7. Cấu trúc của luận văn
3.2. Giọng điệu thơ
Trong việc thể hiện tư tưởng và cảm xúc của nhà thơ giọng điệu đóng một
vai trò khá quan trọng. Có thể thấy giọng điệu là “một thước đo không thể thiếu
để xác định tài năng và phong cách độc đáo của người nghệ sĩ”[14, tr.11]. Theo
Từ điển thuật ngữ văn học thì “Giọng điệu là thái độ, tình cảm, lập trường tư
tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa, gần, thân sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm” [18, tr.134]. Còn theo Trần Đình Sử, giọng điệu là sự biểu hiện lập trường, tư tưởng, cảm xúc chủ thể, là nguyên tắc lí giải và chiếm lĩnh hiện thực của thi nhân. Với Nguyễn Đăng
Điệp thì khẳng định:“không thể có giọng điệu nếu không có những rung động sâu sắc, những nỗi đau, những xót xa trước thân phận con người, không xẻ chia với họ niềm vui và tình yêu cuộc sống” [14, tr.34]. Như vậy, trong quá trình thai nghén và cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật thì giọng điệu đóng một vai trò đặc biệt. Giọng điệu là một yếu tố quan trọng trong việc xác định phong cách của một tác giả, góp phần mang tiếng nói riêng của cá nhân tác giả truyền tải tới người đọc. Người đọc có nhiệm vụ khám phá, phát hiện chính xác giọng điệu của tác phẩm để cảm thụ những cảm xúc, tâm trạng mà các tác giả gửi gắm trong bài.
Trong tiến trình văn học Việt Nam, đặc biệt là trong thơ hiện đại các tác giả luôn cố gắng để khẳng định giọng điệu cá nhân của mình. Phạm Ngọc Cảnh là một nhà thơ như vậy, suốt cuộc đời theo đuổi niềm đam mê thơ ca, ông cũng không ngừng nỗ lực cố gắng để tạo cho mình một phong cách nghệ thuật riêng. Trên con đường nhọc nhằn mà vinh quang đó thì giọng điệu thơ cũng góp phần không nhỏ viết lên tên tuổi của một nhà thơ mải miết cống hiến cho đời những tác phẩm thơ ca đích thực. Tìm hiểu thơ Phạm Ngọc Cảnh chúng tôi nhận thấy nổi bật trong thơ ông là ba giọng điệu tiêu biểu: giọng tâm tình sâu lắng, giọng xót xa, ngậm ngùi, giọng suy tư, triết lí.