Lý thuyết trật tự phân hạng trong tài trợ (Pecking order theory)
Lý thuyết trật tự phân hạng trong tài trợ được nghiên cứu đầu tiên bởi Myers và Majluf (1984) giả định rằng tồn tại sự chênh lệch thông tin giữa các cổ đông, nhà quản lý và các chủ nợ khi cả nợ và vốn cổ phần được sử dụng để tài trợ cho các họat động DN. Thông tin không cân xứng vì nhà quản lý hiểu biết về hoạt động tương lai của DN nhiều hơn các nhà đầu tư bên ngoài. Lý thuyết trật tự phân hạng cho rằng, các nguồn vốn huy động thêm từ bên ngoài gồm nợ vay và vốn cổ phần sẽ có chi phí cao hơn so với nguồn vốn nội sinh của DN tức lợi nhuận giữ lại. Mặt khác, hai tác giả này cũng cho rằng chênh lệch thông tin sẽ làm cho giá cổ phiếu bị định giá sai trên thị trường, làm tổn thất tài sản của các cổ đông hiện hữu. Nếu DN tài trợ cho dự án mới bằng cách phát hành cổ phiếu thì các cổ phiếu này có thể bị định giá thấp. Điều này do các người quản lý không chuyển tải thông tin đáng tin cậy về chất lượng của các tài sản hiện có cũng như các cơ hội đầu tư sẵn có của DN cho các nhà đầu tư biết. Kết quả là các nhà đầu tư bên ngòai DN không thể phân biệt giữa dự án tốt và xấu, vì thế họ sẽ xem quyết định bán cổ phiếu mới của DN là tín hiệu xấu. Cho nên DN chỉ phát hành cổ phiếu với mức giá thấp. Trong trường hợp các DN nhận biết được giá cổ phiếu bị định giá thấp, họ có thể sẽ không phát hành cổ phiếu mới cho dù dự án mới có NPV lớn hơn 0. Do đó, Myers và Majluf (1984) cho rằng việc vay mượn thông qua công cụ nợ ít rủi ro sẽ giúp DN khắc phục được phần nào việc đầu tư không hiệu quả mà nguyên nhân là do vấn đề chênh lệch thông tin.
Từ những lập luận trên, Myers và Majluf (1984) cho rằng khi nhà quản lý tin tưởng cổ phiếu của DN được định giá cao hơn là định giá thấp, họ có thể phát
hành cổ phiếu mới. Ngược lại, họ phát hành nợ vay khi cổ phiếu DN bị đánh giá thấp. Ngoài ra, DN cũng huy động vốn cổ phần từ bên ngòai khi chi phí khốn khố tài chính cao, ngược lại chứng khoán nợ sẽ được phát hành khi chi phí khó khăn tài chính thấp. Những quyết định về cấu trúc vốn DN không dựa trên tỷ số nợ tối ưu mà được quyết định từ việc phân hạng thị trường và tuân thủ theo một trật tự trong tài trợ như sau các nhà quản lý sử dụng nguồn tài chính nội bộ từ lợi nhuận giữ lại, kế đến có thể phát hành trái phiếu và cuối cùng là phát hành vốn cổ phiếu khi cần thiết. Lý thuyết này cho rằng các DN có nhu cầu vốn đầu tư nhiều hơn, nếu lợi nhuận giữ lại là cố định thì sẽ tích lũy nợ nhiều hơn theo thời gian. Nghĩa là, cơ hội tăng trưởng và cấu trúc vốn có quan hệ tích cực. Nếu đầu tư và cổ tức là cố định, DN có khả năng sinh lời cao sẽ trở nên ít sử dụng vốn vay nợ theo thời gian. Như vậy, khả năng sinh lời và cấu trúc vốn có một quan hệ tiêu cực. DN lớn đã có từ lâu sẽ được biết đến nhiều hơn so với các DN nhỏ. Vì vậy, DN lớn phải đối mặt với lựa chọn bất lợi thấp hơn và có thể dễ dàng phát hành cổ phiếu so với các DN nhỏ, nơi các vấn đề lựa chọn bất lợi nghiêm trọng xảy ra. Ngoài ra, DN lớn cũng có tài sản lớn hơn và do đó lựa chọn bất lợi có thể quan trọng hơn. Do đó, cấu trúc vốn và quy mô DN chưa rõ ràng. Dựa vào lý thuyết trật tự phân hạng, Harris và Raviv (1991) cho rằng, các thông tin bất đối xứng thấp liên quan đến tài sản hữu hình làm cho vốn vay ít được sử dụng để tài trợ, dẫn đến mối quan hệ tiêu cực giữa cấu trúc vốn và tài sản hữu hình.
Tóm lại, lý thuyết trật tự phân hạng trong tài trợ (POT) dựa trên lý thuyết rằng tồn tại sự chênh lệch thông tin giữa cổ đông, các người quản lý và các chủ nợ khi cả nợ và vốn chủ sở hữu được sử dụng, đồng thời giải thích vài khía cạnh của quyết định lựa chọn nguồn vốn tài trợ của DN. Nhưng lý thuyết này còn vài hạn chế đó là không giải thích tác động của thuế, chi phí phá sản, chi phí phát hành chứng khóan đến nợ vay của DN. Ngoài ra, lý thuyết trật tự phân hạng cũng chưa xem xét đến vấn đề đại diện xảy ra khi DN có nhiều nguồn lực tài chính nhàn rỗi Smart và cộng sự (2007).
Lý thuyết báo tín hiệu với thị trường (Signalling with proportion of debt)
Mục tiêu nghiên cứu này liên quan đến khả năng một DN có thể báo hiệu cho những người bên ngoài về khả năng và vị thế tài chính thực tế của mình thông qua cấu trúc vốn mà DN này lựa chọn. Trong nghiên cứu này giả định cơ hội đầu tư không thay đổi. Điển hình cho nghiên cứu nội dung này là của Ross (1977), trong nghiên cứu này Ross giả định có hai DN, một là DN tốt có tỷ lệ nợ cao và một DN kém hơn có tỷ lệ nợ thấp có triển vọng khác nhau, và các nhà quản lý DN là người nắm rõ điều này hơn các nhà đầu tư. Ngoài ra, các nhà quản lý DN sẽ có lợi nếu giá cổ phiếu được thị trường định giá cao nhưng đồng thời sẽ không có lợi nếu DN bị phá sản, trong trường hợp này mức nợ vay mà nhà quản lý của DN lựa chọn đóng vai trò như một tín hiệu về chất lượng của DN. Do DN có chất lượng có chất lượng kém sẽ có chi phí phá sản biên dự tính cao ở bất kỳ mức nợ vay nào, nên các nhà quản lý của DN kiểu này không thể giống các DN có chất lượng trong việc đi vay nợ. Cho nên, tỷ lệ vay nợ vay cao chính là tín hiệu tốt cho nghiên cứu này. Với nghiên cứu của Ross đưa ra hai gợi ý về mặt thực nghiệm như chi phí phá sản tăng lên cùng với mức nợ vay của công ty tăng lên. Ngoài ra, giá trị của công ty tỷ lệ thuận với mức nợ vay, cho nên giá trị DN, đòn bẩy tài chính, chi phí phá sản có quan hệ thuận với nhau.
Ngoài ra, còn có nghiên cứu của hai tác giả Leland và Pyle (1977) về phát triển một mô hình về cấu trúc vốn và điểm cân bằng tài chính mà theo đó chủ DN muốn thực hiện một dự án đầu tư và dự tính nắm giữ một phần vốn chủ sở hữu và huy động thêm từ bên ngòai. Vì người chủ DN e ngại rủi ro nên chỉ nắm giữ tỷ lệ vốn chủ sở hữu cao trong một dự án rủi ro mà chủ DN tin sẽ thành công. Vì thế trong mô hình cân bằng này, thị trường xem phần vốn chủ sở hữu mà người chủ DN nắm giữ như là một tín hiệu tốt về chất lượng của DN.