Phần 1 Mở đầu
3.2. Phương pháp nghiên cứu
3.2.2. Phương pháp xử lý phân tích số liệu
Xử lý và phân tích số liệu nghiên cứu là một trong các bước cơ bản của một bản nghiên cứu khoa học, bao gồm xác định vấn đề nghiên cứu; thu thập số liệu; xử lý số liệu; phân tích số liệu và báo cáo kết quả. Xác định rõ vấn đề nghiên cứu giúp việc thu thập số liệu được nhanh chóng và chính xác hơn. Để có cơ sở phân tích số liệu tốt thì trong quá trình thu thập số liệu phải xác định trước các yêu cầu của phân tích để có thể thu thập đủ và đúng số liệu như mong muốn.
Trong khuôn khổ luận văn này, tác giả đã sử dụng các số liệu được thu thập từ các báo cáo tài chính đã được kiểm toán của Công ty Cổ phần DVVT và In Bưu điện, bao gồm: bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ và thuyết minh báo cáo tài chính. Ngoài ra tác giả còn sử dụng các báo cáo quản trị, kế hoạch sản xuất kinh doanh năm tiếp theo của công ty.
Phương pháp phân tích số liệu tài chính là cách thức dùng để xử lý các thông tin tài chính nhằm đánh giá tình hình tài chính của Công ty Cổ phần DVVT và in Bưu điện. Có rất nhiều phương pháp để phân tích số liệu tài chính nhưng tại công ty chủ yếu dùng 3 phương pháp sau:
- Phương pháp so sánh: Là phương pháp được sử dụng để đánh giá kết quả, xác định vị trí và xu hướng biến động của các chỉ tiêu phân tích. Trong phân tích báo cáo tài chính, phương pháp so sánh thường được sử dụng bằng cách so sánh ngang và so sánh dọc. So sánh ngang là việc so sánh đối chiếu tình hình biến động cả về trị số tuyệt đối và tương đối của từng chỉ tiêu qua các thời kỳ kế toán, còn so sánh dọc là xem xét tỷ trọng của từng chỉ tiêu trong tổng thể để rút ra kết luận.
- Phương pháp tỷ lệ: Đây là phương pháp truyền thống được áp dụng trong phân tích báo cáo tài chính của công ty. Theo phương pháp này, tỷ số được dùng để phân tích, đó là các tỷ số đơn được thiết lập giữa chỉ tiêu này với chỉ tiêu khác.
- Phương pháp phân tích ảnh hưởng của các nhân tố.
3.2.2.1 Phương pháp so sánh số liệu
Phương pháp so sánh được sử dụng phổ biến trong phân tích. Người sử dụng phương pháp này cần nắm chắc các vấn đề sau:
- Lựa chọn tiêu chuẩn so sánh. Tiêu chuẩn so sánh là chỉ tiêu được lựa chọn làm căn cứ để so sánh, hay còn được gọi là gốc so sánh. Tùy theo mục đích phân tích mà gốc so sánh được lựa chọn cho phù hợp. Các gốc so sánh có thể sử dụng là:
+ Số liệu của kỳ trước trong trường hợp cần đánh giá xu hướng phát triển, biến động của các chỉ tiêu.
+ Số liệu dự kiến (kế hoạch, dự toán, định mức) trong trường hợp cần đánh giá tình hình thực tế so với dự tính
+ Số liệu trung bình của ngành, lĩnh vực kinh doanh trong trường hợp cần đánh giá vị trí của doanh nghiệp trong mối tương quan với các doanh nghiệp khác trong ngành
- Điều kiện so sánh được: điều kiện quan trọng để đảm bảo phép so sánh có ý nghĩa là các chỉ tiêu đem so sánh phải đảm bảo tính đồng nhất, tức là phải đảm bảo phản ánh cùng một nội dung kinh tế, cùng một phương pháp tính toán, sử dụng cùng một đơn vị đo lường, ngoài ra các doanh nghiệp cần có quy mô và điều kiện kinh doanh tương tự nhau.
- Kỹ thuật so sánh: các kỹ thuật so sánh thường được sử dụng bao gồm: + So sánh tuyệt đối: là kết quả chênh lệch giữa số liệu của kỳ phân tích với số liệu gốc. Kết quả so sánh tuyệt đối phản ánh sự biến động về quy mô của đối tượng phân tích.
+ So sánh tương đối: thể hiện bằng tỷ lệ giữa số liệu của kỳ phân tích với số liệu gốc. Kết quả so sánh tương đối thường phản ánh tốc độ phát triển của đối tượng phân tích.
+ So sánh với số bình quân: số bình quân thể hiện tính phổ biến, tính đại diện của các chỉ tiêu khi so sánh giữa các kỳ phân tích hoặc chỉ tiêu bình quân của ngành.
3.2.2.2. Phương pháp tỷ lệ
Tác giả sử dụng phương pháp tỷ lệ để xác định chỉ tiêu nào có ảnh hưởng chủ yếu đến tình hình tài chính của công ty.
Phương pháp phân tích tỷ lệ là một công cụ thường được sử dụng trong phân tích báo cáo tài chính. Việc phân tích các tỷ lệ giúp đưa ra một tập hợp các con số thống kê để vạch rõ những đặc điểm chủ yếu về tài chính của một số tổ chức đang được xem xét. Trong phần lớn các trường hợp, các tỷ lệ được sử dụng theo hai phương pháp chính:
- Các tỷ lệ cho tổ chức đang được xét sẽ được so sánh với các tiêu chuẩn của ngành. Có thể có những tiêu chuẩn của ngành có sẵn hoặc trong trường hợp không có sẵn, các nhà phân tích có thể đưa ra một tiêu chuẩn riêng của họ bằng cách tính toán các tỷ lệ trung bình cho các công ty chủ đạo trong cùng một ngành. Cho dù nguồn gốc của các tỷ lệ là như thế nào cũng đều cần phải thận trọng trong việc so sánh công ty đang phân tích với các tiêu chuẩn được đưa ra cho các công ty trong cùng một ngành và có quy mô tài sản xấp xỉ.
- Trong phân tích tài chính doanh nghiệp, các tỷ lệ tài chính được phân thành các nhóm chỉ tiêu đặc trưng phản ánh các nội dung cơ bản theo mục tiêu phân tích của doanh nghiệp. Đó thường là các nhóm tỷ lệ về khả năng thanh toán, tỷ lệ về cơ cấu vốn và nguồn vốn, tỷ lệ về năng lực kinh doanh, tỷ lệ về khả năng sinh lời. Mỗi nhóm tỷ lệ lại bao gồm nhiều tỷ lệ phản ánh riêng lẻ, từng bộ phận của hoạt động tài chính trong mỗi trường hợp khác nhau, tùy theo giác độ phân tích, người phân tích lựa chọn các nhóm chỉ tiêu khác nhau để phục vụ mục tiêu phân tích của mình.
3.2.2.3. Phương pháp phân tích ảnh hưởng của các nhân tố
Xác định mức ảnh hưởng của từng nhân tố đến chỉ tiêu phân tích và được thực hiện bằng cách khi xác định ảnh hưởng của nhân tố này thì phải loại trừ ảnh hưởng của nhân tố khác. Các nhân tố có thể làm tăng, giảm thậm chí không ảnh hưởng gì đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Nó có thể là nhân tố khách quan, chủ quan, nhân tố tích cực hay tiêu cực...
Phương pháp phân tích ảnh hưởng của các nhân tố lại thể hiện xu hướng, nguyên nhân, tác động của các nhân tố đến các chỉ tiêu trên BCTC.