Giới thiệu chung về cây cà gai leo

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu nuôi cấy callus cà gai leo (solanum hainanense hance) và ảnh hưởng của chất kích ứng đến sự tích lũy hợp chất thứ cấp trong callus (Trang 26 - 28)

2.3.1.1. Nguồn gốc, phân bố và phân loại

Cây cà gai leo (Solanum hainanense Hance) thuộc họ Cà (Solanaceae), còn có tên khoa học khác là Solanum procumbens. Ngoài ra, cà gai leo còn có nhiều tên gọi địa phương khác như: cà quánh, cà quạnh, cà quýnh, cà bò, cà cạnh, cà hải nam, cà gai dây (Vũ Văn Hợp và Vũ Xuân Phương, 2003).

Cà gai leo mọc rải rác ven rừng, lùm bụi, bãi hoang, ven đường, ở độ cao dưới 300 m. Phân bố ở Bắc Giang (Yên Thế), Phú Thọ (Việt Trì), Hà Nội (Bưởi), Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Khánh Hoà, Gia Lai (An Khê, Kon Hà Nừng). Ngoài ra, còn có ở Trung Quốc (Hải Nam, Quảng Đông, Quảng Tây) (Vũ Văn Vụ, 2005).

Về phân loại cây CGL (Vũ Văn Vụ, 2005)

Tên khoa học : Solanum hainanense Hance

Solanum procumbens Lour Giới (kingdom): Plantae

Ngành(divison): Lớp (class): Magnoliophyta Magnoliopsida Bộ (ordo): Solanales Họ (familia): Solanaceae

Chi (genus): Solanum

2.3.1.2. Đặc điểm hình thái và thành phần hóa học

Cà gai leo thuộc loại cây leo, thân dài 0,6-1,0 m hay dài hơn, rất nhiều gai dẹp, cành xoè rộng, trên phủ lông hình sao. Lá hình trứng hay thuôn, phần gốc lá hình rìu hay hơi tròn, mép nguyên hay lượn và khía thùy, hai mặt nhất là mặt dưới phủ lông trắng nhạt, phiến dài 3-4 cm, rộng 12-20 mm, có gai, cuống dài 4- 5 mm. Hoa tím nhạt, nhị vàng họp thành xim gồm 2-4 hoa. Quả hình cầu, khi chín có màu vàng bóng, nhẵn, đường kính 5-7 mm. Hạt màu vàng, hình thận, có mang dài 4 mm, rộng 2 mm (Vũ Văn Vụ, 2005).

Thành phần hoá học: toàn cây và đặc biệt ở rễ có chứa alkaloid, thành phần chính là solasodine, solasodinine. Ngoài ra, còn chứa tinh bột, saponoside, flavonoside và diosgenine (Vũ Văn Hợp và Vũ Xuân Phương, 2003).

2.3.1.3. Tác dụng dược lý

Theo Đông y, cà gai leo có vị hơi the, đắng, tính ấm, hơi có độc có tác dụng tán phong thấp, tiêu độc, trừ ho, giảm đau, cầm máu, trị rắn cắn. Bộ phận dùng là rễ, cành lá và cả quả, thu hái quanh năm, rửa sạch, thái nhỏ, phơi hay sấy khô, cũng có khi dùng tươi.

Theo sách “ những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của cố GS.TS Đỗ Tất Lợi thì cà gai leo có tác dụng chữa say rượu, khi đi uống rượu chỉ cần chà răng hoặc ngậm rễ cà gai leo sẽ tránh được say rượu, khi say rượu thì chỉ cần sắc rễ cà gai leo uống sẽ nhanh chóng tỉnh rượu.

Đặc biệt, cà gai leo có tác dụng vô cùng to lớn trong việc chữa bệnh gan và hỗ trợ rất tốt trong việc điều trị viêm gan, xơ gan, gan nhiễm mỡ. Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh tác dụng của cà gai leo trong việc chống viêm gan và ức chế xơ gan.

Phạm Kim Mãn và cs. (1999) đã nghiên cứu tác dụng chống ung thư của cà gai leo và kết luận rằng, chế phẩm dịch chiết từ cây cà gai leo nồng độ 5 mg/100 mL có tác dụng hủy diệt tế bào ung thư 180 Sarcoma với tỷ lệ tế bào chết là 52,8%.

Cà gai leo được chứng minh có tác dụng hiệu quả bảo vệ gan như: kháng viêm, ức chế xơ gan giai đoạn kịch phát, giảm nhẹ khối u. Viện Dược liệu (2001) đã bào chế thành công thuốc "Haina" từ cà gai leo. Sau đó, tiến hành thử tác dụng lâm sàng trên bệnh nhân viêm gan B. Kết quả cho thấy Haina có tác dụng bảo vệ gan, kháng viêm, ức chế xơ gan, đồng thời có tác dụng tốt trên các chỉ thị virus viêm gan B (Nguyễn Thị Minh Khai và cs. 2001).

Ngoài ra tác dụng chống oxy hóa của cà gai leo cũng được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu. Nguyễn Thị Bích Thu và cs. (2001) đã khảo sát tác dụng chống oxy hóa của cà gai leo. Kết quả khảo sát sơ bộ cho thấy dịch chiết glycoalkaloid toàn phần có hoạt tính chống oxy hóa mạnh. Những kết quả thu được góp phần giải thích cơ chế tác dụng kháng viêm, bảo vệ gan của chế phẩm Haina.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu nuôi cấy callus cà gai leo (solanum hainanense hance) và ảnh hưởng của chất kích ứng đến sự tích lũy hợp chất thứ cấp trong callus (Trang 26 - 28)