nghiệp Việt Nam
2.2.2.1. Kinh nghiệm phát triển thị trường TACN của công ty Cổ phần Hòa Phát
Quyết định bỏ ra 300 tỷ đồng xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi, đại gia thép Hòa Phát gây ngỡ ngàng khi chọn lĩnh vực “xương” nhất để làm bàn đạp tấn công vào ngành nông nghiệp. Gọi là lĩnh vực xương xẩu bởi thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam đang đầy rẫy “những con cá mập” tầm cỡ thế giới như CP (Thái Lan), Cargill (Mỹ)…, với doanh số toàn cầu lên tới hàng trăm tỷ USD mỗi năm.
Năm 2014, doanh thu của Tập đoàn CP (Thái Lan) là 34 tỷ USD, còn doanh thu của Cargill là 140 tỷ USD. Riêng tại Việt Nam, doanh thu của Cargill năm 2014 là 900 triệu USD, còn doanh thu CP có thể cao gấp đôi, gấp ba. Hiện CP và Cargill đang nắm tới gần 30% thị phần thức ăn chăn nuôi Việt Nam (Cargill 9% thị phần, CP gần 20% thị phần).
Hòa Phát có được những thành công trên trong phát triển thị trường TACN là nhờ:
Thứ nhất, trong lịch sử hơn 20 năm phát triển, Hòa Phát đã mở rộng lĩnh vực kinh doanh nhiều lần. Đặc biệt, khi bước vào ngành thép (năm 2001), Hòa Phát cũng là lính mới, song sau hơn 13 năm, thép đã trở thành ngành chính, cốt lõi của Tập đoàn. Với kinh nghiệm đã có, Hòa Phát đã xây dựng cho mình một hệ thống kênh phân phối rộng khắp, phủ kín các tỉnh thành, tiếp cận dễ với khách hàng
Thứ hai, nhu cầu thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam luôn đạt mức tăng khoảng 10%/năm, với nhu cầu dự báo đến năm 2015 là 18-20 triệu tấn thức ăn công nghiệp, doanh số lên tới 6 tỷ USD. Mặc dù tỷ suất lợi nhuận không cao, song ngành thức ăn chăn nuôi lại có quy mô lớn và rất tiềm năng. Đón bắt xu hướng này, Hòa Phát tập trung vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Cho ra nhiều sản phẩm đa dạng, phù hợp với yêu cầu khách hàng và đáp ứng thị trường đang phát triển.
Thứ ba, Công ty đặt mục tiêu hàng đầu là phải đưa thương hiệu đến mọi nhà. Chính vì vậy, các chiến dịch quảng cáo của Hòa Phát được tập đoàn đầu tư kinh phí lớn. Để thu hút khách hàng các chính sách xúc tiến sau bán, hoạt động
chăm sóc khách hàng, chăm sóc các địa lý được Hòa Phát quan tâm. Chính vì vậy, các đại lý của Hòa Phát rất hài lòng với các chính sách chiết khấu và chính sách chăm sóc khách hàng của công ty.
Và cuối cùng, với tình hình tài chính dồi dào như hiện nay, không khó để Hòa Phát hiện thực hóa ý định bơm 5.000-10.000 tỷ đồng vào lĩnh vực này, song cạnh tranh trên thị trường thức ăn chăn nuôi không chỉ cần có vốn (Thùy Liên, 2015).
2.2.2.2 Kinh nghiệm phát triển thị trường TACN của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam
Kế thừa nền tảng vững chắc từ Tập đoàn C.P. Thái Lan, hơn 20 năm đầu tư vào Việt Nam, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam (CPV) không ngừng nâng cao năng lực hoạt động, mở rộng thị trường, nhanh chóng khẳng định thương hiệu trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, chế biến, phân phối bán lẻ thực phẩm…, với mức doanh thu năm 2015 lên tới 46.000 tỷ đồng.
Là thành viên của Tập đoàn C.P. (Charoen Pokphand Group) - một trong những tập đoàn hàng đầu Thái Lan trên lĩnh vực công - nông nghiệp và chế biến thực phẩm, C.P. Việt Nam gia nhập thị trường Việt Nam khá sớm, ngay từ khi đất nước có chính sách thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên đến năm 1993, Công ty TNHH Chăn nuôi C.P. Việt Nam mới chính thức hình thành và xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại tỉnh Đồng Nai. Năm 2009, Công ty TNHH Chăn nuôi C.P. Việt Nam hợp nhất với Công ty TNHH Charoen Pokphand Việt Nam, trở thành Công ty C.P. Vietnam Livestock Corporation và đến năm 2011, đổi tên thành Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam.
Bài học kinh nghiệm rút ra từ sự phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm thức ăn chăn nuôi của Cp:
- Thứ nhất, hợp tác cùng nông dân
Cp đặt phương châm hợp tác cùng nông dân, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân tăng gia sản xuất để phát triển kinh tế nông nghiệp và đặc biệt coi trọng “3 lợi ích” (Nhà nước - người dân - doanh nghiệp), C.P. Việt Nam đầu tư xây dựng mô hình sản xuất kiểu mẫu theo chuỗi khép kín “FEED-FARM-FOOD” (Thức ăn chăn nuôi - Trang trại chăn nuôi - Nhà máy chế biến thực phẩm). Hiện nay, C.P. Việt
Nam đã mở rộng quy mô sản xuất với 9 nhà máy thức ăn gia súc, thủy sản tại Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Cần Thơ, Bến Tre, Đắk Lắk, Hà Nội, Hải Dương, một nhà máy sơ chế bắp, 2 nhà máy chế biến thịt tại Đồng Nai, Hà Nội; đồng thời hợp tác cùng nông dân phát triển 3.000 trang trại. Các nhà máy đều được đầu tư thiết bị hiện đại, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ tiên tiến phục vụ sản xuất.
-Thứ hai, chất lượng làm nền tảng
Xác định rõ “chất lượng sản phẩm tốt là nền tảng cho sự tồn tại và phát triển của CPV”, nguồn nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi, gia cầm, thủy sản của C.P. Việt Nam đều được kiểm soát chặt chẽ giá trị dinh dưỡng, tồn dư chất cấm trước khi đưa vào sản xuất. Với ngành thức ăn thủy sản, được áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008, GMP, HACCP, ISO 22000, GLOBAL GAP. Với gia cầm, heo, thủy sản có nguồn gien được nhập khẩu từ các công ty uy tín trên thế giới, quá trình nuôi được đánh giá di truyền, chọn lọc con giống… nhờ vậy con giống của C.P. Việt Nam có khả năng chống, chịu bệnh tốt, mang lại hiệu quả cao cho người chăn nuôi. Đối với mặt hàng thực phẩm chế biến, các sản phẩm mang thương hiệu CPV đều đạt tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế và có nhiều ưu điểm vượt trội: sạch, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chính vì vậy, C.P. Việt Nam không chỉ được người tiêu dùng trong nước tín nhiệm, các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến thực phẩm chọn làm đối tác cung cấp nguyên liệu đầu vào mà còn đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường xuất khẩu.
Năm 2011, C.P. Việt Nam xây dựng được 10.000 điểm bán lẻ, cửa hàng trên cả nước cung cấp thức ăn sạch với tên gọi C.P. Freshmart, C.P. Shop. Xung quanh vấn đề này, ông Chamnan Wangakkarangkuk - Phó Tổng giám đốc C.P. Việt Nam cho biết: “Xây dựng chuỗi 10.000 cửa hàng phân phối là bước đi cuối cùng trong việc khép kín quy trình kinh doanh từ sản xuất thức ăn chăn nuôi, con giống, đầu tư trang trại chăn nuôi, chế biến và phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng”.
Hơn 20 năm đầu tư vào Việt Nam, C.P. Việt Nam không ngừng nâng cao giá trị thương hiệu và mở rộng thị trường. Đến nay, C.P. Việt Nam nắm giữ 7% thị phần thịt heo, 16% thị phần trứng gà công nghiệp, 22% thị phần thịt gà công nghiệp, 18% thị phần thức ăn chăn nuôi và đang từng bước khẳng định vị thế thương hiệu trong ngành chế biến thực phẩm.
Thứ ba, Chiến lược quan hệ công chúng phù hợp
Bên cạnh đó, C.P. Việt Nam luôn tích cực hòa nhập và đồng hành cùng các hoạt động xã hội, các chương trình vì cộng đồng. Hằng năm, Công ty đều tham gia ủng hộ các hoạt động từ thiện, hiến máu nhân đạo, đồng thời kết hợp cùng Bộ Y tế, Hội Thầy thuốc trẻ, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí. Đặc biệt, thông qua những hoạt động thiết thực như sự kiện Làng Thái tại TP.HCM, C.P. Việt Nam đã góp phần vun đắp, phát triển quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam - Thái Lan.
Hơn 20 năm đầu tư đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển ngành chế biến thức ăn chăn nuôi cũng như phát triển kinh tế - xã hội nói chung, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam đã vinh dự được các Bộ, ngành trung ương và địa phương trao tặng 9 Bằng khen về thực hiện nghĩa vụ thuế, 13 Bằng khen về thành tích sản xuất kinh doanh và hoạt động từ thiện xã hội cùng nhiều giải thưởng khác (Tường Vy, 2016).