Phần 4 Kết quả và thảo luận
4.1. Kết quả nghiên cứu một số đặc điểm bệnh lý của bệnh do Histomonas
4.1.1. Kết quả nghiên cứu xác định triệu chứng lâm sàng chủ yếu của bệnh đầu
đầu đen do Histomonas sp. gây ra trên gà
Trong quá trình thực hiện đề tài căn cứ vào tình hình chăn nuôi, điều tra tình hình dịch bệnh thực tế, thập thông tin của cán bộ thú y và các chủ hiệu thuốc thú y, dựa trên các mẫu bệnh phẩm gửi về phòng thí nghiệm Trọng điểm công nghệ sinh học thú y- Khoa Thú y chẩn đoán bệnh đầu đen do Histomonas sp. gây ra tại một số hộ chăn nuôi thả vườn của 2 huyện Tân Yên (tỉnh Bắc Giang) và huyện Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên), nghiên cứu tiến hành theo dõi và thu thập các mẫu gà mắc bệnh. Theo dõi trên 2 địa phương nghiên cứu với 8 hộ chăn nuôi gà thả vườn với giống gà Lương phượng, gà Mía, gà Ri và tổng số gà theo dõi là 836 gà, số lượng là ốm là 370 gà, chúng tôi mổ khám 370 gà này. Dựa vào các dấu hiệu lâm sàng và bệnh tích đặc trưng của gà mắc bệnh đầu đen do Histomonas sp. trong nghiên cứu của (Lê Văn Năm, 2010), Nguyễn Đức Tân và cs. (2015) và Van der Heijden (2009) nghiên cứu thu được kết quả sau mổ khám: 105 gà mắc bệnh đầu đen với bệnh tích đặc trưng ở manh tràng và gan (Manh tràng bị viêm hoại tử, xuất huyết và tăng sinh nên rất dày làm cho manh tràng ngày càng rắn chắc, các chất chứa bị canxi hóa đông quánh có màu trắng tạo thành một lõi với các nếp ngang rất giống kén. Gan sưng to, mềm nhũn,bề mặt gan lỗ chỗ hình hoa cúc, hình thành những u cục màu trắng xanh nổi rõ lên bề mặt gan, sau đó các điểm xuất huyết này tạo ra các ổ viêm loét, hoại tử thành các ổ bã đậu màu trắng).
Kết quả quan sát theo dõi triệu chứng lâm sàng và dựa vào kết quả mổ khám bệnh tích đặc trưng ở gan và manh tràng của nhiều đàn gà khác nhau, tổng hợp lại số liệu chúng tôi nhận thấy gà bị bệnh đầu đen do Histomonas sp. gây ra có các dấu hiệu chủ yếu như bảng 4.1.
Bảng 4.1. Một số triệu chứng lâm sàng của gà mắc bệnh đầu đen do Histomonas sp. gây ra Triệu chứng Số gà biểu hiện triệu chứng (con) Số gà mắc bệnh do Histomonas sp. (con) Tỷ lệ % Gà kém vận động, ủ rũ 99 105 94,29 Sốt cao >42,50C 89 105 84,76
Giảm ăn, gầy, xù lông, run rẩy 92 105 87,62
Mào tích, da vùng đầu nhợt
nhạt hoặc tái xanh 70 105 66,67
Ỉa chảy, phân màu hồng nhạt lẫn máu hoặc đục như nước vo gạo hoặc vàng nâu lẫn dịch
nhầy có trường hợp lẫn máu 72 105 68,57
Bị liệt chân hoặc cánh 22 105 20,95
Kết quả theo dõi các triệu chứng lâm sàng được trình bày ở bảng 4.1 cho thấy phần lớn gà mắc bệnh đầu đen do Histomonas sp. gây ra có một số đặc điểm chủ yếu như sau: kém vận động, ủ rũ (94,29%), sốt cao >42,50C (84,76%), giảm ăn, gầy, xù lông, run rẩy (87,62%), mào tích, da vùng đầu nhợt nhạt hoặc tái xanh (66,67%), ỉa chảy, phân màu hồng nhạt lẫn máu hoặc đục như nước vo gạo hoặc vàng nâu lẫn dịch nhầy có trường hợp lẫn máu (68,57%), gà bị liệt chân hoặc cánh (20,95%)
Kết quả nghiên cứu cho thấy gà nuôi thả vườn trong vùng nghiên cứu mắc bệnh đầu đen do Histomonas sp. thường đột ngột mất đi dáng vóc tươi tỉnh, kém vận động, đi không vững. Gà có thể trạng gầy, chân khô, mỏ khô, lông xù kém bóng mượt. Mào tích, da vùng đầu nhợt nhạt hoặc tái xanh, khi sờ nắn thấy mào, mỏ, chân và thân thể rất nóng, gà bệnh sốt rất cao, gà thường sốt trên 42,50C. Gà sốt nên uống nước nhiều, giảm ăn, sau đó bỏ ăn hoàn toàn.
Khi gà mắc bệnh đầu đen do Histomonas sp., gà bị viêm và hoại tử gan làm chức năng gan bị rối loạn: quá trình thanh lọc và thải chất độc trong máu, khả năng dự trữ năng lượng, tổng hợp protein, lipid và sản xuất nội tiết giảm. Hậu quả là gà mệt mỏi, chán ăn và tiêu chảy. Giai đoạn cuối, chức năng của gan bị phá hủy nặng,
cơ thể gà suy kiệt, gầy yếu, thiếu máu, quá trình vận chuyển O2 từ phổi đến mô bào và CO2 từ mô bào đến phổi giảm, làm cho mào và yếm gà trở nên nhợt nhạt hoặc tái xanh, ỉa chảy, phân màu hồng nhạt lẫn máu hoặc đục như nước vo gạo hoặc vàng nâu lẫn dịch nhầy có trường hợp lẫn máu. Đồng thời do dinh dưỡng và lượng đường tích trữ trong cơ thể giảm, làm cho đường huyết hạ thấp, thân nhiệt giảm nhanh. Gà ốm ngày càng nặng và bỏ ăn, mào trở nên thâm tím, một số gà diều chứa đầy hơi rất giống bệnh chứng của Newcastle. Tuy nhiên, tần số xuất hiện gà bệnh không ào ạt mà lại lác đác lẻ tẻ, bệnh kéo dài nên gà bệnh thường gầy rộc, khiến nhiều chủ chăn nuôi và cán bộ thú y nhầm tưởng gà bị bệnh Newcastle. Lúc này, gà có biểu hiện rét run, đứng rụt cổ và rúc đầu vào cánh hoặc tìm chỗ ấm, chỗ tối ít có ánh nắng để đứng, khi xua đuổi thấy gà hay bị ngã hoặc nằm bẹp nghiêng về một bên. Đây là nét đặc trưng của bệnh đầu đen do Histomonas sp. gây ra song cũng là đặc điểm dễ nhầm với bệnh cầu trùng. Tiếp theo đó, lúc gà sắp chết thì phân hoàn toàn loãng và có màu trắng lờ lờ như nước vo gạo đặc, có dịch nhầy. Gà ốm thường bị chết do suy nhược, tỷ lệ tử vong lên đến 90 - 100% nếu không được điều trị kịp thời. Theo chúng tôi đây cũng là đặc điểm riêng biệt của bệnh đầu đen, kết quả quan sát này hoàn toàn phù hợp với kết quả nghiên cứu của một số tác giả trong và ngoài nước
Triệu chứng lâm sàng của gà bệnh trong nghiên cứu này phù hợp với mô tả của Nguyễn Hữu Nam và cs. (2013), Nguyễn Đức Tân và cs. (2015) và Van der Heijden (2009), dấu hiệu lâm sàng của bệnh đầu đen bao gồm: gà ăn ít hoặc bỏ ăn, ủ rũ, sốt cao, tiêu chảy phân màu vàng lưu huỳnh, mào thâm tím, giảm cân và tỷ lệ chết tăng ở gà 3 - 13 tuần tuổi.
Bên cạnh đó kết quả nghiên cứu triệu chứng lâm sàng của chúng tôi gần giống với Tyzzer(1919) nghiên cứu trên gà tây mắc bệnh đầu đen do Histomonas sp. gây ra, tác giả cho rằng gà mắc bệnh đầu đen da vùng đầu của gà có màu xanh tím sau đó nhanh chóng trở nên thâm đen. Đây có thể là nguyên dẫn nhân đến tên gọi của bệnh là bệnh đầu đen.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG CỦA BỆNH ĐẦU ĐEN
DO Histomonas sp. GÂY RA TRÊN GÀ
Hình 4.1. Gà bệnh ủ rũ, mào nhợt nhạt Hình 4.2. Gà chết do Histomonas sp.gây ra gây ra
Hình 4.3. Phân màu vàng xanh Hình 4.4. Phân vàng, nhầy, lẫn máu