Thực trạng cơ sở hạ tầng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phân tích chi đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước tại huyện quỳnh phu tỉnh thái bình (Trang 53 - 58)

Phần 3 Đặc điểm địa bàn và phương pháp nghiên cứu

3.1. Đặc điểm địa bàn ở huyện quỳnh phụ tỉnh thái bình

3.1.4. Thực trạng cơ sở hạ tầng

Trong những năm gần đây, bằng nội lực của địa phương cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành và được sự đồng thuận của nhân dân, huyện Quỳnh Phụ đã từng bước hoàn hiện cơ sở hạ tầng trên địa bàn. Thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới. Qua 3 lần tiếp nhận xi măng (Xi măng Duyên Hà 87,5 tấn; Xi măng Vissai 30,5 tấn; xi măng Công Thanh 18,4 tấn) do UBND tỉnh hỗ trợ xây dựng nông thôn mới cho 36/38 xã, thị trấn trên toàn huyện nhiều công trình kênh mương, trường học, trạm y tế, sân vận động, đường giao thông, trụ sở HĐND-UBND... đã được xây mới và đưa vào sử dụng làm thay đổi toàn diện cơ

sở hạ tầng trên toàn huyện. Đến 31/12/2018 huyện Quỳnh Phụ có 31/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

*Hệ thống giao thông

Các tuyến đường chính của huyện gồm: Mạng lưới giao thông đường bộ tương đối dày với các tuyến đường chính là Quốc lộ 10, Tỉnh lộ 451, 452, 455, 396B và hệ thống đường huyện lộ, đường nội thị và đường xã với tổng chiều dài trên 1.200 km trong đó:

- Đường quốc lộ: quốc lộ 10 chạy qua huyện dài 11 km từ Km58 (Cầu Nghìn - thị trấn An Bài) đến Km69 (Ngã Ba Đợi- xã Đông Hải)

- Đường Thái Bình – Hà Nam nối với đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ - Đường tỉnh lộ: Tổng cộng qua huyện gồm 4 tuyến dài 50 km.

+ Đường ĐT.396B (tên cũ là đường 217) dài 14 km từ Km12 (bến Hiệp, xã Quỳnh Giao) đến Km26 (Ngã Ba Đợi)

+ Đường ĐT.451 (đường trục phố cũ thị trấn Quỳnh Côi) dài 1,2 km từ Ngã Tư Bạt qua ngã tư cầu Tây đến Ngã Ba cống ông Sắt giao vào đường tỉnh 396B.

+ Đường ĐT.452 (tên cũ là đường 224) dài 9 km từ Km0 thị trấn Quỳnh Côi đến Km9, xã Quỳnh Ngọc.

+ Đường ĐT.455 (tên cũ đường 216) dài 26 km từ Km9 (xã Quỳnh Nguyên) đến Km35 (xã Đồng Tiến)

- Đường huyện lộ: Tổng số đường huyện gồm 17 tuyến được đánh số từ ĐH.72 đến ĐH.84, tổng chiều dài 78,6 km toàn bộ đã được rải đá láng nhựa. Đường tương đương tiêu chuẩn cấp IV đồng bằng: 2,6 km có mặt đường rộng 6m, nền đường rộng 8 – 9 m còn lại 74 km chỉ gần tương đương với đường cấp V đồng bằng có mặt đường 3 – 4 m, nền đường 4 – 5 m.

- Đường đô thị: Tổng chiều dài 8,7 km trong nội 2 thị trấn Quỳnh Côi và An Bài (bao gồm cả đường quốc lộ và đường tỉnh)

- Đường xã: Tổng chiều dài 216 km trong đó đường đá nhựa 138 km, bê tông 3 km còn lại là các loại khác.

- Đường giao thông nông thôn dài khoảng 1.262 km. Trong đó chủ yếu các tuyến đường đã được cứng hoá (trải nhựa, đổ bê tông, lát gạch) còn ít đường đất và đường rải đá cấp phối.

Tuy nhiên, cùng với quá trình sử dụng sự gia tăng các phương tiện tham gia giao thông chất lượng nhiều tuyến đường đã, đang xuống cấp gây ra nhiều khó khăn trong quá trình lưu thông.

Trong giai đoạn tới để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của huyện, cần thiết phải mở rộng nâng cấp nhiều tuyến đường.

Giao thông đường thuỷ: Huyện Quỳnh Phụ có 2 con sông lớn là sông Hoá và sông Luộc, trên cả hai con sông này đều phát triển giao thông đường thuỷ thuận lợi bên cạnh còn tuyến đường thuỷ trên sông Yên Lộng, sông Cô, sông Diêm Hộ. Trên địa bàn huyện đã đưa vào sử dụng 83 km vận tải đường sông trong đó 43 km do trung ương quản lý và 40 km do huyện quản lý.

Hệ thống bến xe, bến bãi: Huyện hiện có 2 bến xe khách là Quỳnh Côi, Tư Môi – An Bài; 2 bến sông là Bến Hiệp, Cầu Nghìn, ngoài ra còn các bến bãi ven sông Hóa, sông Luộc và đò ngang đã đáp ứng được nhu cầu cơ bản của người dân trong huyện, nhưng trong tương lai khi dân số gia tăng, kinh tế phát triển, nhu cầu giao lưu thông thương giữa các xã trong huyện, giữa huyện với tỉnh và khu vực tăng cao hệ thống trung chuyển trên cần phải có kế hoạch mở rộng làm cơ sở đẩy mạnh phát triển nền kinh tế của toàn huyện.

* Thuỷ lợi

Hệ thống thuỷ lợi của huyện đã được hình thành từ lâu đời (nằm trong hệ thống thuỷ lợi bắc Thái Bình), lại thường xuyên được cải tạo, tu bổ nên về cơ bản hệ thống thuỷ lợi của huyện tương đối tốt, tưới tiêu cho nông nghiệp kịp thời, đạt hiệu quả trong việc giữ và chuyển nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nước trong hệ thống phụ thuộc vào lưu lượng nước trên sông Hoá, sông Luộc, lượng mưa hàng năm và sự vận hành của hệ thống.

Ngoài 271 km chiều dài hệ thống sông trục cấp 3, trên địa bàn huyện còn có 323 km kênh mương cấp I với 240 trạm bơm nằm rải rác tại 38 xã, thị trấn của huyện, phục vụ tương đối tốt cho nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Đê: huyện có 35 km đê sông Luộc, sông Hoá và 32,7 km đê bối.

* Hệ thống điện, thông tin liên lạc

Hiện tại tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có trạm biến áp, 100% số hộ được dùng điện lưới quốc gia. Hệ thống phát thanh truyền hình và đài truyền thanh cơ sở liên tục được củng cố và phát triển. Hiện tại 38/38 xã, thị

trấn của huyện có đài truyền thanh ;100% số khu dân cư có loa đài truyền thanh. Ngành bưu chính viễn thông phát triển mạnh 100 % các xã (thị trấn) có internet, 100% các xã (thị trấn) phủ sóng điện thoại di động, cố định … vv; các xã đều có điểm bưu điện văn hoá xã.

* Giáo dục - Đào tạo

Ngành giáo dục trong những năm qua luôn được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp và sự nỗ lực cố gắng của toàn ngành, vì vậy sự nghiệp giáo dục đã được phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng, thực hiện có kết quả các chương trình như: Phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia và phổ cập trung học cơ sở. Thực hiện đúng chế độ luân chuyển, điều động cán bộ quản lý và giáo viên để từng bước đảm bảo cơ cấu hợp lý, đồng bộ trong nhà trường. Giáo viên giỏi, học sinh giỏi luôn được chú trọng quan tâm bồi dưỡng.

Công tác đào tạo, dạy nghề được quan tâm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao tỷ lệ lao động được đào tạo trong độ tuổi.

Trung tâm học tập công cộng, công tác khuyến học thực hiện khá tốt nhiệm vụ được giao góp phần xây dựng xã hội học tập từ cơ sở.

* Văn hoá - Thể dục thể thao

Công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực văn hoá - xã hội không ngừng được tăng cường. Các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục - thể thao phát triển rộng khắp; việc thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hoá được phát triển tới từng thôn. Hoạt động truyền hình được cải thiện rõ rệt cả về nội dung lẫn chất lượng góp phần đưa thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tới người dân.

Đến nay, toàn huyện có 90% số thôn, làng, tổ dân phố có nhà văn hóa; 100% số khu dân cư có loa truyền thanh; tỷ lệ phủ sóng truyền hình đạt 100% (về diện tích).

Hoạt động thể thao diễn ra thường xuyên hơn và có nhiều khởi sắc, luôn có sự hoạt động giao lưu giữa các đơn vị, tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, do điều kiện vật chất còn nhiều khó khăn hạn chế, cơ sở vật chất cho các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao của một số xã còn nghèo nàn, chưa đảm bảo cho nhu cầu. Trong giai đoạn tới cần củng cố, xây dựng mới một số cơ sở văn hoá phục vụ tốt hơn nữa cho nhu cầu của người dân.

* Y tế

Công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân được quan tâm và chú trọng, trách nhiệm và chất lượng phục vụ người bệnh trong các cơ sở y tế được nâng lên. Các chính sách của Nhà nước về chăm sóc sức khoẻ nhân dân như: Phát thẻ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh cho người nghèo và chương trình tiêm chủng quốc gia cho trẻ em dưới 6 tuổi... được tổ chức thực hiện tốt. Chương trình y tế cộng đồng, công tác chăm sóc sức khoẻ cho người dân được duy trì thường xuyên và có hiệu quả, chất lượng chuyên môn của đội ngũ cán bộ thầy thuốc được nâng cao. Triển khai và thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia, 100% số xã có cán bộ y tế, từng bước trẻ hoá đội ngũ cán bộ.

Về cơ sở vật chất, toàn huyện hiện có 2 bệnh viện đa khoa, 1 phòng y tế, 1 trung tâm y tế, 1 hội đông y, 1 trung tâm dược, 1 trung tâm dân số kế hoạch hoá gia đình, 38 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia.

* Quốc phòng

Huyện uỷ, HĐND – UBND huyện đã tập trung lãnh đạo, xây dựng nền Quốc phòng toàn dân vững mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với củng cố Quốc phòng, An ninh; công tác quản lý Nhà nước về Quốc phòng được tăng cường. Công tác xây dựng lực lượng, huấn luyện, luyện tập và giáo dục Quốc phòng được thực hiện có kết quả.

Xây dựng nền Quốc phòng toàn dân vững mạnh, hoàn thành chỉ tiêu tuyển quân, tổ chức thành công diễn tập về phòng thủ chống thiên tai, bão lũ và diễn tập về phòng thủ chống bạo loạn tại cơ sở.

* An ninh

Nhìn chung, tình hình An ninh, chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Các phương án bảo vệ trật tự An ninh, các chương trình quốc gia về phòng chống tội phạm, phòng chống ma tuý, mại dâm tiếp tục được duy trì và thực hiện có hiệu quả.

Thế trận An ninh nhân dân đã được xây dựng và triển khai, các chiến dịch tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm An ninh trật tự được duy trì thường xuyên, làm tốt công tác phòng ngừa từ cơ sở, đã huy động được sự tham gia đông đảo của quần chúng nhân dân trong phát hiện đấu tranh, tố giác phòng ngừa tội phạm. Các vấn đề về tôn giáo, dân tộc trên địa bàn huyện đều được đảm bảo hài hoà.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phân tích chi đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước tại huyện quỳnh phu tỉnh thái bình (Trang 53 - 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)