7. Cấu trúc của luận văn
3.1.3. Thơ văn xuôi
Theo Từ điển Văn học (tập II, 1984, trang 381) thì thơ văn xuôi “là một trong ba hình thức cơ bản của thơ xét về phương diện tổ chức ngôn ngữ, là loại sáng tác dùng văn xuôi để biểu hiện một nội dung tư tưởng tình cảm đầy chất thơ”.
Với Nguyễn Trọng Tạo thì “Thực chất thơ văn xuôi chính là thơ không vần, hay nói
cách khác nó là biến cách của thơ - không vần. Mà thơ không vần trước hết nó là thơ thoát ra ngoài qui tắc của vần luật nhưng vẫn ràng buộc bởi nhịp điệu (tiết tấu) và âm thanh (trầm bổng) của thơ, mà ta vẫn thường gọi là nhạc điệu. Nhờ vào tính chất đặc trưng đó mà phân biệt thơ văn xuôi (thơ không vần biến cách) với văn xuôi giàu “chất thơ” [49]. Mặc dù được xem là hình thức tự do nhất trong thể loại thơ nhưng sự xuất hiện của thơ văn xuôi trên văn đàn thơ ca hiện đại chưa nhiều so với
thơ tự do và thơ lục bát. Bởi nói theo cách nói của Xuân Diệu thì:“Viết thơ văn xuôi
cần phải nắm vững nhịp điệu, tiết tấu của câu thơ dài rộng phá thể và phải tinh vi nghe được cái nhạc bên trong của câu thơ: Khi nhạc ấy không thể hiện ra những vần mà lỗ tai cảm thấy ngay thì nó lại càng phải dồi dào, đầy căng như nhựa mật của trái tim làm nứt vỏ” [12].
Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ người đọc đã ghi nhận sự đóng góp của Chế Lan Viên, Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật, Thanh Thảo, Nguyễn Trọng Tạo, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Đức Mậu... trong việc vận dụng thể thơ văn xuôi để sáng tác. Với Phạm Ngọc Cảnh, ông cũng tham gia sáng tác, dẫu không nhiều nhưng cũng thể hiện sự thể nghiệm mình và sự đóng góp đối với thể loại không mới nhưng xuất hiện khá dè dặt trong sự nghiệp sáng tác thơ ca của nhiều tác giả.
Nếu Nguyễn Đức Mậu lựa chọn“một câu chuyện về cánh rừng Trường Sơn
năm xưa bằng văn xuôi đậm chất tự sự mà trữ tình nên thơ” [19, tr.64] thì Phạm Ngọc Cảnh lại lựa chọn những vần thơ văn xuôi chất chứa những chiêm nghiệm, suy ngẫm
về cuộc đời thể hiện sự từng trải của người cầm bút: “Tôi yêu đến tột cùng cành trong
cây đã được uốn vặn kì công làm một biến dạng tài tình vẫn dám nhô ra cái mầm xanh chói mắt. Có thể người trồng vung dao chặt. Thì mầm kia đã cảnh cáo người rồi.
Tôi yêu đến tột cùng con cá vọt lên bờ - Dẫu lầm lỗi ấy đẩy vào cái chết - Không vậy làm sao biết có cái gì mênh mang hơn cái ao
Tôi yêu…”
Lựa chọn thể thơ văn xuôi nhưng không nhằm mục đích ngợi ca, Phạm Ngọc Cảnh đi vào phản ánh hiện thực cuộc sống với cái nhìn sâu rộng hơn. Cảm hứng đó bắt nguồn từ nhận thức, kinh nghiệm và vốn sống của nhà thơ. Chính điều đó đã xóa nhòa khoảng cách của thơ với đời. Với kết cấu bên ngoài trình bày bằng hình thức thơ tự do, dòng suy ngẫm của Phạm Ngọc Cảnh vượt ra khỏi rào cản của vần, nhịp, độ ngắn dài của các câu thơ không bị hạn chế mà tỏa theo cảm xúc. Ông mạnh dạn đi vào mặt khuất chìm của cuộc sống với một niềm tin mãnh liệt vào ý chí, nghị lực và sức vươn dậy của con người. Khi cuộc sống ngày càng hiện đại hơn thì cũng dễ làm cho con người sống thực dụng hơn, có những giá trị cao đẹp trong tâm hồn bị thay thế bởi những tính toán của vật chất. Ranh giới của tốt xấu, thật giả, đôi khi chúng ta khó đoán định hết được. Nhưng chính trong nhịp sống ồn ào, có lúc tưởng
như “được uốn vặn kì công” lại “dám nhô ra cái mầm xanh chói mắt”, kể cả khi bị
“vung dao chặt” nhưng“mầm kia đã cảnh cáo người rồi”. Hay đó còn là hình ảnh của con cá vọt lên bờ vượt ra khỏi cái ao dẫu rằng phải đối diện với cái chết, để thỏa mãn những khao khát khẳng định mình trong cuộc đời. Cuộc sống dù có được mang những lớp màu của thời đại thế nào thì con người luôn phải vươn lên, phải biết đấu tranh với những bất công ngang trái trong cuộc đời để đi tới chân trời rộng mở với những khát khao được sống hạnh phúc, sống có ý nghĩa. Một triết lí rất gần gũi và cần thiết trong cuộc sống được nhà thơ thể hiện bằng thủ pháp liên tưởng so sánh - một thủ pháp được dùng nhiều trong thơ văn xuôi và có thể khẳng định Phạm Ngọc Cảnh đã vận dụng thành công. Điều đó đã góp phần thể hiện tài năng, sự vươn lên trong lao động nghệ thuật của người nghệ sĩ - chiến sĩ Phạm Ngọc Cảnh.