Để nhận thức NL của tập đoàn kinh tế, trước hết cần nhận thức phạm trù NL nói chung. Theo các nhà kinh tế, NL là phạm trù nói lên yếu tố sức lao động, một bộ phận nguồn lực của sản xuất. W.Petty (2623-1687) với quan điểm "Tiền là nguyên tắc tốt nhất của thương mại" đã cho rằng "Đất là mẹ, lao động là cha và đây là nguyên tắc hoạt động của sự giàu có" [136]. Với quan điểm này, ông là người đầu tiên coi lao động mà ý nói là yếu tố con người hay sức người (NL) là một trong hai yếu tố không thể thiếu để sản xuất của cải. A. Smith (1723-1790) trong cuốn "Bản chất sự giàu có của các dân tộc" còn chỉ ra hoạt động lao động của con người có thể chia thành hai loại là lao động giản đơn và lao động phức tạp, trong đó lao động phức tạp là loại lao động được đào tạo, có chuyên môn kỹ thuật, còn lao động giản đơn là không có chuyên môn kỹ thuật mà hiện nay gọi là lao động phổ thông. Theo ông, mặc dù trong cùng một thời gian, nhưng lao động phức tạp tạo ra nhiều sản phẩm hơn so với lao động giản đơn, tức là có năng suất cao hơn lao động hianr đơn. Karl Marx đã phân tích rất sâu sắc tính chất hai mặt của lao động sản xuất hàng hóa, trong đó có lao động cụ thể. Lao động cụ thể là hình thức biểu hiện dưới một hình thức cụ thể của lao động tương ứng với đối tượng tác động cụ thể, công cụ tác động cụ thể và tạo ra kết quả lao động, hay sản phẩm cụ thể. Theo cách tiếp cận này, mỗi doanh nghiệp có một nhóm lao động cụ thể nhất định phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế xã hội và xu hướng phát triển của nền kinh tế thế giới.
Trong các phân tích của các nhà khoa học nêu trên, con người là một yếu tố của quá trình sản xuất và biểu hiện thành số lượng người lao động thường được gọi là lực lượng lao động hoặc nguồn NL. Nhưng khi xem xét hoạt động lao động của con người dưới góc độ hành vi, các nhà nghiên cứu nhận thấy, hành vi quan trọng nhất của con người là hành vi lao động, hành vi ấy luôn gắn với những người có sức lao động, tức là những người có đủ điều kiện tham gia vào quá trình sản xuất. Cho nên, nói đến yếu tố con người trong lao động sản xuất người ta thường sử dụng khái niệm sức lao động.
Kể từ thập niên 1960, các nhà kinh tế học đã tăng dần sự chú ý đến khả năng tiềm ẩn trong mỗi cá nhân với những khái niệm gần với nó như "tài năng", "sự tháo vát", "năng lực lãnh đạo", "những kiến thức được đào tạo", hoặc "những khả năng bẩm sinh" hay còn được gọi dưới dạng vốn NL hay vốn con người. Đây là nguồn vốn không dễ tạo ra được bằng cách kết hợp các dạng tư bản vật chất và phi vật chất kể trên, nói cách khác để có NL cần phải có thời gian và những điều kiện vật chất và tinh thần thích ứng.
Tiếp cận từ quan hệ đầu tư, khái niệm NL có liên quan mật thiết với phạm trù vốn NL (Human capital). Vốn NL là tài sản của mỗi quốc gia. Khi định giá tài sản quốc gia, các nhà kinh tế phải tính toán phần giá trị của nó vào tổng tài sản. Theo Mincer Jacob (1974), vốn NL cũng giống như vốn hữu hình, muốn có thì con người phải đầu tư để tích luỹ thông qua giáo dục, rèn luyện trong lao động và thuộc về mỗi người, và nó đem lại cho người sở hữu nó khoản thu nhập. Còn theo Nguyễn Văn Ngọc (2006) thì vốn NL là khái niệm để chỉ toàn bộ hiểu biết của con người về phương thức tiến hành các hoạt động kinh tế, xã hội. Giữa vốn NL và vốn hữu hình có điểm chung đó là giá trị tăng lên nhờ hoạt động đầu tư của chủ thể và theo thời gian đều bị hao mòn. Hoạt động đầu tư làm tăng vốn hữu hình nhờ mua sắm trang bị thêm máy móc, nhà xưởng…, còn hoạt động đầu tư vào vốn NL nhờ việc học hành. Sự hao mòn của chúng ở đây cùng là hao mòn vô hình dưới ảnh hưởng của
tiến bộ công nghệ. Tiến bộ công nghệ làm tư bản hữu hình lạc hậu và mất giá, còn những kiến thức tích luỹ được cũng bị lạc hậu trong quá trình đó nếu không được cập nhật thường xuyên thông qua quá trình đào tạo lại hay tiếp tục tự học tập để bổ sung hoàn thiện. Chúng cũng có những điểm khác nhau nhất định như: (i) Vốn NL là vốn vô hình gắn với người sở hữu nó, và chỉ được sử dụng khi người chủ của nó tham gia vào quá trình sản xuất. Loại vốn này không thể mang cho vay hay thế chấp như vốn hữu hình. (ii) Vốn này gắn với người sở hữu không chia sẻ và đầu tư dàn trải tránh rủi ro. Và (iii) Vốn NL dễ dịch chuyển hơn và động hơn. Vốn NL cấu thành từ ba nhân tố chính: thứ nhất, năng lực ban đầu, nhân tố này gắn liền với yếu tố năng khiếu và bẩm sinh ở mỗi người; thứ hai, những năng lực và kiến thức chuyên môn được hình thành và tích luỹ thông qua quá trình đào tạo chính quy; và thứ ba, các kỹ năng, khả năng chuyên môn, những kinh nghiệm tích luỹ từ quá trình sống và làm việc [5].
Như vậy, có thể hiểu: Vốn NL là những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm tích luỹ trong mỗi con người nhờ quá trình học tập, rèn luyện và lao động được thể hiện trong quá trình sử dụng vào sản xuất. Vốn NL cũng hao mòn và phải tốn chi phí đề đầu tư hình thành và là nguồn vốn quan trọng nhất để phát triển của mỗi doanh nghiệp, mỗi quốc gia và là nguồn lực quyết định tới tính bền vững sự tăng trưởng kinh tế. Với cách hiểu này, NL như là một loại vốn hay tài sản gắn liền với mỗi con người.
Xét về tổng thể, NL là nguồn lực con người, là một trong những yếu tố đầu vào cơ bản cho phát triển kinh tế của một tổ chức, là sức mạnh, năng lực lao động, sức lao động tập thể của lực lượng lao động, của đội ngũ lao động trong tổ chức. Sức lao động tập thể đó được huy động và hợp thành từ sức mạnh, năng lực lao động của các thành viên người lao động cụ thể nhằm thực hiện các mục tiêu chung của tổ chức. Nó không chỉ là yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất được xem xét ở quy mô, số lượng và cơ cấu NL của mỗi tổ
chức hay quốc gia, mà còn là một lực lượng phi vật chất, lực lượng xã hội và được xem xét ở chất lượng NL như tính kỷ luật, ý thức trách nhiệm, tính năng động sáng tạo, nhân cách, văn hóa... (gọi chung là yếu tố tâm lực) của những người lao động trong tổ chức đó. Nhìn một cách tổng quát, NL của một tổ chức là tổng thể các yếu tố về thể lực, trí lực và tâm lực của những người lao động được đưa vào hoạt động trong tổ chức đó.
Tổ chức là một đơn vị hoạt động trong một lĩnh vực nhất định của một nước hay một nhóm nước, trong đó có lĩnh vực kinh tế. Trong lĩnh vực này, một tổ chức có thể là một doanh nghiệp, một công ty, một liên hiệp công ty, một tập đoàn kinh tế...
Tập đoàn kinh tế là một tổ hợp các doanh nghiệp gồm công ty mẹ, các công ty con và các doanh nghiệp liên kết khác. Công ty mẹ là hạt nhân của tập đoàn kinh tế là đầu mối liên kết các doanh nghiệp thành viên, doanh nghiệp liên kết với nhau, nắm quyền kiểm soát, chi phối các quyết sách, chiến lược phát triển nhân sự, chi phối hoạt động của các thành viên. Bản thân tập đoàn kinh tế không có tư cách pháp nhân, chỉ công ty mẹ, công ty con, các doanh nghiệp liên kết mới có tư cách pháp nhân. Các tập đoàn có thể hoạt động trong một hay nhiều lĩnh vực khác nhau. Các doanh nghiệp thành viên và các doanh nghiệp liên kết có quan hệ với nhau về vốn, đầu tư, tài chính, công nghệ, thông tin, đào tạo, nghiên cứu và các liên kết khác xuất phát từ lợi ích của tất cả các doanh nghiệp tham gia liên kết. Ở Việt Nam cũng như ở các nước, tập đoàn kinh tế lớn là những đầu tàu trong phát triển của nền kinh tế và càng trở nên quan trọng trong hội nhập quốc tế.
Từ khái niệm chung về NL và dựa vào đặc trưng chủ yếu của tập đoàn kinh tế đã nêu trên, có thể hiểu: NL của tập đoàn kinh tế là tổng thể năng lực lao động tập thể được huy động từ tập hợp các năng lực lao động cá nhân bao gồm cả yếu tố thể lực, trí lực và tâm lực của những người lao động làm việc tại tập đoàn.
Việc xem xét NL của tập đoàn kinh tế có thể được tiếp cận từ hành vi của cá nhân. Nó bao gồm năng lực hoạt động của những người làm việc tại tập đoàn. Nó phản ánh tổng hòa trong thể thống nhất hữu cơ giữa những yếu tố về thể lực, trí lực và tâm lực trong nhân cách của mỗi người làm việc trong tập đoàn. NL của tập đoàn kinh tế còn thể hiện là tập hợp những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm mà người lao động trong tập đoàn đã tích lũy được. Đây là yếu tố tiềm năng có sẵn trong tập đoàn. Để sử dụng có hiệu quả nguồn tiềm năng này, việc phân bổ sử dụng NL vào các vị trí, các doanh nghiệp thành viên trong tập đoàn theo đúng trình độ chuyên môn kỹ thuật, chất lượng NL và tương thích với công nghệ hiện có hay trang bị công nghệ mới phải là một nguyên tắc tổ chức nhân sự để hoàn thành mục tiêu chung của tập đoàn.
Nhưng việc xem xét NL của tập đoàn kinh tế cũng có thể được nhìn nhận là nguồn lực tổng thể của tất cả các cá nhân trong tập đoàn. Nó thể hiện là lực lượng lao động được đặc trưng bởi số lượng (quy mô), chất lượng và cơ cấu NL cụ thể với năng lực hiện có tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh của tập đoàn. Đây là yếu tố tạo nên hoạt động kinh tế của tập đoàn, quyết định trực tiếp năng suất, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của tập đoàn. Quy mô NL của tập đoàn kinh tế là số lượng NL tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh, tức là tổng số lao động của tập đoàn được xác định trong một thời kỳ nhất định. Cơ cấu NL trong tập đoàn là tổng thể các trình độ, năng lực cấu thành lực lượng lao động trong tập đoàn; các bộ phận này có quan hệ chặt chẽ, tác động hỗ trợ lẫn nhau và được thể hiện bằng tỷ trọng của mỗi bộ phận người lao động trong tổng thể. Cơ cấu NL trong tập đoàn thường được thể hiện bằng các nội dung: cơ cấu theo độ tuổi, giới tính, cơ cấu theo lĩnh vực hoạt động, trình độ đào tạo và vị trí công tác của NL.
Chất lượng NL là một khái niệm động, ở những lĩnh vực khác nhau có thể tiếp cận từ góc độ khác nhau. Song, dưới góc độ kinh tế, chất lượng của NL thường được thể hiện ở các yếu tố thể lực, trí lực, tâm lực và một số yếu tố đặc trưng khác. Chất lượng NL của tập đoàn kinh tế chính là mức độ thỏa
mãn nhu cầu về NL của tập đoàn trong một thời kỳ nhất định, được xác định bằng các chỉ tiêu số lượng, cơ cấu, phẩm chất, năng lực kỹ thuật chuyên môn nghiệp vụ tay nghề, trình độ tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh, khả năng phát huy sáng kiến, là thước đo giá trị sử dụng NL của tập đoàn. Chất lượng NL của tập đoàn kinh tế là yếu tố đầu vào mang tính chất quyết định đến năng suất, chất lượng sản phẩm đầu ra, phản ánh mức độ tin cậy trong việc tạo ra hiệu quả hoạt động của tập đoàn. Nó được xem xét bởi nhiều yếu tố như thể lực (sức khỏe, tầm vóc, dẻo dai..), trí lực (trình độ chuyên môn, kỹ thuật, trình độ được đào tạo, trình độ sử dụng máy móc, công nghệ, khả năng, hiệu quả làm việc, kỹ năng lao động gồm các kỹ năng nghề nghiệp phù hợp ở từng vị trí làm việc), và tâm lực (bao gồm các phẩm chất khác của NL như đạo đức, tính kỷ luật, tác phong lao động, khả năng sáng tạo, khả năng thích ứng...). Chất lượng NL đóng vai trò động lực chủ yếu cho sự phát triển và là một yếu tố quyết định sức cạnh tranh của tập đoàn kinh tế. Những chỉ số về trình độ chuyên môn thể hiện kiến thức của người lao động kết hợp với sức khỏe, kỹ năng lao động và các phẩm chất về tâm lực tạo nên năng lực lao động và quyết định đến chất lượng NL của tập đoàn.
Trong điều kiện hội nhập quốc tế, NL của tập đoàn kinh tế không chỉ là bộ phận nguồn lực quyết định nhất tới năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất kinh doanh, mà còn là lực lượng trụ cột để nâng cao sức cạnh tranh mở rộng địa bàn hoạt động của tập đoàn ra thị trường quốc tế, góp phần nâng cao sức cạnh tranh quốc gia. Thực tế cho thấy, những tập đoàn kinh tế có ưu thế về NL chất lượng cao được phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả trong các lĩnh vực (đúng người, đúng việc) thường có sức cạnh tranh về sản phẩm trên thị trường quốc tế mạnh hơn, phát triển tập đoàn vững chắc hơn so với các Tập đoàn không có được ưu thế này.