* Yếu tố tướng hình
Trong văn học nghệ thuật, miêu tả ngoại hình để từ đó chỉ tính cách và số phận của nhân vật không phải đến Ma Văn Kháng mới xuất hiện. Trong văn học trung đại, đại thi hào Nguyễn Du đã rất thành công với thủ pháp nghệ thuật này. Từ việc miêu tả vẻ đẹp của Thúy Kiều và Thúy Vân, nhà văn đã có ý dự báo trước cuộc đời, số phận của hai nàng. Ma Văn Kháng cũng sử dụng thủ pháp đó để kiệm lời mà vẫn nói được nội dung. Trong tất cả các yếu tố ngoại hình, ông lựa chọn “tướng hình” để thể hiện tính người. Xem tướng hình để đoán biết tính cách và số phận con người là một yếu tố mới mẻ đối với văn chương và vẫn là địa hạt thú vị mang cơ sở khoa học mà con người thực sự chưa khám phá hết được những điều bí ẩn của nó. Từ cách tiếp cận nhân vật trên phương diện tướng hình dưới con mắt của một thầy tướng số, Ma Văn Kháng muốn đi tìm lời giải thích cho sự nhỏ bé hữu hạn cũng như bản năng của con người. Điều này tạo nên sự khác biệt cho nhân vật của Ma
Văn Kháng so với nhân vật trong truyện ngắn của các nhà văn khác. Qua việc khắc họa tướng hình nhà văn lần lượt làm lộ ra tính cách và số phận của nhân vật. Có thể nhận thấy điều này qua chân dung rất nhiều nhân vật như: cái Tý Ngọ, ông Thại, thầy Khiển, Kiến, Nhần, Rư, Chiên, Sự…
Dựa vào ngoại hình có thể phân chia thế giới nhân vật trong truyện ngắn của Ma Văn Kháng ra làm hai loại người: người có tướng tốt thì thiện tâm, còn kẻ ác tướng thì ác tâm. Sự thống nhất giữa ngoại hình và nội tâm ở đây gần như là tuyệt đối. Vì thế nhân vật của Ma Văn Kháng dù phức tạp đến đâu, biểu hiện phong phú như thế nào thì “sau khi tiếp xúc người đọc cũng có thể nhận diện được ngay nhân vật ấy thuộc hạng người nào, cao thượng hay đê tiện, độc ác hay nhân từ, ích kỷ hay hảo tâm…” [17]. Những người có dáng vẻ thanh cao sáng sủa thường là những người tốt tính, phúc hậu, còn ngược lại, ngoại hình tướng mạo của những kẻ có ngoại hình xấu xa, dị hợm thường là kẻ hiểm ác đê tiện; tuy có chút ngoại lệ song phần lớn nhân vật của Ma Văn Kháng đều được xây dựng theo chiều hướng này.
Trước tiên chúng ta khảo sát kiểu nhân vật mà tướng hình tương đồng với tính cách. Đó là tướng hình cái Tý Ngọ (Cái Tý Ngọ) là một đứa con gái đã “hai mươi tuổi nhưng nó chỉ thấp bé bằng đứa nhóc lên mười… Cái Tý Ngọ bé lắt nhắt, hóp hép. Nó không mông không ngực, nhác trông như một khúc xương khô, tội nghiệp lắm… ông trời thật quái ác, hình hài nó đã dị biệt, bất túc, ông lại còn bắt nó mang cái dung mạo quá bần hèn, dị hợm. Mũi thì hếch môi thì hở. Mắt đã ti hí lại leo lét cô hồn. Mặt nó nhạt nhẽo, tản mạn… chẳng có tí sắc nhụy, tinh huyết thiếu nữ nào” [41, tr. 427]. Ngòi bút của Ma Văn Kháng tỏ ra sắc nét khi “cố ý tô đậm chân dung” nhân vật. Ông trời thật bất công đối với con người. Cái hình hài ấy “ai có chút tình người chẳng động lòng trắc ẩn, chẳng ái ngại xót thương”. Thương cũng phải có cái cho người ta thương, xấu người mà tốt nết cũng chẳng sao. Đằng này cái Tý Ngọ đã xấu
người lại xấu tính. “Điêu toa, dối trá. Vô lễ phép, ăn nói chỏng lỏn. Đâm toang bỏ vãi… và gian. Gian lắm”. Bản chất đê tiện và tính cách hai mặt của nó còn bộc lộ khi nó đối xử với ông Hoàn, người là ân nhân cưu mang, bênh vực nó trước sự ghẻ lạnh của mọi người trong cơ quan. Vậy mà khi ông Hoàn về hưu, sếp mới lên nó lật lọng, vu cáo ông, rêu rao bôi nhọ ông Hoàn đủ điều. Ma Văn Kháng đã giải thích điều đó bằng bản năng tồn tại của con người. Đó là thói thường của những kẻ hèn để duy trì vị trí của mình. Chỉ bằng vài nét phác họa kẻ “tiên thiên bất túc” ấy, Ma Văn Kháng đã qua tướng hình để nói được tính người đê tiện, vô liêm sỉ của những kẻ vô học như cái Tý Ngọ.
Giống như cái Tý, một loạt các nhân vật cũng được xây dựng với bút pháp như thế. Tức là nhân cách được bộc lộ ngay ở nhân dạng. Đó là tướng hình của Chiên, Sự (Thầy Khiển): “mặt choắt, mắt sâu râu rậm” (Chiên), còn Sự thì “mặt mỏng, mắt trầm, miệng bẹt như miệng cá trê”. Đi cùng với tướng mạo xấu xí bần hèn ấy là tính cách đê tiện, lừa lọc, ghen ghét đố kị hống hách của anh em nhà hắn. Chiên và Sự đều cùng dòng máu dâm dê, cùng mắc thói tí tởn đàn bà, con gái. Nhần (Suối mơ) là người đàn bà “thấp hèn, chân tay chùn chũn. Chưa có con nhưng ngực xệ, bụng phưỡn. Mặt chị lại quá nhỏ, khéo chỉ bằng cái niêu kho cá bống. Thêm hai con mắt lá dăm ở xa nhau, mặt chị thêm cái vẻ đong đưa hay lên mặt đài đệ. Gương mặt chị lồ lộ vẻ trần tục vì khí cục toát ra vẻ hèn kém thế nào ấy”. [22, tr. 373]. Nhần là người đàn bà xấu người xấu cả nết. Gốc gác nông thôn nhưng “đua đòi tơ tuốt, tính tình thì cỡn cờ, ăn nói thì chấn chở, không có ra bản căn cốt” [22, tr. 373]. Một phụ nữ như vậy thì làm sao là một người vợ hiền, thương yêu chồng con được. Và tướng hình ấy đã nói lên tất cả tính nết con người ấy. “Miệng chị phũ lắm. Dài giọng chị mắng anh là vai u thịt bắp, mồ hôi dầu, là đồ ăn gio bõ trấu ỉa ra than” [22, tr. 376]. Trong khi anh Rư chồng chị ốm nằm mê mệt thì chị bỏ đi
vui vẻ cùng gã nhân tình. Kiến trong Chọn chồng tướng mạo và dáng đi đã tố cáo bản chất của hắn: “mặt thịt nùng nục, lồ lộ nét trần tục, ria con kiến kiểu ăn chơi đàng điếm… vai lệch, đi vặn vẹo thân mình như rắn trườn” [22, tr. 166]. Là tướng mạo của mụ Chí trong Những người đàn bà “người đàn bà to xụ như cái đụn rạ”, “thuộc loại dị nhân bất thường. Mặt choắt. Miệng rộng. Gần như cả hàm răng trên dưới đều bịt bạc. Khổ người sồ sề. Cái bụng chảy xệ”… Chính cái tướng hình và cung cách của mụ Chí đã “tố cáo” và bổ sung thêm cho diện mạo của mụ: “ngồi lê mách lẻo”, “vô giáo dục” và “ngang nhiên xúc phạm đến các nhân cách cao cả” [41, tr. 484].
Bên cạnh những kẻ ác tướng thì ác tâm, nhà văn còn xây dựng kiểu nhân vật thiện tướng thì thiện tâm. Cái đẹp, cái thanh tao, vẻ đẹp của tâm hồn đã thể hiện, phơi bày ngay ở ngoại hình. Đó là những con người như bà Sẹc (Miền an lạc vĩnh hằng), chị Thảo (Heo may gió lộng), Nhiên (Nhiên, nghệ sỹ múa), ông Huỳnh (Phiên chợ hoa áp tết)…
Bà Sẹc (Miền an lạc vĩnh hằng) là người phụ nữ đẹp, “mặt hoa da phấn, mắt phượng mày ngài, thắt đáy lưng ong, thần thái cao sang như rồng như phượng” [41, tr. 613] nhưng lại “có số phận không may”. Trải qua những cái chết buồn thương của hai người chồng và cả những sóng gió thị phi mà người đời tạo lập để vu oan cho bà. Mặc cho sự ghen ghét đố kị luôn rình rập, bà vẫn kiên cường sống, một mình đấu tranh với cái ác cái xấu. Ở bà vừa biểu hiện của vẻ đẹp bao dung nhân hậu, hết lòng vì mọi người trong cuộc sống đời thường, vừa là vẻ cao quý, siêu phàm vượt khỏi cái thế tục. Cùng với bà Sẹc là Tâm (Mưa lớn đầu mùa). Tâm là người phụ nữ đẹp nhưng có số phận trớ trêu. Nàng đã ba mươi và “sở hữu một vẻ đàn bà thật tự nhiên và nồng hậu”. Nàng có “một gương mặt mảnh mai. Một cặp mắt to đa cảm… Nó làm sáng bừng lên đôi lưỡng quyền cao hồng dâng đa tình… Cùng với một thân hình cân đối nở nang, một khuôn ngực chín mọng” [52, tr. 876 Lịch]. Vẻ đẹp
thể chất cũng tương đồng như tính cách của nàng. Nàng sống ngay thẳng kiên cường, căm ghét cái ác, cái xấu. Nàng là hiện thân cho nghị lực và ý chí vươn lên phi thường của con người.
Ông Huỳnh (Phiên chợ hoa áp tết) cùng với ông Khoa, bà Trang là những người bạn tâm giao, tri kỷ. Họ cùng vượt lên thói thường để sống ung dung nhàn tản. Họ đều là những trí thức ưu tú, “những học giả đầu ngành”. Tâm hồn và diện mạo của họ hài hòa thống nhất trong cái đẹp của con người trần tục. Bà Trang có “một gương mặt quên tuổi 40, tròn đầy trắng hồng, còn đang rất trẻ trung, từ đôi mắt lấp láy đen ánh thoáng chút e ấp đến đôi môi tươi có cái cười dịu hiền, cao quý” [41, tr. 464]. Còn ông Huỳnh “với dáng dong dỏng cao, nguyên vẹn vẻ thư sinh, từ cái bludông len khuôn gọn thân mình, gương mặt thanh tú…” [41, tr. 465]. Ở họ luôn toát ra cái thần thái cao sang lịch thiệp. Từ cử chỉ đến việc làm, từ lời ăn tiếng nói đến nội tâm bao giờ cũng thể hiện một vẻ đẹp thiên lương trong sáng.
Cuộc đời thật lắm éo le, phi lý, đa đoan, đa sự. Con người là một bản thể phức tạp, đôi khi con người không thống nhất trong triết lý “ở hiền gặp lành, ác giả ác báo” một cách đơn thuần. Thế giới nhân vật trong truyện ngắn của Ma Văn Kháng còn có những số phận “so le”, trái ngược hoàn toàn với những gì mà tạo hóa ban cho tướng mạo bề ngoài của họ. Miêu tả những nhân vật mà số phận tương phản với ngoại hình , nhà văn đã thể hiện quan niệm nghệ thuật về con người đa diện đa chiều, nhỏ bé hữu hạn trước hoàn cảnh.
Cứ theo những nét phác họa của chị Thiên trong Chị Thiên của tôi: “Eo thon ngực nở, vai tròn, kín đáo, ý nhị, kìm nén mà vẫn cứ rừng rực gợi tình. Mắt đen láy, mi dưới có nốt ruồi đón lệ! Tướng vượng phu ích tử, mặt cao sang mà tận tụy dâng hiến, lại thấp thoáng cái hiu hiu buồn” [33, tr. 122] thì chị Thiên chắc chắn phải có cuộc đời phú quý, nhàn hạ và hạnh phúc. Từng ấy nét đẹp của chị đủ làm cho đám đàn ông háo dục thèm khát. Chị đẹp “đến
mức cỏ cây cũng phải động lòng mê mẩn, đức hạnh miễn chê”, thế mà lại ôm gối nằm không suốt cả mấy chục năm dài. Hạnh phúc đã không mỉm cười với chị. Cuộc đời chị chẳng những không suôn sẻ, hạnh phúc mà chị còn phải gánh chịu biết bao nỗi truân chuyên. Sau bao nhiêu lần mối lái không thành, tình duyên dang dở, chị khép lòng mình, ôm trọn nỗi cô đơn. Nào ngờ, do tình cờ chị gặp lại người bạn cũ và là người duy nhất mà chị yêu, chị đã bị mụ vợ anh ta đánh ghen man rợ. Mụ đã cướp đi gương mặt đẹp đẽ, đáng yêu và hạnh phúc ngọt ngào mà chị đang chờ đợi.
Nhiên trong Nhiên, nghệ sỹ múa cũng là người đàn bà “đẹp đến mức hoàn mỹ”. Từ gương mặt thánh thiện đến làn da tẩm hương và dáng hình thanh tú. Nàng đạt những số đo lý tưởng biểu hiện giới tính đến độ rực rỡ nhất là ở vùng ngực, bờ vai, vùng eo hông” và “vẻ đẹp của Nhiên ánh xạ tâm hồn nàng”. Nhưng vẻ đẹp của nàng không nhận được sự đồng cảm. Bên cạnh sự kiếm tìm riết róng của phía những người đàn ông say mê nàng, Nhiên còn trở thành đối tượng trung tâm của sự ghen ghét đố kị của Sấn, một người đàn bà có tướng mạo xấu xí, trong vẻ đối nghịch với Nhiên. Với nhan sắc ấy lẽ ra Nhiên xứng đáng được hưởng hạnh phúc tròn trịa, viên mãn. Nhưng vẻ đẹp của nàng và sự hiện hữu của nàng đã bị phủ định. Kết thúc thiên truyện là nỗi đau đớn khắc khoải trên khuôn mặt bị băng kín do những vết dao đem lại của Nhiên…
Qua số phận của Thiên, Nhiên hay của Seoly (Seoly, kẻ khuấy động tình trường), Ma Văn Kháng làm ta day dứt vì bốn chữ “phong vận kỳ oan” mà cụ Nguyễn Du than tự thuở nào.
Bên cạnh những nhân vật phụ nữ có kiếp hồng nhan bạc phận ta còn bắt gặp nhiều nhân vật nam có ngoại hình rất đẹp mà số phận lại ba đào, cuộc đời gặp nhiều oan nghiệt. Ông Thại trong Tóc huyền màu bạc trắng là người đàn ông có vẻ đẹp hài hòa, hào hoa hiếm có gợi lên thần thái của bậc “chính
nhân quân tử”, “nếu khoa tướng mạo học chia mặt người thành mặt ngụy biện, mặt hiền triết và mặt công khanh thì gương mặt ông Thại thuộc loại hình thứ ba, hết sức sang trọng” [22, tr. 5]. Nếu chỉ nhìn vào ngoại hình thì ông Thại chắc chắn là người giàu sang phú quý, tiền tài, danh vọng, tất thảy đều tốt đẹp. Ấy vậy mà không phải ai khác, ông Thại lại là người phải gánh chịu bao nhiêu nỗi oan uổng, khổ đau và chịu cảnh cô đơn lạc lõng. Ông bị tù tội mà không hề biết lý do. Số phận đã không mỉm cười với ông. Sau 20 năm ở tù ông vừa mất việc vừa mất cả người yêu. Cuộc đời đã cướp đi của ông tuổi trẻ, hạnh phúc, mà đáng lẽ ra ông phải là người xứng đáng được hưởng.
Qua việc đặc tả ngoại hình theo chiều hướng không thuận chiều này, Ma Văn Kháng muốn đi xa hơn quan niệm bình thường, quen thuộc để bộc lộ ý tưởng của mình về cuộc đời, con người. Suy nghĩ và nhìn nhận con người ở chiều sâu đã tạo nên chất hiện đại của truyện ngắn Ma Văn Kháng.
Lấy tướng hình để thể hiện tính người là một sự đổi mới cách tân và sáng tạo của Ma Văn Kháng trong nghệ thuật xây dựng nhân vật từ sau đổi mới. Nhà văn luôn nhìn nhận nhân vật dưới cái nhìn đa chiều của cuộc sống, chỉ có thế, nhân vật của ông mới trở nên “rất đời” và có sức ám ảnh đối với bạn đọc. Ma Văn Kháng muốn gửi gắm một thông điệp đến với con người: Cuộc sống không chỉ chịu sự chi phối của quy luật khách quan mà còn chịu sự chi phối của cả những điều bí ẩn, những ngẫu nhiên, ngẫu sự.
* Yếu tố nghề nghiệp
Bên cạnh yếu tố tướng hình, Ma Văn Kháng còn tiếp cận nhân vật, lật xới bản thể họ từ góc nhìn nghề nghiệp. Cùng với tướng hình nghề nghiệp sẽ dựng nên một chân dung hoàn chỉnh về nhân vật trong truyện ngắn của ông. Khảo sát yếu tố này, chúng tôi muốn tiếp cận gần hơn với cách nhìn biện chứng của nhà văn khi xây dựng nhân vật. Con người dù muốn hay không thì yếu tố nghề nghiệp cùng với hoàn cảnh sống vẫn cứ chi phối in hình và quy
định tính cách của họ. Nghề nghiệp của nhân vật sẽ góp phần nói lên tính cách của nhân vật ấy. Trong truyện ngắn của Ma Văn Kháng nghề nghiệp lúc xuất thân của nhân vật như một yếu tố dự báo về tính cách của nhân vật sau này. Dù nhân vật ấy có đi đâu làm gì, cuộc đời họ có thay đổi như thế nào thì nghề nghiệp vẫn in dấu trong tính cách của họ. Nghề nghiệp luôn tương đồng với tính cách nhân vật. Những người xuất thân hèn kém (chèo đò, bán cháo lòng, dọn vệ sinh…) dù sau này có làm ông nọ bà kia thì vẫn không che giấu nổi nguồn gốc xuất thân của mình, vẫn hiện nguyên hình chân tướng của những kẻ đầu đường xó chợ, thất học. Còn những người thầy, người trí thức dù cho hoàn cảnh, cuộc đời xô đẩy thì nhân cách của họ vẫn không hề thay đổi.
Nhần (Suối mơ), xuất thân làm nghề đi ở nhưng Nhần lúc nào cũng kiểu cách ra vẻ người thành phố. Thân phận, nghề nghiệp đều hèn mọn vậy mà khi lấy được người chồng tốt như anh giáo Rư tính tình vẫn không thay đổi. Nhần đối xử với chồng tệ bạc, ăn nói cắm cẳn, phũ miệng, tính tình đỏng đảnh, lười biếng. Bà Nhàn (Trung du chiều mưa buồn) cũng vậy, “vốn xuất thân nơi đồng ruộng, thôn dã, ít được học hành, còn tối dạ nữa là khác” [23, tr. 113] may nhờ chút nhan sắc giờ lên chức trưởng phòng nhưng cách ăn nói, ứng xử của bà vẫn không sao che nổi quá khứ xuất thân của mình.