7. Cấu trúc của luận văn
1.2.2. Hành trình sáng tác của nhà thơ Tuyết Nga
* Các sáng tác chính
Tuyết Nga đến với con đường sáng tác thơ ca từ khi bắt đầu vào đại học và gần như ngay lập tức chị đã có một chùm thơ in trên báo Văn nghệ quân đội. Khi về công tác tại Hội văn học nghệ thuật tỉnh Hà Tĩnh, bên cạnh các cây bút đã nổi danh như Đức Ban, Phạm Việt Thư không ít người cho rằng Tuyết Nga chỉ đóng vai nhà thơ, vì khi đó ít ai nghe nói chị đang viết gì. Bất ngờ năm 1992,
chị cho ra đời đứa con tinh thần đầu lòng của mình- tập thơ Viết trước tuổi mình. Tập thơ gồm 19 bài thơ nhỏ nhắn, xinh xắn nhưng đã phản ánh được thế giới tâm hồn của người con gái mới lớn như những rung động đầu đời, những yêu, ghét, giận hờn trong tình yêu. 19 bài thơ của Viết trước tuổi mình được lấy cảm hứng từ chính đời sống thường nhật (Đổi mùa, Bão, Noen 1987, Hoa cỏ, Đối thoại mùa thu, Hoa mùa thu trước) và từ chính những chiêm nghiệm, triết lí của chị về cuộc đời ( Ru mình, Viết trước tuổi mình, Tĩnh vật, Đường số phận, Nhật kí,…). Ngay lập tức, tập thơ đã thu hút sự chú ý của độc giả. Có những độc giả Tây học cũng mê thơ chị như mê bóng đá, trước khi đi về cõi thiên thu vẫn ao ước được mang theo trong hành trang của mình một tập thơ do Tuyết Nga sáng tác.
Kiên trì theo đuổi quan niệm “ thơ là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi” cùng với những cảm nhận hàng ngày nhiều khi không giống với những người xung quanh “ đôi khi nhìn một nụ cười tôi lại thấy thấp thoáng một nỗi buồn, nhìn một ánh mắt đầy kiêu bạc lại thấy một nỗi bất lực khủng khiếp” [26, tr.41]. 10 năm sau Tuyết Nga lại gây xôn xao thi đàn với Ảo giác (2002). Ảo giác cũng gồm 19 bài. Với 19 bài này, Tuyết Nga đã khắc họa thành công bức chân dung tinh thần người thiếu phụ gắn bó chặt chẽ với ký ức, với những buồn vui của cuộc đời. Bên cạnh đó Tuyết Nga cũng có những bài thơ viết rất hay về tình mẫu tử ( Hoa tầm xuân, chùm thơ Viết cho Chíp), về tình yêu, hạnh phúc ( Ảo giác 1, Ảo giác 2,…). Tất cả đều được nhìn qua lăng kính ảo giác. Về mặt nghệ thuật “người đọc cũng nhận thấy trong tập thơ mới này đặc điểm đa phong cách. Bên cạnh những bài thơ thể hiện cái nhìn duy lý sắc sảo, quyết liệt hướng về hiện thực đời sống như Rơi, Trên con đường mùa đông, Như đá, Nhật ký trên máy bay…là những bài thơ như những bước chân của linh giác tận một miền ảo ảnh khói sương như Tháng mười, Trong mưa,Tự khúc, Và em đi qua mùa đông, Sắp đặt,..”[63, tr.39].
Thời gian thai nghén cho mỗi đứa con tinh thần dường như mỗi ngày một ngắn lại, nó tỉ lệ nghịch với tuổi đời và tuổi nghề của Tuyết Nga. Bước sang tuổi 50, cái tuổi có thể đạt đến những viên mãn của cuộc sống Tuyết Nga đã chiêm nghiệm ra rằng “ để được hạnh phúc như mình mong ước hình như con người ở
nhân gian này còn thiếu một điều gì đó nữa, một điều mà ngay cả trong thần thoại cũng không có” [63, tr.38] .Và như thế, Hạt dẻ thứ tư ra đời. Tập thơ gồm 21 bài đã cho thấy những suy tư, chiêm nghiệm của Tuyết Nga về cuộc đời, nhất là về tình yêu, hạnh phúc. Cũng trong tập thơ này, người đọc nhận thấy chị đã quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề của đời sống hiện đại như tình trạng chặt phá rừng ( U-minh cháy), nhịp sống thời @ (Rock, Rơi, Búp bê Baby). Đánh giá về Hạt dẻ thứ tư, Inrasara viết “ Thơ Tuyết Nga cứ chới với, hụt hẫng. Hụt hẫng mà đẹp. Hụt hẫng và đẹp. Cái đẹp giữa bộn bề thơ hôm nay, vẫn khả năng cứu chữa vết thương tâm hồn chúng ta, khi trái tim chúng ta tưởng hóa đá, chai cứng, trơ lì. Trước dọa nạt của thời gian và, giữa phi lí của cõi người, nó như là hạt dẻ thứ tư- hạt dẻ tìm thấy” [23, tr.15].
Từ một cô sinh viên văn khoa về công tác tại một tỉnh lẻ trên dải đất miền Trung, đến nay Tuyết Nga đã bước sang tuổi ngũ tuần sau nhiều biến cố của cuộc đời. Từ những khổ đau và mất mát của cuộc đời mình, chị chắt chiu, gom nhặt và thổ lộ cùng thơ.
Ngoài làm thơ, chị còn viết khá nhiều các công trình nghiên cứu về chân dung văn học trên các báo Văn nghệ, Văn nghệ quân đội, Văn nghệ công an, Tiền phong, Phụ nữ,...
* Đóng góp của thơ Tuyết Nga
Với hành trình hơn 30 năm lặng lẽ và cẩn trọng làm thơ, đến nay Tuyết Nga đã được dư luận và công chúng yêu thơ ghi nhận qua các giải thưởng: Giải thưởng tác phẩm xuất sắc của Ủy ban toàn quốc Văn học nghệ thuật Việt Nam 1993(cho tập thơ đầu tay Viết trước tuổi mình), Giải thưởng cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1995, Giải thưởng văn học nghệ thuật Hồ Xuân Hương (Nghệ An) 15 năm. Và gần đây nhất là Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam năm 2003 (cho tập thơ Ảo giác). Các giải thưởng là sự ghi nhận, sự vinh danh đáng trân trọng và cần thiết của dư luận trước những đóng góp của Tuyết Nga cho nền thơ Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập.
Đồng thời thơ Tuyết Nga cũng đã nhận được những đánh giá cao của các nhà nghiên cứu có uy tín cũng như các bạn bè đồng nghiệp. Dưới đây, chúng tôi xin trích một số nhận định:
Đọc Ảo giác, Vũ Nho trong bài viết “ Người đàn bà không nhìn đời bằng ảo giác” đã khẳng định phong cách riêng của Tuyết Nga rằng “ Thơ Tuyết Nga cuốn hút người đọc bằng sự giản dị chân thành, “ thành thực” của tâm hồn người viết…Thơ Tuyết Nga không thể hiện tình cảm của mình một cách ồn ào, vồ vập.”[41, tr.15]
Đánh giá những đóng góp của Tuyết Nga cho thơ đương đại Nguyễn Đăng Điệp cũng nhận định: “chị đã góp vào thơ hôm nay những câu thơ giàu sức gợi, những câu thơ có khả năng thanh lọc tâm hồn người đọc bằng sự cao khiết của thơ ca.” [16, tr.329]
Lưu Khánh Thơ khẳng định “ Thơ Tuyết Nga gợi nhiều hơn thơ tả…Nó như những nét chạm khắc lạnh và sâu.”[58, tr.33]
Inrasara nhân đọc Hạt dẻ thứ tư khẳng định “ Thơ Tuyết Nga cứ chới với, hụt hẫng mà đẹp, hụt hẫng và đẹp. Cái đẹp giữa bề bộn cuộc sống hôm nay vẫn có khả năng cứu chữa vết thương tâm hồn chúng ta, khi trái tim chúng ta tưởng như hóa đá, chai cứng, trơ lì.” [24, tr.15]
* Tiểu kết chương 1: Như vậy, về đại thể có thể thấy thơ Việt Nam sau
1975 là sự vận động theo sát cuộc sống con người Việt Nam thời hậu chiến và thời hội nhập. Thơ đang từng bước có những cách tân cả trong nội dung và hình thức biểu hiện, do vậy nó đã và đang tiến sâu hơn trong việc phản ánh thế giới tâm hồn muôn điệu của con người. Xuất hiện trong dòng chảy này, thơ Tuyết Nga đã đi sâu khám phá thế giới tâm hồn của người phụ nữ hiện đại bằng những vần thơ trong trẻo, mang vẻ đẹp thánh thiện. Đồng thời một điểm đặc biệt nữa làm nên thương hiệu thơ Tuyết Nga còn là ở chỗ hình ảnh thơ của chị nghiêng về gợi hơn là tả, siêu thực hơn là hiện thực. Trong khi thơ đương đại đang vận động theo nhiều xu hướng, có cái tích cực, có cái hạn chế song sự đóng góp, những miệt mài và luôn trăn trở, thao thức cùng thơ của Tuyết Nga chính là một sự nối tiếp cho dòng chảy thuần Việt của thơ Việt .
CHƯƠNG 2:
HIỆN THỰC VÀ ẢO GIÁC TRONG THƠ TUYẾT NGA 2.1. Quan niệm nghệ thuật
Tuyết Nga đến với thơ không phải là để tìm kiếm những giải thưởng cũng không phải để được nổi tiếng. Chị đến với thơ đơn giản là vì với chị thơ là một phần không thể thiếu của cuộc sống (cho dù cuộc sống có đi đến đâu). Chị làm thơ để san sẻ cái phần mà nếu không có thơ sẽ ít ai biết được đồng thời làm thơ để ghi nhận chứ không phải để chứng tỏ. Tuy vậy, chị cũng rất quan tâm đến quan niệm nghệ thuật bởi theo chị quan niệm nghệ thuật là “sự thể hiện tập trung nhất đặc điểm của một tác giả. Cuộc sống đa diện và nhiều biến hóa, khi tôi tìm đọc một tác giả nào đó là tôi đang muốn có thêm một cái nhìn khác, càng độc đáo, khác lạ càng tốt về đời sống và thế giới con người”[66, tr.13].
Trong giới hạn của luận văn, chúng tôi xin trình bày quan điểm nghệ thuật của nhà thơ Tuyết Nga trên hai phương diện: quan niệm nghệ thuật về nghề nghiệp và quan niệm nghệ thuật về con người.
2.1.1. Quan niệm về nghề nghiệp (thơ)
Tuyết Nga có quan niệm rất rõ ràng, cụ thể về thơ: thứ nhất thơ là tiếng nói tâm tư, tình cảm, tiếng nói tâm hồn của chính người sáng tạo và nó chịu sự chi phối mạnh mẽ của cảm xúc, thứ hai thơ phải mang dấu ấn riêng của người sáng tạo. Hai vấn đề này được chị phát biểu trực tiếp trong các bài trả lời phỏng vấn và tự bạch gián tiếp qua các trang thơ.
* Thơ là tiếng nói của cảm xúc dạt dào
Theo Từ điển thuật ngữ văn học “ Thơ là hình thức sáng tác văn học phản ánh cuộc sống, thể hiện tâm trạng, những cảm xúc mạnh mẽ bằng ngôn ngữ hàm súc, giàu hình ảnh và nhất là có nhịp điệu” [45, tr.528]. Định nghĩa này cung cấp cho chúng ta một cái nhìn tương đối hoàn chỉnh về thơ cả ở nội dung và hình thức nghệ thuật.
" Nhà nghiên cứu Hà Minh Đức cũng định nghĩa và nêu chức năng, ý nghĩa
của thơ như sau “ Thơ là tiếng nói của một tâm hồn, của niềm ao ước, thơ bộc lộ khát vọng vươn tới một lý tưởng đẹp đẽ và cao thượng”[14, tr.92].
Trên thực tế thơ ca và con người dường như đồng thời xuất hiện và tồn tại, bởi vậy thật khó có thể thống kê được trên thế giới có bao nhiêu định nghĩa về thơ. Riêng ở Việt Nam chúng ta ngay từ thế kỷ XVIII Lê Quý Đôn đã phát biểu quan niệm của mình về thơ rằng “ làm thơ có 3 điều chính: một là tình, hai là cảnh, ba là việc”. Tức là để tạo thành thơ phải có sự thống nhất giữa tiếng nói tình cảm, tâm tư của người nghệ sĩ với vạn vật và cuộc sống xung quanh. Hay đại thi hào Nguyễn Du cũng nói “ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Thơ là sự hội tụ của cái tâm và cái tài của người nghệ sĩ trong đó cái tâm đóng vai trò chủ đạo, không có tâm tức là trái tim, tâm hồn, tình cảm của người nghệ sĩ thì không thể có thơ.
Bước sang thế kỷ XX, khi làm thơ, viết văn trở thành một nghề nghiệp để kiếm sống thì một đại diện tiêu biểu của phong trào Thơ mới- nhà thơ mới nhất trong các nhà Thơ mới- Xuân Diệu cũng nói nhiều về quan điểm nghệ thuật, quan điểm của mình về nghề văn, về thơ một cách trực tiếp qua các bài tiểu luận, và qua thơ. Người thi sĩ lãng mạn ấy định nghĩa “Là thi sĩ, nghĩa là ru với gió/ Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây/ Để linh hồn ràng buộc với muôn giây/ Hay chia sẻ bởi trăm tình yêu mến”. Với Xuân Diệu là thi sĩ trước hết phải là người yêu cuộc sống và gắn bó thiết tha với cuộc sống, với vạn vật xung quanh bằng một tâm hồn lãng mạn, nhạy cảm. Đây cũng là một quan niệm nghề nghiệp tích cực, đáng trân trọng, nhất là trong bối cảnh xã hội ta những năm đầu thế kỷ XX khi đất nước mất chủ quyền, cuộc sống ngột ngạt trong bầu không khí thực dân xâm lược, các nhà tư tưởng, các nhà yêu nước thì băn khoăn, bế tắc trên con đường tìm kiếm tự do, độc lập cho toàn dân tộc.
Một đại diện nữ tiêu biểu của thơ Việt Nam hiện đại- nữ sĩ Xuân Quỳnh, dù không trực tiếp định nghĩa thi sĩ là gì nhưng qua bài thơ Nếu ngày mai em không làm thơ nữa ta cũng đọc được quan niệm của chị về nghề văn, về thơ và về vai trò của thơ ca đối với cuộc đời. Lấy giả định rằng ngày mai mình không làm thơ nữa, Xuân Quỳnh tự thấy:
Trận mưa xuân dẫu làm ướt áo Nhưng lòng em còn cảm xúc chi đâu Mùa đông về quên nỗi nhớ nhau Không xôn xao khi nắng hè đến sớm Chuyện hôm qua sẽ trở thành kỷ niệm
Màu phượng hồng chẳng còn nồng trên lối ta đi.
Cái mưa xuân một thời đã làm cho cô gái thôn Đoài ngày nào phải khóc thầm lẻ loi, tê tái trên con đường về vì người yêu hẹn đến mà không đến “Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng” nay cũng trở thành vô nghĩa, thành không cảm xúc với em nếu em không làm thơ nữa. Cả nỗi nhớ người yêu da diết, nhớ như một quy luật của tự nhiên “Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét” nay cũng thành hư vô. Mọi ký ức về nhau cũng sẽ thành kỷ niệm, không còn vương vấn gì với hôm nay. Mọi cảm xúc buồn vui, những dòng ký ức cũng sẽ trở nên vô nghĩa. Em sẽ trở thành con người vô cảm trước cuộc sống nếu em không làm thơ nữa . Tức là với Xuân Quỳnh thơ là tất cả, là mọi buồn vui, âu lo trong cuộc sống. Thơ hiện hữu trong chị tất cả những gì thuộc về khối óc, trái tim của con người nói chung và người con gái nói riêng.
Trong Bài thơ không năm tháng, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ cũng cho rằng thơ là tâm hồn, là sự giao cảm, giao thoa, sự đồng điệu giữa người với người . Thơ là biểu tượng, là tiếng nói bất tử trước thời gian “Cái chết là khoảng trống/ Nhưng thơ là tâm hồn/ Lòng tôi luôn mãi nghĩ/ Anh vẫn còn, vẫn còn” và thơ ca đích thực, thơ ca được viết bằng trái tim của con người là thứ thơ ca sẽ còn mãi với thời gian “ Tôi không tin có ngày thơ tận thế/ Dẫu có người máy làm thơ thoáng chốc nghìn bài/ Thơ không trái tim vứt vào sọt rác/ Thơ thi nhân chẳng dễ đâu nào”(Tôi không tin có ngày thơ tận thế).
Đến với lớp các nhà thơ nữ của giai đoạn 1975- 1995 như Phạm Thị Ngọc Liên, Ý Nhi, Đoàn Thị Lam Luyến, Lê Thị Mây hay Nguyễn Thị Hồng Ngát ta đều bắt gặp ở các chị những quan niệm về nhà thơ, về vai trò, sứ mệnh của thi ca và về trách nhiệm của người làm thơ. Với Phạm Thị Ngọc Liên thì “Viết, đối với tôi, trước nhất là một nhu cầu để phơi trải, để bộc bạch... Bằng ngôn ngữ văn
học, tôi có thể nói lên những cảm xúc tinh tế của niềm vui và nỗi buồn, điều u uẩn lẫn phút thăng hoa” [28, tr.43]. Thơ chị là tiếng nói tâm hồn chị, thơ với chị là một người bạn để chị bày tỏ, chị phơi trải lòng mình, để chị không còn cảm giác cô đơn hay yếu lòng. Còn Ý Nhi lại nhấn mạnh mối quan hệ khăng khít, bền chặt giữa thơ và đời, thơ là tinh chất được trưng cất “từ bùn bẩn, từ đau thương, cùng quẫn” của cuộc đời và làm thơ là hành động tìm kiếm và kiến tạo cái đẹp và nghệ thuật đích thực là thứ nghệ thuật hội tụ trong mình những cao khiết, tinh túy và những dữ dội, dư ba lớn của cuộc đời “Rồi một ngày kia, có một câu thơ/ lan tỏa như sóng/ quẫy cựa như sóng/ trắng xóa/ và xanh biếc” (Tặng một người làm thơ trẻ). Đoàn Thị Lam Luyến thì cho rằng để có được những câu thơ “ có nhan sắc” , những vần thơ đồng điệu với muôn tâm hồn thì người nghệ sĩ phải dấn thân, phải hy sinh. Chị luôn tâm niệm “ nghệ thuật bao giờ cũng hơn cuộc đời, vì vậy, con đường nghệ thuật với tôi dài và đầy gian khổ” [33, tr.179].
Không chỉ tin tưởng về sự tồn tại vĩnh cửu của thơ, nhà thơ Lê Thị Mây còn thấy thơ gần gũi như chính cuộc đời chị vậy “ Thơ là nỗi buồn thầm kín của tôi, đã cất tiếng khóc khi còn lại một mình”.
Như vậy, có thể nhận thấy mỗi người đến với thơ ca trong một hoàn cảnh khác nhau, với những lý do khác nhau song với ý thức chân chính về nghề