5. Bố cục của đề tài
3.2.4. Đánh giá khái quát về xây dựng nông thôn mới ở huyện Đại Từ
3.2.4.1. Kết quả phân tích bằng phương pháp SWOT
* Điểm mạnh:
- Có nhiều cơ chế chính sách linh hoạt, đặc thù phù hợp với điều kiện của địa phương.
- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương.
- Tình hình chính trị, an ninh, xã hội ổn định, cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ hưởng ứng thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
- Kinh tế tiếp tục giữ vững nhịp độ tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu nhập của nhân dân ngày càng tăng; kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ.
* Điểm yếu:
- Do địa hình đồi núi, ruộng đất phân bổ rải rác, không tập trung nên khó áp dụng cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp.
- Công tác tuyên truyền về Chương trình xây dựng nông thôn mới ở một số nơi còn hạn chế, nhận thức của một bộ phận cán bộ, người dân về xây dựng nông thôn mới chưa đầy đủ, vẫn còn thụ động, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của nhà nước.
- Công tác rà soát đánh giá hiện trạng, công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch nông thôn mới còn lung túng, cần phải điều chỉnh, bổ sung cho sát với thực tế của từng địa phương.
- Thiếu đồng bộ giữa người dân và việc áp dung khoa học kỹ thuật vào sản xuất, các ngành nghề phát triển chậm, manh mún, nhỏ lẻ.
- Một số địa phương còn lúng túng trong việc xác định sản phẩm kinh tế mũi nhọn. Sản phẩm nông sản làm ra chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, thường bị tư thương ép giá, nên hiệu quả kinh tế đạt chưa cao.
- Chưa có nhiều mô hình kinh tế mang tính đột phá, gắn kết theo chuỗi sản xuất thông qua vai trò của HTX, doanh nghiệp mà chủ yếu đang tồn tại mô hình kinh tế hộ, phát triển đơn lẻ.
- Nguồn nhân lực trong xây dựng nông thôn mới nói riêng và trong phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung chưa đảm bảo chất lượng.
- Nguồn vốn phục vụ xây dựng nông thôn mới chưa đáp ứng được nhu cầu của địa phương.
* Thời cơ:
- Có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông lâm nghiệp tại địa phương góp phần tạo tiền đề để địa phương thực hiện xây dựng nông thôn mới.
- Đại Từ là huyện có xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên, đồng thời cũng là huyện có số xã đạt chuẩn nông thôn mới nhiều nhất tỉnh, nên có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng nông thôn mới, và có nhiều cơ hội hơn so với những địa phương khác.
- Là huyện có diện tích lúa và diện tích chè lớn nhất tỉnh, có khu du lịch Hồ Núi Cốc được cả nước biết đến, đồng thời cũng là huyện có truyền thống cách mạng yêu nước, có nhiều điểm di tích lịch sử và danh thắng.
* Nguy cơ:
- Do quỹ đất công không có nên việc thực hiện quy hoạch một số công trình gặp rất nhiều khó khăn (trung tâm văn hoá xã, bãi rác thải, nghĩa trang nhân dân).
- Nhu cầu đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới đòi hỏi phải đảm bảo nhanh, đúng tiến độ, trong khi đó đầu tư ngân sách và các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới còn ít, dễ dẫn đến tụt hậu, không đáp ứng được theo các chỉ tiêu mới.
- Giá cả trang thiết bị nông nghiệp ngày càng tăng cao, nguồn thu nhập từ nông nghiệp có tăng nhưng không đáng kể, lợi nhuận thu được từ ngành nông nghiệp không cao, thậm chí còn bấp bênh không ổn định.
- Các doanh nghiệp hiện tại đang hoạt động sản xuất trên địa bàn huyện, chưa đảm bảo an toàn lao động cũng như vệ sinh môi trường, khó khăn trong việc kiểm soát và xử lý.
- Vấn đề xử lý chất thải sinh hoạt nông thôn, chất thải chăn nuôi còn bất cập (dẫn đến nguy cơ tiêu chí số 17 - Môi trường nông thôn khó thực hiện)...
- Một số tiêu chí gồm: Giao thông, Thủy lợi, Cơ sở vật chất văn hóa, Chợ nông thôn, Hộ nghèo, Môi trường, Văn hóa, Hệ thống chính trị, An ninh trật tự tuy đã hoàn thành nhưng mới đạt ở mức độ còn thấp, tính bền vững chưa cao.
3.2.4.2. Những kết quả chủ yếu
Do có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, trong 06 năm triển khai thực hiện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng đó là:
- Đại Từ là huyện có xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên, đồng thời cũng là huyện có số xã đạt chuẩn nông thôn mới nhiều nhất tỉnh.
- Qua quá trình triển khai thực hiện, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng nông thôn mới được nâng lên, tạo sự đồng thuận, ủng hộ và quyết tâm cao trong việc xây dựng nông thôn mới. Trong 06 năm triển khai thực hiện, nhân dân trên địa bàn huyện đã hiến 177,74 ha đất các loại và tài sản trên đất trị giá 116.000 triệu đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, điều này đã góp phần làm cho công tác xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn được triển khai một cách đồng bộ. Đặc biệt trong những năm qua, huyện Đại Từ là một trong những huyện đã triển khai làm được đường giao thông nhiều nhất tỉnh với giá thành thấp nhất, cụ thể giai đoạn 2011-2016, toàn
huyện được phân bổ 62.700 tấn xi măng, đã triển khai làm đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài trên 370km với chi phí bình quân khoảng 652 triệu đồng/km.
Sau 06 năm triển khai thực hiện Chương trình, đã có nhiều tập thể, cá nhân điển hình được khen thưởng, đặc biệt là trong phong trào vận động ủng hộ, đóng góp xây dựng nông thôn mới. Chỉ tính riêng Ban Chỉ huy Quân sự huyện đã tự vận động cán bộ chiến sỹ đóng góp hàng trăm triệu đồng và hàng nghìn ngày công để xây dựng đường giao thông nông thôn, cá nhân đồng chí Chỉ huy trưởng được Bộ Tư lệnh Quân khu tặng bằng khen về thành tích trong chỉ đạo xây dựng nông thôn mới.
- Đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện, so sánh giữa năm 2010 với năm 2016: Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 12,6 triệu đồng/người/năm lên 46,8 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh tăng từ 65% lên 90%; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm từ 18,5% xuống 12%; giá trị sản phẩm/01 ha đất trồng trọt tăng từ 64 triệu đồng lên 98 triệu đồng/01ha; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 23,53% (năm 2011) xuống còn 12,28%... Kinh tế duy trì mức tăng trưởng khá, chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - TTCN và dịch vụ; đầu tư sản xuất tăng cao; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được đầu tư xây dựng, trong đó đặc biệt ưu tiên cho các xã khó khăn. Đến nay nhiều xã đã xây dựng khu trung tâm xã khang trang, hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư khá đồng bộ, cơ bản đáp ứng được yêu cầu phục vụ đời sống và sản xuất của nhân dân..
- Trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đã tập trung chỉ đạo xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững. Với các giải pháp như: Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn; tăng cường ứng dụng KHCN vào trong sản xuất; chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, trong đó xác định cây chè là cây trồng mũi nhọn
của huyện... Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp đạt trên 05%/năm, đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực và từng bước xây dựng nền sản xuất hàng hóa.
- Các lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều chuyển biến, chất lượng giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân được nâng lên; hoạt động văn hoá, văn nghệ thể thao diễn ra sôi nổi, rộng khắp, bên cạnh đó phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư ngày càng đi vào chiều sâu đã góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân.
- Hệ thống an sinh xã hội được quan tâm đúng mức, trong đó ưu tiên thực hiện tốt các chính sách xã hội, thông qua các chương trình, dự án được triển khai trên địa bàn như Chương trình 134, 135, các chương trình khuyến nông, hỗ trợ giống trong nông nghiệp... đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, tăng tỷ lệ che phủ rừng và tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch...
- An ninh, trật tự xã hội cơ bản ổn định và giữ vững. Hệ thống chính trị được củng cố vững chắc; dân chủ và kỷ cương xã hội được tăng cường. Cải thiện một bước căn bản đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
3.2.4.3. Những hạn chế yếu kém
- Công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện ở một số xã còn lúng túng, chưa chủ động xây dựng kế hoạch, nguồn lực đầu tư huy động đạt thấp, không đáp ứng được nhu cầu xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt trong công tác triển khai thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu ở một số nơi thực hiện chưa tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân.
- Công tác tuyên truyền về Chương trình xây dựng nông thôn mới còn nhiều hạn chế và mang tính hình thức; nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới chưa được đầy đủ, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của nhà nước; chất lượng một số tiêu chí chưa cao.
- Công tác phối hợp, hướng dẫn giữa các ngành còn có những hạn chế nhất định, chưa đồng bộ, chưa kịp thời.
- Công tác rà soát, đánh giá mức độ đạt được của các tiêu chí ở một số xã chưa thực sự khách quan, do đó kết quả đánh giá theo Bộ tiêu chí chưa phản ánh đúng hiện trạng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn.
- Trong phát triển sản xuất, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng việc hình thành và phát triển các hình thức sản xuất hợp tác xã, tổ hợp tác còn nhiều hạn chế, đa số các hộ nông dân vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Nhiều mô hình sản xuất được triển khai thực hiện nhưng khi không có hỗ trợ kinh phí của nhà nước thì không duy trì và nhân ra diện rộng được.
3.2.4.4. Nguyên nhân của hạn chế, yếu kém * Nguyên nhân khách quan:
- Đại Từ là huyện miền núi của tỉnh Thái Nguyên với xuất phát điểm thấp, điều kiện kinh tế - xã hội của huyện còn gặp rất nhiều khó khăn, nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn ít và dàn trải. Đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân nông thôn còn thấp, nhất là đối với đồng bào dân tộc các xã vùng sâu, vùng xa. Trong khi đó khối lượng công việc phải thực hiện rất lớn, đa dạng, một số chính sách mới được triển khai nên phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm.
- Thời tiết diễn biến phức tạp, thiên tai, hạn hán, lũ lụt, sạt lở đất xảy ra trên địa bàn ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Giá vật tư, phân bón, nhiên liệu, nguyên liệu phục vụ cho sản xuất tăng và không ổn định; dịch bệnh diễn biến phức tạp; trong khi giá bán nông sản thấp đã tác động đến sản xuất và đời sống của nhân dân.
- Việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của một số ngành còn chậm, do đó ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của quá trình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.
- Nguồn lực đầu tư cho Chương trình xây dựng nông thôn mới còn ít chưa đáp ứng được yêu cầu, việc huy động đóng góp từ nhân dân gặp nhiều khó khăn.
* Nguyên nhân chủ quan:
- Ở một số cơ sở cấp ủy, chính quyền chưa quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới, thiếu chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện, vẫn còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại; công tác giám sát cộng đồng ở một số địa phương chưa phát huy được hiệu quả cao, còn mang tính hình thức.
- Một số ngành, cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM gắn với nhiệm vụ của từng ngành, của cơ quan, đơn vị.
- Công tác phối hợp triển khai giữa đơn vị tư vấn lập quy hoạch và các xã thiếu chặt chẽ, chưa có kế hoạch và các giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện. Trình độ, năng lực của đơn vị tư vấn và hầu hết cán bộ tham gia lập quy hoạch của các xã còn hạn chế, nhất là trong công tác lập quy hoạch phát triển sản xuất, quy hoạch sử dụng đất.
- Nhận thức của một bộ phận người dân về Chương trình xây dựng nông thôn mới chưa đầy đủ, ý thức tự giác chưa cao, thiếu tinh thần cộng đồng nên công tác huy động, vận động ở một số địa phương gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả thực hiện.
Chương 4
MỤC TIÊU, PHƯƠNG HƯỚNG, GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI Ở ĐỊA BÀN HUYỆN ĐẠI TỪ,
TỈNH THÁI NGUYÊN