Bên cạnh những nhu cầu tự ý thức, sự thức tỉnh của cá nhân là trạng thái tâm lý cô đơn, khao khát cái đẹp, cái thiên lương của con người. Cô đơn là vấn đề của mỗi bản thể, cá nhân nhưng nó không hẳn là vấn đề riêng tư, nhỏ bé mà nó còn là vấn đề của cộng đồng, của xã hội. Bi kịch của sự cô đơn, “côi cút giữa cảnh đời” là một trong những bi kịch đáng nói trong truyện ngắn thời kỳ đổi mới của Ma Văn Kháng. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến trạng
thái cô đơn, cô đơn vì thấy mình lạc lõng giữa đời thường, cô đơn là ở sự trống trải trong tâm hồn mình, cô đơn của những người đàn bà suốt cuộc đời vẫn không tìm thấy tổ ấm, một nơi trú ngụ tinh thần bởi sự thât vọng vì tình yêu về người bạn đời trăm năm. Vì thế họ luôn phải đối diện với sự trống vắng trong tâm hồn mình mà không có cách nào thoát khỏi được nó. Đó là những con người rơi vào bi kịch trong sự tương phản giữa cá nhân và hoàn cảnh xã hội. Họ muốn sống hết mình cho gia đình và cống hiến tài năng cho xã hội những đều bị những kẻ có quyền chức cơ hội tùy thời, lòng tham, sự ganh ghét tị nạnh, đố kị vùi dập.
Ông Thại (Tóc huyền màu bạc trắng), thầy Khiển (Thầy Khiển), thầy Huân (Người đánh trống trường), ông Dụng (Bệnh nhân tâm thần)… đều là những nhân vật cô đơn giữa cộng đồng, giữa đám đông. Họ đều là những con người có tài năng, tâm huyết nhưng bỗng chốc trở nên lạc lõng trước thời cuộc, trước hoàn cảnh sống đổi thay Thầy Khiển trong truyện ngắn cùng tên là một người thầy giáo "tài hoa, vui tính và ngông ngạo, đã đem tất cả cái tri sở thức của mình mà tu bổ dân trí", con người tài năng tâm huyết nhưng rồi trong đời cũng có lúc rơi vào cảnh thân cô, thế cô giữa cộng đồng. Thầy bị sa thải khỏi ngành giáo dục, bốn bố con bơ vơ không có nhà để ở. Trong hoàn cảnh bi đát ấy dễ làm con người đổi thay song điều đáng quý ở ông Thại, thầy Khiển là họ vẫn ung dung, tự tại, vẫn giữ nguyên lối sống thị tài, an nhiên.
Nam (Trăng soi sân nhỏ) là một văn sỹ có tên tuổi, Nam luôn là trung tâm chú ý của công chúng và đồng nghiệp và như vậy, việc các cơ sở có nhã ý mời anh xuống thực tế để viết, để nói chuyện văn chương là chuyện hết sức bình thường nhưng vốn là người rụt rè, khiêm tốn, Nam luôn giữ kẽ và "chỉ sợ phiền hà cho người khác". Thực tế cuộc sống đi và viết, gặp nhiều những con người luôn trục lợi, thực dụng, hợm hĩnh và hư vinh (như Bân), những
tâm hồn, trí tuệ méo mó, bệnh tật (như Thuấn)...đã khiến anh luôn trăn trở và không khỏi có những phút giây cảm thấy cô đơn, lạc lõng.
Nhưng đau đớn, tủi cực hơn nữa đó là những con người rơi vào trạng thái cô đơn không chỉ ở mối quan hệ xã hội mà còn ở ngay chính trong gia đình mình như Rư (Suối mơ), My (Lũ tiểu mãn ngập bờ), Tâm (Mưa lớn đầu mùa)… Rư (Suối mơ) yêu thương vợ hết lòng, luôn gắng gỏi vun đắp hạnh phúc gia đình. Nhưng đổi lại vợ anh hoàn toàn vô cảm, chê bai anh hết lời, thậm chí ngang nhiên đi ngoại tình. My (Lũ tiểu mãn ngập bờ) là một phụ nữ vừa đẹp người vừa đẹp nết, giỏi giang, song cuộc đời My cũng là chuỗi ngày cô đơn, bế tắc “có chồng cũng như không”. Và cuối cùng không chịu nổi sự cô đơn, đau đớn tủi nhục, My tìm đến cái chết như một sự giải thoát. Tâm (Mưa lớn đầu mùa) cũng có số phận đầy bất hạnh trớ trêu. Nàng là hiện thân cho cái đẹp cô đơn giữa cuộc đời. Tâm có chồng nhưng giữa nàng và chồng là một sự tương phản đối lập gay gắt. Tâm "sở hữu một vẻ đẹp đàn bà thật tự nhiên và nồng hậu". Nàng có "một gương mặt mảnh mai. Một cặp mắt to đa cảm...cùng với một thân hình cân đối nở nang, một khuôn ngực chín mọng"[41,tr. 876]. Trong khi đó chồng nàng là ông Sõng "một người đàn ông tuổi chừng lục tuần, mặt choắt, mắt xếch, mồm đầy những chiếc răng nhọn như đinh và đã hói tới nửa đầu, trông thật dị hình, dị tướng"[41,tr. 876]. Hai con người này không chỉ tương phản về ngoại hình mà còn tương phản cả về tính cách. Tâm là sự kết hợp hài hoà giữa bản tính xốc vác, vô tư, trong sáng của người phụ nữ nhân hậu thì ông Sõng lại là một lão già hay cáu bẩn, cố hữu một vẻ mặt gian hiểm, khinh khỉnh xa cách mọi người. Thế nên cuộc đời Tâm chỉ có cô đơn và những tai ương. Tâm bị Sõng hãm hại từ việc chiếm đoạt thể xác đến việc đẩy Tâm vào tù. Từ số phận của My, Tâm...Ma Văn Kháng đã khơi dậy ở người đọc nỗi xót xa, nhức nhối cho thân phận của
những người phụ nữ phúc hậu và cho số phận của cái Đẹp trong cuộc đời đa đoan, đa sự này.
Đó còn là sự cô đơn của cái đẹp, của những hồng nhan đa truân. Seoly (Seoly, kẻ khuấy động tình trường) là một thiếu phụ viên mãn, trọn vẹn, nàng là hiện thân của vẻ đẹp siêu phàm, quái kiệt, yêu kiều “như từ huyền thoại cổ tích đi ra”. Vẻ đẹp ấy của nàng đáng ra phải được hưởng một cuộc sống hạnh phúc, đầy đủ. Vậy mà cuộc đời, số phận nàng lại bị săn đuổi, chiếm đoạt, vùi dập một cách ê chề, nhục nhã. Sắc đẹp của nàng không tìm được sự đồng cảm, giữa một cộng đồng đông đúc. Bao quanh nàng toàn là những định kiến khinh miệt, ghét bỏ, thù hằn hay ham muốn chiếm đoạt, sở hữu. Xung quanh nàng ban đầu người ta tìm cách hạ bệ, hãm hại nhau, cuối cùng là hạ bệ nàng, hạ bệ cái Đẹp. Cái Đẹp phải chịu một số phận nhục nhã, ê chề đến thế bởi nó vẫn là một sinh thể cô đơn và lạc lõng giữa cộng đồng.
Chung số phận với Seoly còn có Nhiên (Nhiên, nghệ sỹ múa). Nàng là người đàn bàn “đẹp đến mức hoàn mỹ”. Cái đẹp lẽ ra phải mang lại cuộc sống hạnh phúc cho Nhiên, vậy mà chính cái đẹp lại là tai họa của đời nàng, lại mang đến nỗi cô đơn và bất hạnh cho nàng. Xinh đẹp, Nhiên là mục tiêu của đám đàn ông háo sắc bao quanh: lão Chiên nghiện, Khoản rỗ, Hòa còi… Xinh đẹp, nàng là đối tượng nhận sự ghen ghét của mụ Sấn “mắt ti hí, mũi tẹt, môi vều… đít nhọn”. Kết thúc truyện ngắn, Ma Văn Kháng để Nhiên hiện ra với khuôn mặt băng kín chỉ để hở hai con mắt sâu trầm, bơ vơ, ngơ ngác cùng một nỗi đau đớn khôn cùng “cả đời em có lẽ sẽ chẳng biết làm vợ, làm mẹ đâu” và “nàng cô đơn như bản chất nghệ thuật đích thực”.
Bà Sẹc (Miền an lạc vĩnh hằng) là người phụ nữ cá tính, sắc sảo nhưng cũng là người có số phận bất hạnh, trớ trêu và cô đơn. Ba mươi tuổi bà đã qua hai đời chồng. Họ đều từ bỏ bà ra đi với những cái chết đột ngột không ngờ. Đã thế bà còn bị kẻ lăng loàn vu oan khiến bà phải rời bỏ khỏi cơ quan, bỏ
biên chế ra đi. Người phụ nữ ấy đã “lấp nỗi trống trải không chồng, không con bằng công việc vất vả hiến dâng cho tập thể”. Bà ra sức làm giàu cho tập thể, hi sinh quên mình để cứu tài sản cho tập thể khỏi lũ lụt hỏa hoạn. Chiến tranh nổ ra bà bị địch bắt rồi bà bị người ta coi thường, khinh bỉ, bị vu cho là Việt gian… Thế nhưng, dẫu cô đơn một mình bà vẫn đương đầu với cái ác, cái xấu thể hiện một bản tính mạnh mẽ kiên cường, khẳng định nhân cách. Cuộc đời bà nhiều thăng trầm oan khuất. Đến cuối đời đi tu mong tìm về cõi thanh thản, về Miền an lạc vĩnh hằng, song cuối cùng bà vẫn không thoát khỏi bể trầm luân.
Có thể thấy những con người luôn phải hứng chịu bất hạnh và nếm trải nỗi cô đơn. Song những con người này dù sống trong bất hạnh cô đơn nhưng không yếm thế buông xuôi, không hèn hạ, chịu nhục. Họ coi những đau khổ của mình như sự trải nghiệm của chính mình để có thêm bản lĩnh vượt khó, bảo toàn được nhân phẩm quý giá của mình. Họ đã biết nuốt vào lòng nỗi đau đớn, nhục nhã, ê chề và gồng mình lên mà dốc hết sức lực để không bị tha hóa nhân cách, để vẫn mãi là mình, mãi mãi là mình. Bất hạnh cô đơn mà nhân văn, văn hóa dường như đã trở thành một phạm trù mỹ học của Ma Văn Kháng.