Trong bài nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng trong cho vay cá nhân của John M. Chapman và các cộng sự (1940) đã cho thấy khả năng trả nợ của khách hàng vay là yếu tố chính ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng, trong đó được bao gồm 4 yếu tố chính: đặc điểm cá nhân của người vay (tuổi tác, giới tính, tình trạng hôn nhân và số năm ổn định cư trú của người vay), đặc điểm nghề nghiệp (ngành nghề kinh doanh, vị trí công tác, kinh nghiệm nghề nghiệp tạo ra thu nhập trả nợ), khả năng tài chính của người vay (thu nhập hàng năm, số tiền nợ vay/thu nhập hàng năm, tài sản thế chấp) và đặc điểm của khoản vay (số tiền vay, thời gian trả nợ, mục đích vay).
Theo Mramor,D. (1996) thì các yếu tố ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng không có hệ thống chủ yếu là các yếu tố của khách hàng cá nhân, chẳng hạn như thiện chí của họ, khả năng tài chính thanh toán và vốn, bảo hiểm tín dụng và một số điều kiện khác. Đối với Saunders, A. (1997) thì các yếu tố ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng có hệ thống là yếu tố kinh tế vĩ mô (tỷ lệ lạm phát, tỷ lệ việc làm, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước, chỉ số chứng khoán và biến động tỷ giá và biến động trong nền kinh tế); những thay đổi trong các chính sách kinh tế, thay đổi chính trị và các mục tiêu lãnh đạo của cá đảng chính trị (thay đổi trong chính sách tiền tệ và thuế, thay đổi pháp luật kinh tế, cũng như nhập khẩu hạn chế và kích thích xuất khẩu,…).
Với 25 biến kinh tế vĩ mô được Bostjan Aver (2008) lựa chọn để đo lường về rủi ro tín dụng danh mục đầu tư hệ thống trong phạm vi của các ngân hàng Slovenia thì kết quả của tác giả khi sử dụng phương pháp hồi quy đa biến cho thấy là có 7 biến kinh tế vĩ mô ảnh hưởng lớn nhất đến rủi ro tín dụng, trong đó có 5 biến làm gia tăng rủi ro tín dụng (sự gia tăng trong tỷ lệ lãi suất thực tế cho vay tiêu dùng ngắn hạn, sự gia tăng trong trao đổi chỉ số của các cổ phiếu Slovenia, giảm nhân viên ở một số nơi tại Slovenia, lãi suất trao đổi chứng khoán của Ngân hàng ở Slovenia tăng và sự gia tăng trong tỷ lệ lãi suất thực tế về các khoản vay) và 2 biến làm giảm rủi ro tín dụng (tăng lãi suất thực cho vay dài hạn đối với tài sản hiện tại và sự gia tăng lãi suất liên ngân hàng).
Bài nghiên cứu của David E.Idoge (2013) đã xem xét và đưa ra các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của người nông dân hợp tác xã quy mô nhỏ trong khu vực nam – miền
nam của Nigeria. Một mẫu của tác giả bao gồm 96 người được hỏi lựa chọn ngẫu nhiên từ mười sáu hợp tác xã của tám chính quyền địa phương trong Bayelsa và Delta. Bài nghiên cứu này sử dụng phương pháp thống kê mô tả, phân tích hồi quy đa biến và kết quả cho thấy độ tuổi, trình độ học vấn, mức vay, thời gian trả nợ, thu nhập ròng, giám sát vốn vay, tham gia vào các công việc khác cũng như quy mô trang trại có ảnh hưởng tích cực đến khả năng trả nợ vay. Ngoài ra giới tính, tình trạng hôn nhân, quy mô hộ gia đình và số tiền chi vào việc thuê thiết bị có ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng trả nợ vay. Kết quả và biến của tác giả cũng gần giống nghiên cứu của Kohansal và Mansoori (2009) đã tiến hành nghiên cứu trên mẫu dữ liệu gồm 175 nông dân tại tỉnh Kohansal và Razavi của Iran vào năm 2008 khi sử dụng mô hình Logistic, nhưng ở nghiên cứu của hai tác giả này còn đưa ra kết luận rằng lãi suất của khoản vay là nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng tới khả năng trả nợ vay của người nông dân, kế tiếp là biến số kinh nghiệm của người nông dân. Và trong bài nghiên cứu Antwi, S., Mills, E.F.E.A., Mills, G.A và Zhao, X. (2012) tìm hiểu về các nhân tố ảnh hưởng tới rủi ro không trả được nợ tại Gahana cho những khoản vay của ngân hàng Akuapem thông qua mô hình hồi quy Logistic với cơ sở dữ liệu gồm 800 quan sát từ năm 2006 đến năm 2010 có kết luận rằng loại hình vay mượn (vay kinh doanh, vay cho mục đích sản xuất nông nghiệp, vay tiêu dùng cá nhân, vay mua phương tiện đi lại) và khoản vay có tài sản đảm bảo là hai biến số thực sự có ảnh hưởng tới khả năng trả nợ của người vay.