5. Bố cục của đề tài
3.2.3. Thực trạng hoạt động xây dựng nông thôn mới ở các xã tiến hành
nghiên cứu
3.2.3.1. Thực trạng xây dựng nông thôn mới ở xã Mỹ Yên
Mỹ Yên là một xã nằm ở phía Tây Nam huyện Đại Từ cách trung tâm huyện 11 km; phía Đông giáp xã Văn Yên và xã Lục Ba, phía Tây giáp tỉnh Vĩnh Phúc, phía Nam giáp xã Văn Yên và tỉnh Vĩnh Phúc, phía Bắc giáp xã Khôi Kỳ và xã Bình Thuận. Dân số là 6.081 người, tổng diện tích đất tự nhiên toàn xã là 3.392,6 ha bao gồm: Đất nông nghiệp: 2.958,59 ha; đất phi nông nghiệp 202,31 ha; đất chưa sử dụng 181,26 ha; đất ở nông nghiệp 50,44 ha. Địa hình của xã thuộc vùng núi nằm dưới chân dãy núi Tam Đảo, phần lớn diện tích là đồi núi, riêng diện tích đất thuộc Vườn Quốc gia Tam Đảo là 1.782,5 ha, chiếm 52,5% tổng diện tích đất tự nhiên. Mỹ Yên là một trong những đơn vị được chọn điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Đại Từ.
Tính đến hết năm 2016, Mỹ Yên đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015 (Quyết định số 1757/QĐ-UBND ngày 16/7/2015). Trong 06 năm,
tổng nguồn lực huy động xây dựng nông thôn mới là 83.904 triệu đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương: 61.370 triệu đồng, chiếm 73,1%; ngân sách tỉnh: 13.191 triệu đồng, chiếm 15,7 %; ngân sách huyện 1.787 triệu đồng, chiếm 2,1 %; ngân sách xã: 110 triệu đồng, chiếm 0,13 %; nhân dân đóng góp 7.446 triệu đồng, chiếm 8,8%.
- Công tác lập quy hoạch, xây dựng các đề án:
Xã đã có quy hoạch NTM được lập theo quy định, được phê duyệt theo Quyết định số 5825/QĐ-UBND ngày 17/9/2012 của UBND huyện Đại Từ. Xã đã tiến hành công khai quy hoạch, có biên bản hội nghị công bố, công khai ngày 28/01/2013 tại UBND xã và nhà văn hóa các xóm. Xã đã hoàn thành cắm mốc chỉ giới quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Có quy chế quản lý quy hoạch được UBND huyện Đại Từ phê duyệt ngày 03/02/2015.
- Phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân:
+ Công tác phát triển sản xuất nông nghiệp: Chỉ đạo thực hiện tốt công tác chuyển dịch cơ cấu cây trồng; xây dựng các mô hình: Cánh đồng một giống. Xây dựng các mô hình chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại tập chung theo quy hoạch nông thôn mới, điển hình là Mô hình nuôi trâu nái sinh sản.
+ Công tác phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn: Thực hiện tốt công tác khuyến công như liên hệ các tổ chức, cơ quan, ngân hàng hỗ trợ vốn, vay vốn với lãi xuất ưu đãi nhằm khuyến khích các công ty, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh mở rộng phát triển sản xuất tạo việc làm cho người dân địa phương, tăng thu nhập.
- Kết quả nâng cao thu nhập, giảm nghèo, tạo việc làm cho người dân:
+ Năm 2012 thu nhập bình quân đầu người đạt 12 triệu đồng/người/năm, trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới tới năm 2016, thu nhập bình quân đầu người tăng lên đạt 23,97 triệu đồng/người/năm.
+ Thực hiện các cơ chế chính sách như hỗ trợ vốn sản xuất, liên hệ việc làm, mở các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi…đến năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm xuống còn 5,75%. Giảm 21,2% so với năm 2011.
+ Thực hiện tốt các loại hình dạy nghề như vừa học nghề vừa làm, đào tạo nghề tại chỗ. Chú trọng phát triển các ngành nghề truyền thống ở địa phương. Đẩy mạnh các mô hình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nhằm tạo việc làm cho người lao động. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên hiện nay là: 95,11 %.
- Xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu:
+ Về giao thông: Đã nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn được 7km/7km = 100% đường giao thông trục xã, liên xã; cứng hoá, bê tông hóa 17,5km/17,5km = 100% đường trục xóm, liên xóm; 100% đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa, trong đó đã cứng hóa: 9,3km/13,7km = 67,9%, xe cơ giới đi lại thuận tiện; 3,8km/5,53km = 88,7% đường trục chính nội đồng được cứng hoá, đảm bảo phục vụ sản xuất của người dân.
+ Về thủy lợi: Đã xây dựng 3 đập: Vai Làng, Ngách Bé, Suối Mận; kiên cố hóa 17,97km/32 km, đạt 56% kênh mương do xã quản lý; hệ thống thủy lợi đáp ứng tưới tiêu được 90% diện tích.
+ Về điện: Tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn 1.499/1.499 hộ, đạt 100%. Hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo quy định của Bộ công thương.
+ Về trường học: Các nhà trường trên địa bàn xã đã thực hiện tốt công tác quản lý và sử dụng có hiệu quả các cơ sở vật chất phục vụ dạy và học, đồng thời làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Khai thác, quản lý các nguồn vốn theo cơ chế hỗ trợ, vốn xã hội hóa giáo dục. Đã xây mới, sửa chữa các phòng học để đảm bảo cơ sở vật chất các trường đạt chuẩn Quốc gia theo quy định. Đến nay, có 3/3 trường trên địa bàn xã đạt chuẩn Quốc gia.
+ Về Cơ sở vật chất văn hóa: Xây dựng nhà văn hóa xã với diện tích 161 m2 trong khuôn viên trụ sở UBND xã, sân vận động của xã tại vị trí xóm Tân Lập với tổng diện tích 20.000 m2. Năm 2014 tổng 25/25 xóm đều có nhà
văn hoá đảm bảo phục vụ hội họp cho nhân dân, khu thể thao xóm đã có quy hoạch cụ thể và được cắm mốc chỉ giới.
+ Về Chợ nông thôn: Xã đã cải tạo và nâng cấp chợ xã, nâng cấp đình chợ cũ, dựng thêm 05 dãy nhà bằng cột bê tông, mái lợp pro xi măng; kiên cố hóa nền và lối đi lại trong chợ bằng bê tông xi măng và cấp phối lu lèn; tổng kinh phí sửa chữa nâng cấp là 220 triệu đồng. Chợ nằm ở trung tâm xã thuộc xóm Đồng Cạn, diện tích 2.725 m2 gồm 01 nhà đình và nhiều gian hàng nhỏ khác, chợ xã đáp ứng được nhu cầu giao lưu, trao đổi, mua bán hàng hóa của người dân trong xã và các địa phương lân cận. Chợ đã đạt tiêu chí nông thôn mới, có tổ chức quản lý điều hành chợ cơ bản đáp ứng nhu cầu mua bán của nhân dân trên địa bàn.
+ Về Bưu điện: Trên địa bàn xã có 01 bưu điện văn hóa xã xây dựng năm 2012, sửa chữa lại năm 2013 với khuôn viên 150m2, diện tích sử dụng là 55m2. 100% các cơ quan, đơn vị và các xóm đã được sử dụng điện thoại cố định, phủ sóng điện thoại di động, Internet có dây và mạng 3G.
+ Về Nhà ở dân cư: Đảng ủy, UBND xã đã quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, nhà mái ấm công đoàn… xây dựng được 17 nhà. Vận động nhân dân tự chỉnh trang nhà cửa, các công trình vệ sinh tại gia đình theo chương trình ba sạch “Sạch nhà, sạch vườn, sạch đường”. Xã có 1.499 hộ, trong đó số nhà đạt chuẩn của Bộ Xây dựng là 1.279 nhà đạt 85,3%, không còn nhà tạm, nhà dột nát.
- Phát triển giáo dục, y tế, văn hóa và bảo vệ môi trường:
+ Về Giáo dục: Duy trì chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh, công tác quản lý giáo dục được cải tiến và đổi mới. Đã được công nhận và duy trì phổ cập mầm non 05 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và THCS. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS hàng năm đạt 100%. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học THPT và các bậc học tiếp theo hàng năm đạt 96,1% trở lên. Tỷ lệ thanh thiếu niên từ 15
đến hết 18 tuổi có bằng tốt nghiệp THCS đạt 98%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo 715/2.191 người trong độ tuổi lao động, đạt 31,05%.
+ Về Y tế: Đầu tư nâng cấp trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân. Đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền bảo vệ sức khỏe trong nhân dân. Xây dựng đội ngũ mạng lưới y tế thôn bản hoạt động tốt về chuyên môn nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm công tác. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT của xã đạt 72,5%. Trạm y tế xã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia vào năm 2004.
+ Về Văn hóa: Tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hóa trên các lĩnh vực thông tin tuyên truyền, hoạt động vui chơi giải trí, hoạt động tín ngưỡng tôn giáo; Củng cố kiện toàn Ban văn hóa thể thao xã, Ban chỉ đạo toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư và đội ngũ cộng tác viên thể thao cộng đồng. Thực hiện tốt nếp sống văn hóa trong việc cưới việc tang và lễ hội, văn hóa cơ quan, văn hóa cộng đồng dân cư, văn hóa giao thông. Xây dựng bổ xung quy ước, hương ước ở các xóm, triển khai tốt công tác họp nhân dân lấy ý kiến xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư tạo ra phong trào. Làm tốt công tác nhân rộng các điển hình tiên tiến về xây dựng đời sống văn hóa và thể dục thể thao; toàn xã có 18/25 xóm đạt văn hoá = 72%; 05/05 cơ quan đạt danh hiệu cơ quan văn hoá = 100% ; 1.149/1.499 gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá = 86,6%.
+ Về môi trường: Tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đoàn thể xóm: Đẩy mạnh các phong trào thi đua "Gia đình 05 không, 03 sạch"; "Nhà sạch, ngõ đẹp"; phong trào “Vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm”. Thành lập các Tổ thu gom rác thải vận; Phát động trồng hoa, cây xanh; Xây dựng các tuyến đường tự quản đường xanh - sạch - đẹp; Yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh có cam kết bảo vệ môi trường.
- Xây dựng hệ thống tổ chức, chính trị xã hội vững mạnh và gìn giữ an ninh, trật tự xã hội:
+ Xây dựng hệ thống tổ chức, chính trị xã hội vững mạnh: Nâng cao chất lượng, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng. Kiện toàn, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã: 86,3% cán bộ, công chức xã đạt chuẩn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ tại thông tư số 06/2012/TT-BNV ngày 30/10/2012; có đủ các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở theo quy định. Đảng bộ xã đạt tiêu chuẩn "Trong sạch, vững mạnh" theo quy định của Ban Tổ chức Trung ương tại Hướng dẫn số 27-HD/BTCTW ngày 25/9/2014 về kiểm điểm tập thể, cá nhân và đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên hàng năm; 05 tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội của xã được công nhận đạt danh hiệu tiên tiến trở lên.
+ Đảm bảo an ninh, trật tự xã hội: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân làm tốt công tác an ninh, phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh nông thôn. Hết năm 2016 có 25/25 xóm = 100%, 05/05 cơ quan = 100% được công nhận không có tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội và không phát sinh thêm người mắc tệ nạn xã hội trên địa bàn.
Xã Mỹ Yên được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo được sự đồng thuận trong cán bộ và nhân dân từ xã đến xóm trong việc tổ chức triển khai phát triển kinh tế xã hội; kinh tế tiếp tục giữ vững nhịp độ tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu nhập của nhân dân ngày càng tăng; kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ; văn hóa xã hội có nhiều chuyển biến; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tình hình an ninh nông thôn cơ bản ổn định; hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố tăng cường và hoạt động có hiệu quả.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình, xã còn gặp phải một số tồn tại, hạn chế, cụ thể:
- Công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới chưa thực sự được chuyên sâu vào từng lĩnh vực, một bộ phận cán bộ đảng viên và nhân dân nhận thức chưa sâu sắc về xây dựng nông thôn mới, còn trông chờ vào cơ chế của nhà nước, chưa có cán bộ chuyên môn về xây dựng nông thôn mới.
- Quá trình thực hiện công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đề án phát triển sản xuất còn chậm từ công tác rà soát đánh giá hiện trạng đến công tác tư vấn thiết kế quy hoạch; Địa phương không còn quỹ đất công nên việc quy hoạch, giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình gặp không ít khó khăn (khu trung tâm văn hoá xã, nhà văn hoá xóm...)
- Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn chậm, thiếu đồng bộ người dân còn nếp sản xuất cũ, lạc hậu chưa linh hoạt để tiếp cận được với thị trường, ngành nghề phát triển chậm, manh mún.
- Chăn nuôi và trồng trọt là thu nhập chủ yếu nhưng chưa được đầu tư tương xứng với tiềm năng, bên cạnh đó sản phẩm nông sản làm ra chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, thường bị tư thương ép giá, nên hiệu quả kinh tế đạt chưa cao.
- Có nhiều xóm địa hình đồi núi, ruộng đất phân bổ rải rác, không tập trung, nhỏ lẻ nên khó áp dụng cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp.
* Nguyên nhân hạn chế - Nguyên nhân chủ quan:
+ Đội ngũ cán bộ địa phương từ xã đến xóm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới chưa có kinh nghiệm, còn bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước.
+ Ban chỉ đạo và Ban quản lý xây dựng nông thôn mới của xã có lúc chưa sát sao, đôn đốc; Quá trình điều hành của ban quản lý xây dựng nông thôn mới còn hạn chế chưa có nhiều giải pháp tháo gỡ các khó khăn, trong quá trình tổ chức thực hiện có khâu còn bị thụ động
+ Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy chi bộ xóm chưa thể hiện vai trò nòng cốt thực hiện chương trình, thiếu biện pháp và giải pháp tổ chức thực hiện.
+ Công tác tham mưu của một số đoàn thể đôi khi chưa kịp thời, nội dung hoạt động của các đoàn thể ở xóm chưa có nhiều thay đổi, công tác tuyên truyền ít, chưa phát huy được vai trò tham mưu đề xuất nên dẫn đến nhận thức và thực hiện chương trình xây dựng xã nông thôn mới ở hội viên, đoàn viên chưa cao, chưa tích cực.
+ Chưa huy động được nhiều nguồn vốn trong xã hội và nhân dân để đầu tư cho lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn tại địa phương. Nguồn vốn hỗ trợ từ mục tiêu quốc gia cho xây dựng nông thôn mới chưa kịp thời.
- Nguyên nhân khách quan:
+ Giai đoạn đầu triển khai chương trình xây dựng NTM do là chương trình lớn, toàn diện nên bước đầu Đảng, chính quyền địa phương còn nhiều lúng túng bên cạnh đó tiêu chuẩn về nông thôn mới (khi chưa sửa đổi tiêu chí) có nhiều điểm không phù hợp với tình hình của địa phương, chưa có quy định rõ ràng cụ thể (thu nhập, cơ cấu lao động).
+ Do đặc điểm về địa hình và tình hình thực tế của địa phương (quỹ đất công không có) nên việc thực hiện quy hoạch một số công trình gặp rất nhiều khó khăn (trung tâm văn hoá xã, bãi rác thải, nghĩa trang nhân dân).
+ Một bộ phận nhân dân chưa thực sự phát huy hết vai trò và nội lực của mình trong xây dựng nông thôn mới, còn tư tưởng trông chờ vào cơ chế