Truyện ngắn Ma Văn Kháng chủ yếu viết về đề tài thế sự, đời tư nên ngôn ngữ đời thường, ngôn ngữ sinh hoạt xuất hiện với tần số khá lớn. Vì thế tác phẩm của ông mang đậm hơi thở cuộc sống đương đại. Nhận xét về ngôn ngữ trong truyện ngắn của Ma Văn Kháng, nhà nghiên cứu Lã Nguyên viết: “Nhà văn sử dụng rộng rãi khẩu ngữ, trước hết là tục ngữ, thành ngữ đem văn nói hòa trộn vào văn viết”. Chính việc sử dụng với tần số lớn ngôn ngữ hội thoại hàng ngày cùng tục ngữ, thành ngữ dân gian đã đem đến vẻ đẹp gần gũi bình dị cho Ma Văn Kháng. Ngôn ngữ văn xuôi của ông ánh lên vẻ đẹp của cuộc sống đời thường.
Truyện ngắn Ma Văn Kháng đậm chất khẩu ngữ thể hiện trước hết ở ngôn ngữ người kể chuyện. Đó là cách nói suồng sã, ngang hàng, bình đẳng với mọi loại nhân vật và sử dụng phong phú từ ngữ thông tục, thành ngữ, tục ngữ. Trong Người cuối cùng của làng Lận, Ma Văn Kháng viết về những con người bỏ quê ra đi kiếm sống ở xứ người: “Hạng giàu có, thường làm giám đốc, chủ nhà hàng, kỹ sư, bác sỹ… Hạng nghèo là đám thợ thuyền hoặc vô nghề nghiệp… Họ (đám nhà giàu) vẫn là anh khôn ngoan, từ bạch thư tay trắng, từ thất cơ lỡ vận mà dựng lại cơ đồ, trong khi mấy anh vốn là dân du thủ du thực, khố rách áo ôm, sống vô gia cư, chết vô địa táng, cầu bơ cầu bất
hoặc trộm cắp chuyên nghiệp, bị bắt, xổng tù vượt ngục ra đi, những tưởng chuyến này cờ đến tay tha hồ mà phất, trở thành ông nọ bà kia, võng giá nghênh ngang, thì vẫn xo xúi hoàn xo xúi [34 , tr. 70].
Chất khẩu ngữ thể hiện rõ nhất ở ngôn ngữ nhân vật. Truyện ngắn Ma Văn Kháng từ sau đổi mới viết nhiều về dân nghèo thành thị, họ gồm đủ các
loại người: những công chức hạng bét, những người bán hàng rong, chữa khóa, bơm xe, đạp xích lô, đi ở… Nhà văn nhìn thấy sự pha tạp trong họ không phải chỉ ở tính cách mà còn ở ngôn ngữ. Ngôn ngữ của họ thể hiện cả sự nhún nhường, sự láu cá, khôn ngoan và cả sự ngu ngốc, vô học. Đây là lời của Nhần – vợ anh Rư (Suối mơ) – “người gốc nông thôn nhưng đua đòi tơ tuốt, tính thì cỡn cờ, ăn nói chấn chở, không có gia bản, căn cốt”. Chị nói vừa sỗ vừa ngọng: “Cụ Khang ơi. Cụ cho tôi mượn cái lồi, tôi lấu bơ gạo lếp cho nhà tôi ăn đi làm” [22 , tr.368]. Hay lời của Lộc làm nghề đạp xích lô khi đánh đuổi vợ (Cái Bướm tung tăng): “Tiên sư con đĩ Bướm nhé! Mày trốn ông hả? Ông giáo, em nhờ ông đuổi ló ra ngoài lày hộ em, để em ráo rục ló. Có vợ mà không dạy được thì tao là con chó, hiểu chưa Bướm!... Đấy, ông giáo xem. Ló là con vợ tôi hay là một con đĩ? Xin phép ông giáo để tôi cho ló
một bài học” [34, tr. 70].
Ngôn ngữ nhân vật mang phong cách sinh hoạt còn thể hiện ở chỗ mang đậm màu sắc của từng địa phương. Đây là lời đối thoại của chị Thảo – người chị ở quê nhà – ra thăm vợ chồng Đoan (Heo may gió lộng): “Giời
không chịu đất thì đất đành phải chịu giời cháu ạ. Mình ở thế yếu mờ… Bác vẫn còn tiền chứ nhỉ, buồn lắm là cảnh người ức hiếp người, hãi quá! À, mờ
thôi. Bác chả có gì đâu. Hai còn gà này nuôi cho đẻ mờ ăn trứng” [21]. Còn đây là cuộc đối thoại giữa bố Thủy Tiên và bà nội (Quê nội):
“- Anh mần chi mà lúc mô cũng bấn bíu. Quan trọng rứa tê à? - Con bé nó khảnh ăn. Về đây nó không ăn được. Lại nóng quá.
- Nhà quê rứa đó. Nỏ có điện, nỏ có máy nước. Răng nỏ đưa chị ấy về chơi cùng? Từ ngày cưới đã ai biết mặt
- Bà thông cảm. Nhà con trẻ người non dạ, từ bé sống ở thành phố, khó tính. Đấy việc đưa cái Thía lên, con đã quyết rồi, cô ấy không nghe, thành ra…
- Anh đưa hắn đi mần chi. Hắn còn có mạ ở đây…” [21– 139].
Những lời nói này mang đậm phong thái, cốt cách của con người miền trung xứ Nghệ. Sử dụng ngôn ngữ đối thoại mang đầy màu sắc địa phương này, Ma Văn Kháng đã gợi lên những nét thô mộc, vụng về, chất phác, lam lũ mà hồn hậu đáng yêu, đáng quý ở con người. Qua lời hội thoại, hình ảnh người mẹ miền trung chân chất, nhân hậu, giàu tình nghĩa hiện ra thật đáng trân trọng. Nó khác hẳn thứ ngôn ngữ lấp lửng, lươn lẹo của người nhà quê mất gốc là Phú.
Ngoài ra tác giả còn đặc biệt chú ý đến loại cán bộ có chức quyền xuất thân hạ lưu, vô học cũng bị lộ rõ “sở đoản” của mình qua ngôn ngữ. Họ có chức vụ cao sang, sang trọng nhưng cách nói năng vẫn giữ nhiều đặc tính cũ thuở hạ lưu: tục tĩu, thô lỗ, hợm hĩnh… Những cụm từ ngữ quen thuộc được lặp lại nhiều lần như “cực kì”, “hết xảy”, “hết ý”, “cha tiên sư nó”… lại được phát ra từ miệng bà Nhàn trưởng phòng có địa vị danh giá (Trung du chiều mưa buồn). Dù có thay đổi về môi trường, về điều kiện sống, song Ma Văn Kháng đã khẳng định sự vĩnh hằng, bất biến trong tính cách cũng thể hiện rất rõ qua ngôn ngữ của nhân vật. Khi nhận thư em rể, câu đầu tiên của bà là “xem thằng ông mãnh” định vòi vĩnh gì nào, để khi nghe tin em gái bà mất, bà cũng cất lên một tiếng chửi cho sướng mồm: “Tiên sư nó chứ, chết như nó cũng sướng” [21, tr. 123]. Trong truyện ngắn Ma Văn Kháng, loại người như bà Nhàn không hiếm. Với loại người này, ông luôn vạch rõ những tật ngôn ngữ của họ. Không nói ngọng, nói lắp thì cũng giật cục hoặc là lặp đi lặp lại ở một vài từ nào đó. Một bà Nông – trưởng phòng (Một chốn nương thân) luôn luôn thay từ “không” bằng từ “đếch”…
Điều này càng chứng tỏ rõ hơn thái độ khinh ghét của nhà văn đối với loại người này. Không chỉ có thế, đôi khi tác giả còn để cho họ làm thơ. Thứ thơ mà làm cho người đọc cảm thấy khó chịu. Thơ của họ là sự thăng hoa cái
vô học, bất tài đến lố bịch. Chẳng hạn như bài thơ của Đông Quách tiên sinh, giám đốc một cơ quan xuất bản:
“Nhớ sao một lớp công nông
Một thời ba lớp khoanh tròn một năm Giường tầng trên dưới ta nằm
Bay vào tứ quyển ta hăm hở nhiều Nhớ sao bổ túc mến yêu
Nhớ sao sớm sớm chiều chiều bên nhau” [35 , tr. 177]
Hay những vần thơ con cóc của mấy ông già trong Những kẻ rửng mỡ: “Trưa nay trời nóng nực
Ông cụ Thực đi trực Gặp bà Xuân hở ngực Trời lại đang hừng hực Vì ông là giống đực Nên ông rất hậm hực”
Nhìn chung, Ma Văn Kháng sử dụng ngôn ngữ không đối lập với quan điểm cổ nhân: “Người thanh tiếng nói cũng thanh”. Nhân vật tính cách thế nào thì ngôn ngữ thể hiện cũng thống nhất như vậy. Ông không sử dụng kiểu đối lập “khẩu phật tâm xà” trong truyện ngắn của mình. Nhà văn sử dụng tối đa thế mạnh của phong cách khẩu ngữ, ngôn ngữ của mỗi cá nhân được lưu giữ và bảo tồn ở dạng tự nhiên nhất và đúng bản chất nhất. Có thể thấy rằng, chính ngôn ngữ đời thường giản dị cùng vốn liếng văn học dân gian đã đem lại cho truyện ngắn Ma Văn Kháng một sắc điệu riêng, một vẻ đẹp khó lẫn trong văn học Việt Nam đương đại. Mỗi trang viết đều mang đậm hơi thở của cuộc sống, hơi thở của thời đại.