B. NỘI DUNG
2.3.4 Ngôn ngữ tự sự
Hoàng Việt xuân thu đã thoát khỏi cách ghi chép khô cứng, lạnh lùng
của sử gia, lời văn trong tác phẩm trang nhã, mềm mại và giàu hình ảnh. Hồi thứ hai viết về Trần Thiên Bình là con cháu họ Trần muốn dấy nghĩa phục thù cha con Hồ Quý Ly nên đã sang nhà Minh cầu cứu. Đường đi khó khăn vạn dặm được tác giả miêu tả “Đường đi cheo leo, băng ngàn lội suối, dần xa đất
Việt, vời thấy Bắc Kinh”. Hay cảnh Cảnh Chân mang tờ biểu nhận tội của Hồ
Quý Ly sang nhà Minh được tác giả miêu tả: “Cảnh Chân đi chuyến này đường mây muôn dặm, ngõ liễu bồi hồi, trăng gió canh ba, đình mai lưu trọ.
Ngẩng đầu, vầng nhật cạnh Trường An; phóng mắt, ánh sao bên cung khuyết”
(Hồi thứ ba). Ở Hồi thứ mười bốn, Đoàn Phát khuyên Dân Hiến không nên tin lời Phạm Đán nhưng không được liền dẫn quân ra đi, Dân Hiến và Phạm Đán ở lại tiếp tục tiệc rượu linh đình, được tác giả miêu tả: “… Ba hồi trống gióng, trên dưới hòa vui. Bên trong nghiêng chén Bắc đẩu, bên ngoài tấu nhạc Nam huân. Uống suốt đêm thâu, chơi tràn ngày thẳm. Trăng bạc treo cao, cây núi
nghìn trùng bóng rọi; sao đêm chiếu sáng, xóng xô khắp nẻo lung linh”. Viết
về Trần Thượng hoàng Giản Định trên đường chạy trốn quân Minh, lòng dạ đau buồn, tác giả viết: “Đến canh khuya, nghe đầu thành trống điểm, trong rừng chim kêu, Thượng hoàng lặng lẽ ra ngoài thành ngắm nhìn, thấy núi non
39
ảm đạm, cây cối tiêu điều, trăm vật khắc khoải, ba quân thở than, trạnh nhớ quê hương, càng đau buồn về thất bại vừa nếm trải, nước mắt đầm đìa, ruột
vò chín khúc, bèn trở vào đồn đi nằm” (Hồi thứ hai mươi tám). Ngôn ngữ tự
sự trong tác phẩm mang tính tượng trưng ước lệ, giàu hình ảnh đó cũng là đặc trưng của thi pháp văn học trung đại. Tác giả chính vì vậy đã khắc họa nội tâm nhân vật, khiến nhân vật hiện lên sinh động với những suy nghĩ, buồn vui như con người trong đời sống hiện thực.
Ngôn ngữ trong tác phẩm cũng là một bình diện quan trọng, là một thành phần hữu cơ góp phần tạo nên thành công của một tác phẩm tự sự. Ngôn ngữ của nhân vật trong tác phẩm văn học được thể hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau như ngôn ngữ đối thoại, ngôn ngữ độc thoại nội tâm. Trong Hoàng Việt
xuân thu, ngôn ngữ chủ yếu của nhân vật là ngôn ngữ đối thoại giữa các nhân
vật trong những tình huống cụ thể từ đó nhân vật tự bộc lộ bản chất của mình và góp phần tạo nên diễn biến câu chuyện.
Do ảnh hưởng của văn học trung đại nên ngôn ngữ trong tác phẩm chịu ảnh hưởng của bút pháp tượng trưng ước lệ. Ngôn ngữ nhiều khi hoa mỹ, diễn tả nhiều câu biền ngẫu, đối ngẫu. Trong tác phẩm Hoàng Việt xuân thu dù là người có trình độ học vấn cao hay thấp, dù là bậc tướng lĩnh hay kẻ bề tôi thì ngôn ngữ của họ bao giờ cũng rất sang trọng, sử dụng điển cố điển tích, giàu hình ảnh, thể hiện sự tôn kính. Ở hồi thứ tư, sứ giả Mai Sĩ đã dùng những lời lẽ có tình có lý, tỏ ý ca ngợi anh em họ Lê nhằm thuyết phục họ ra giúp triều đình: “Ngay nay trên có thánh chúa sáng suốt, khắp bốn biển không ai không xưng là bề tôi. Giúp triều đình giữ mối hòa hiếu với các nước, vĩnh viễn loại bỏ nạn xâm lấn từ bên ngoài, vin theo mình rồng, tựa vào cánh phượng, vốn không thiếu chi người. Duy có hạng hiền sỹ câu ở sông Vị, cày ở núi Sằn thì còn đang khao khát mong ngóng. Nếu quý ngài chịu tung chí hồng hộc, trổ tài kỳ lân, ra mà duy trì thế đạo, giúp chúa, làm lợi cho dân, khiến công danh lưu
40
khiêm tốn và cũng sử dụng nhiều điển cố điển tích để nói với Mai Sỹ: “Trên đã có bậc vua hiền như Nghiêu, Thuấn, dưới lại có bề tôi giỏi như Tắc, Tiết, Vũ, Cao, dù bên ngoài triều đình có hàng trăm Sào Phủ, Hứa Do chăng nữa thì cũng không ảnh hưởng đến nền thịnh trị của đời Đường, đời Ngu. Còn như anh em Thiện đây chỉ là hạng trí mọn tài sơ, không xứng đáng để triều
đình sai phái”. Những lời nói của Lê Thiện là lời từ chối rất khéo léo khiến
Mai Sĩ đành phải mang chiếu thư trở về. Ở hồi thứ mười bảy, khi thuyết phục Đoàn Phát, Lê Thiện đã dùng những điển tích điển cố để nói về tội ác của cha con Hồ Quý Ly: “Họ hồ tàn hại muôn vật, giết chóc dân lành, ác như Kiệt, Trụ; giết vua cướp nước, tội quá Vương, Tào. Huống hồ dân là dân nhà Trần, chúa là chúa nhà Trần. Việc dấy quân của Thiện này không nhằm lợi ích bản thân, mà chính là trên thì vì nước, dưới thì vì dân, lẽ đâu lại manh tâm tiếm thiết để thực hiện cái chí bấy lâu ôm ấp? Ông nếu rời nơi tối ra nơi sáng, bỏ chỗ tà về chỗ chính, thì không chỉ Hán Thương có thể diệt, mà họ Trần cũng
phục hưng, nhân dân được hưởng phúc”. Những lời nói của Lê Thiện hùng
hồn, ngay thẳng, dùng những điển cố điển tích để vạch ra tội ác tày trời của họ Hồ khiến Đoàn Phát bái phục xin hàng.
Chịu ảnh hưởng của văn xuôi trung đại nên ngôn ngữ của nhân vật trong tác phẩm không chỉ sử dụng điển cố, điển tích mà nhiều lúc còn rất văn hoa bóng bẩy. Nhân vật Trương Phụ muốn Lê Thiện ra hợp tác với mình nên đã mời cha vợ Lê Thiện là Thái giám nhà Trần Lý Tự Thành tới và dùng những lời nói giàu hình ảnh ca ngợi Lê Thiện: “Lan sinh ở khe sâu không có ý khoe thơm mà hương thơm ngào ngạt; trăng mọc nơi biển thẳm không cố tình phô sắc mà ánh sáng lung linh. Cần gì phải ngắm mình trước gương, đứng đầu
ngọn gió rồi mới biết” (Hồi thứ mười). Ở Hồi thứ ba mươi bảy, khi Nguyễn
Trãi vén màn sụp lạy Lê Lợi có thưa rằng: “Thần là Tiến sĩ triều Trần… Nghe
minh công là bậc trưởng giả khoan dung, thần đặc biệt tới đây xin theo…
41
muốn vái chào nhưng sợ đường đột”. Lời nói của Nguyễn Trãi cho thấy lòng
ngưỡng mộ đối với Lê Lợi và thể hiện ông là người biết lễ nghĩa, việc lẻn vào trong trướng chỉ là “bất đắc dĩ” mà thôi.
Ngôn ngữ nhân vật trong tác phẩm thể hiện trình độ học vấn của người nói, thông qua lời nói của từng nhân vật, tác giả đã làm nổi bật tính cách, bản chất của nhân vật. Nhờ có ngôn ngữ, các nhân vật trở nên sống động, gần gũi hơn đối với người đọc và từ đó câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn. Có thể nói, ngôn ngữ trong tác phẩm là một trong những bình diện quan trọng góp phần tạo nên thành công của nghệ thuật tự sự của Hoàng Việt xuân thu.