình để trồng cây, nhân giống cây cảnh. Ông tham gia hội sinh vật cảnh và câu lạc bộ thơ. Ông Sựu vẫn vui vẻ và hồn nhiên như thám nhuần lẽ đời "thực giả hư chi , thực đó mà giả đó, bỉ thử nhất thời cả thôi" [199].

Ma Văn Kháng rất thành công khi viết về những người phụ nữ. Nếu nhân vật phụ nữ của Nguyễn Minh Châu là những con người mang thiên tính nữ thì nhân vật phụ nữ của Ma Văn Kháng lại là những cá tính sắc sảo khôn

ngoan. Nhân vật phụ nữ của Ma Văn Kháng bao giờ cũng tràn đầy sức sống cả về mặt thể chất lẫn tâm hồn. Họ thông minh, sắc sảo và nhân hậu, tuy gặp phải những hoàn cảnh éo le, thậm chí có số phận bất hạnh, nhưng ở họ luôn tiềm tàng một nghị lực sống phi thường, một khát vọng vượt lên số phận. Đó là bà Sẹc (Miền an lạc vĩnh hằng), chị Cả (Thanh minh trời trong sáng), là những người vợ trong Anh thợ chữa khóa, Xuân (Một chốn nương thân), Nhiên (Nhiên, nghệ sỹ múa), Seoly (Seoly, kẻ khuấy động tình trường)… Bà Sẹc (Miền an lạc vĩnh hằng) là người phụ nữ có số phận bất hạnh, trớ trêu. Cuộc đời bà nhiều thăng trầm, oan khuất nhưng với bản tính mạnh mẽ, kiên cường bà đã đương đầu với cái ác, cái xấu, vẫn gắng vươn lên. Vượt qua nỗi đau mất chồng, vượt qua những lời vu oan giá họa, bà vẫn quyết giành lại cuộc sống cho mình. Đó chẳng phải là nghị lực, niềm ham sống của con người sao? Tình yêu cuộc sống, niềm tin và hy vọng vào cuộc sống đã thúc đẩy họ vươn lên, phấn đấu không ngừng. Cuối đời bà Sẹc đã tìm đến nương nhờ cửa Phật như để giải thoát dục vọng, tìm về cõi thanh thản, về “niềm an lạc vĩnh hằng”.

Bên cạnh bà Sẹc là Tâm (Mưa lớn đầu mùa). Cô có một cuộc đời đầy thăng trầm, một số phận ngang trái đau thương. Tương lai rộng mở khi cô vừa tốt nghiệp đại học nhưng tai họa đã ập đến với cô: cha mẹ cô mất đột ngột vì một tai nạn giao thông thảm khốc. Thân gái 20 tuổi bỗng chốc rơi vào cảnh không nơi nương tựa. Cô được người chú họ vừa mới góa vợ mời lên trông nom nhà cửa hộ. Người chú dâm đãng, đê tiện này đã cưỡng chiếm man rợ thân xác và tuổi xuân của cô. Không những thế, hắn còn “lừa lọc nàng, khiến nàng phải hiến thân cho một vị thượng cấp của y, để y kiếm chác lợi lộc trên con đường hoan lộ” [52, tr.885]. Tâm đã tự giải thoát mình bằng cái chết nhưng không thành. Cuộc sống với người chú mất nhân tính và cuồng dâm này giống như một nhà tù đầy đọa cô. Thế nhưng với cá tính mạnh mẽ, thông

minh sắc sảo, Tâm đã sống một cách chững chạc, đàng hoàng. Song cuối cùng, hắn vẫn không buông tha nàng. Hắn đã đẩy cô vào nhà tù với “cái án 5 năm”. Và “bị kể tội là thủ phạm chính trong vụ thất thoát 2 tỷ đồng ở cửa hàng cô làm chủ nhiệm” [41, tr. 884]. Ra tù, Tâm mở xưởng chế biến thủy sản nhưng “bất ngờ bị thiêu hủy trong một cơn hỏa hoạn. Nàng nghi chính là ông Sõng, tên hung thần hãm hại suốt tuổi thanh xuân của nàng, là thủ phạm” [41, tr. 887]. Thế nhưng Tâm vẫn không đầu hàng trước số phận, không đầu hàng trước cái ác. Tâm tiếp tục cùng một người quen cũ chuẩn bị hợp tác “lập công ty xuất khẩu hoa quả ở cửa khẩu Lào Cai”. Có thể nói Tâm là hiện thân cho một kiếp người lắm tai ương, bất hạnh. Song cô cũng là biểu tượng cho vẻ đẹp của người phụ nữ giữa đời thường, một người phụ nữ cứng cỏi mạnh mẽ, không chịu khuất phục trước số phận, hoàn cảnh.

Chị Xuân (Một chốn nương thân) chạy vạy ngược xuôi để xin nhà, trong khi chồng chị tỏ ra yếu hèn, ngại đối đầu. Khi cần, chị dám đương đầu với bà Nông trưởng phòng không để bà sỉ nhục và chị sẵn sàng ra gầm cầu để ở, trong khi Huấn - chồng chị - chỉ biết xót xa, tủi hổ. Còn người phụ nữ trong

Nợ đời đã không quản nghèo hèn và rách rưới đi gõ cửa các “cửa quyền” để tìm lẽ công bằng cho chồng và cho vở kịch của anh. Chồng chị là một nhà viết kịch tài ba nhưng bị lũ tiểu nhân vô tài vô đức, đầu trâu mặt ngựa vùi dập nên tài năng không được công nhận. Khi cần phải cứu chồng khỏi cơn tuyệt vọng có thể dẫn đến cái chết chị có thể hiến thân, hy sinh cả phẩm hạnh của mình. Chị nguyện “sẽ làm tất cả cho anh ấy. Thậm chí tấm thân em em cũng không tiếc”. Tấm lòng cao cả và công lao của chị đã được đền đáp, chồng chị đã trở thành một kịch gia có tiếng trong thành phố. Còn chị, nhờ sự hy sinh hết mình này mà đã trở thành biểu tượng của cái đẹp “trong trạng thái tuẫn nạo bạo liệt đã trở nên phi thường, lớn lao”. Chị Cả (Thanh minh trời trong sáng) dù bị thất thế trong bước đường công danh vẫn tìm cách hành động để

cải biến thực tại theo cách riêng của mình. Chị tổ chức các em đi tảo mộ, sửa sang phần mộ của tổ tiên, lập lại gia phả, xây nhà thờ họ… nhằm quy tụ dòng họ vào mối dây liên hệ bền chặt.

Cùng với những nhân vật bị vùi dập, Ma Văn Kháng còn xây dựng kiểu nhân vật vượt lên từ những khó khăn. Hoàn cảnh cuộc đời không cho họ may mắn có được tài năng hay giàu có, nhưng họ không cam chịu, không từ bỏ mà sát lại nhau, giúp nhau cùng vượt qua nỗi đau buồn trong cuộc sống. Đó là những người phụ nữ, những người vợ trong Anh thợ chữa khóa. Anh Thiều làm nghề chữa khóa, quê ở Hà Nam. Nơi thôn quê anh đã có vợ và ba con. Lên Hà Nội hành nghề anh chung sống cùng một người phụ nữ khác tên Thoa. Anh Thiều là một thợ giỏi, tài hoa trong nghề. Cũng vì vậy anh phải chịu cái chết oan khuất và đau đớn. Sau sự việc ấy, vợ của anh từ dưới quê dắt díu những đứa con lên tìm chị Thoa. Tưởng chừng sẽ xảy ra một vụ đánh ghen, một vụ đổ máu dưới thói thường “chồng chung đâu dễ ai nhường cho ai”. Thế nhưng khác với tưởng tượng của độc giả và những người hàng xóm, hai người đàn bà ấy đã đưa tay nâng đỡ nhau, chia sẻ với nhau nỗi đau mất đi người thương yêu để cùng nhau vượt qua lúc khó khăn này. “Hai người đàn bà thế là trở thành môn đệ chung một tôn giáo có giáo chủ là ông chồng thợ khóa đã khuất của họ, tình yêu bao giờ cũng tẩm hương phụng thờ là vậy”. Họ coi nhau như chị em ruột thịt, sống chung dưới một mái nhà. Họ còn bàn tính công việc, dự định cho tương lai, lập kế mưu sinh cho phần còn lại của cuộc đời họ. Ở hình tượng nhân vật phụ nữ, Ma Văn Kháng có cái nhìn sắc sảo, tinh tế và đầy cảm thông yêu thương bênh vực họ. Có lẽ trong thế giới nhân vật của ông, ngòi bút của nhà văn có phần ưu ái hơn dành cho người phụ nữ và Ma Văn Kháng cũng thành công hơn ở loại nhân vật này. Ông nhìn người phụ nữ dưới cái nhìn thân phận để từ đó có được cái nhìn cảm thông và tri ân với họ.

Mỗi nhân vật của Ma Văn Kháng là một hoàn cảnh, một cuộc đời nhưng họ đều có chung một số phận, một nỗi bất hạnh trớ trêu. Họ đều là những người tốt bị hoàn cảnh xô đẩy vào những tình cảnh, những số phận khác nhau nhưng ở họ luôn ánh lên một niềm lạc quan, một niềm tin yêu cuộc sống và cái đẹp chân thiện ở cuộc đời. Họ hành động theo tiếng gọi của lương tâm, của cái đẹp để đứng cao hơn hoàn cảnh. Ông Thụy, cô Bừng (Trái chín mùa thu) là hai số phận so le, người vợ mất, người chồng hy sinh. Họ đến với nhau trong sự đồng cảm chia sẻ với thứ tình cảm thiêng liêng cao thượng. Nhưng cũng chính tình cảm cao thượng ấy khiến họ chia tay nhau sau một đêm Bừng nhìn ảnh mẹ Luyến (con gái ông Thụy) khóc thương mẹ Luyến và thương người chồng đã hi sinh của mình. Ở những con người ấy đều thể hiện rõ những phẩm chất cao đẹp, một khí tiết thanh cao, một cốt cách vững vàng, không thể chuyển lay. Họ sống ung dung tự tại trước những thăng trầm của cuộc đời. Họ chính là hiện thân của cái đẹp đích thực, cái đẹp của một con người Việt hoa. Viết về những con người vượt lên số phận thể hiện cái nhìn nhân văn của Ma Văn Kháng về con người. Chỉ ra những trắc trở, những bất công vô lý trong cuộc đời, nhưng bên cạnh đó lại khẳng định sự vươn lên, vượt lên số phận của các nhân vật, nhà văn đã thể hiện một niềm tin vĩnh cửu vào con người, vào vẻ đẹp, phẩm chất, nghị lực của họ. Đó là sự kỳ vọng vào sự công bằng của cuộc sống và những giá trị tốt đẹp còn lưu giữ trong cuộc đời này. Hơn hết là thái độ trân trọng, tin yêu con người của nhà văn, nhà giáo này.

Khảo sát các kiểu nhân vật trong truyện ngắn Ma Văn Kháng đã chỉ ra sự phong phú đồng thời là sự chuyển biến trong việc xây dựng nhân vật của nhà văn nói riêng và dòng văn học đương đại nói chung. So với văn học giai đoạn trước, nhân vật trong truyện ngắn Ma Văn Kháng thời kỳ sau đổi mới hiện lên chân thực, đa dạng, gần gũi hơn. Nhà văn tỏ ra khá tinh tế khi khơi

sâu vào thế giới nội tâm đầy phức tạp bí ẩn của con người, đồng thời bộc lộ khả năng quan sát và chiếm lĩnh đời sống rất nhạy bén khi đề cập vấn đề lương tâm, tha hóa và số phận… Qua các kiểu nhân vật tiêu biểu trong thế giới nhân vật phong phú của mình, Ma Văn Kháng đã thể hiện một khát vọng cháy bỏng là hoàn thiện con người. Ông muốn truy tìm căn nguyên của cái xấu cái ác và những biểu hiện nhiều màu sắc của sự tha hóa trong tính cách con người, bằng việc đi sâu khai thác, mổ xẻ những hành động, những diễn biến tâm lý sâu kín của nhân vật với mục đích để người đọc đối chiếu, xem xét lại bản thân và rút ra bài học tự hoàn thiện.

Chương 3. Những đặc điểm nghệ thuật trong truyện ngắn Ma Văn Kháng thời kỳ đổi mới

Một phần của tài liệu Đặc điểm truyện ngắn ma văn kháng thời kì đổi mới (Trang 56 - 64)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(121 trang)
w