Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn
2.1. Cơ sở lý luận
2.1.2. Vai trò của tín dụng chính thức đối với thu nhập của hộ nông dân
Hiện nay khu vực nông thôn và nông nghiệp là nơi nhận nhiều tiền vay nhất từ các quỹ hỗ trợ trong nước cũng như nước ngoài. Đã có nhiều tác giả
nghiên cứu về vai trò và ảnh hưởng của vốn tín dụng đến hoạt động kinh tế - xã hội của hộ nông dân. Họ đều khẳng định vai trò to lớn của vốn tín dụng, đặc biệt là vốn tín dụng chính thức đối với nông nghiệp, nông thôn và kinh tế hộ nông dân trên các phương diện sau:
• Tận dụng các nguồn lực hiện có của hộ
Đất đai được đưa vào sử dụng cho mục đích sản xuất nông nghiệp là tư liệu sản xuất chủ yếu và đặc biệt, có ảnh hưởng trực tiếp đến năng xuất cây trồng, đến chất lượng sản phẩm và trong những trường hợp nhất định nó còn quyết định phương hướng sử dụng, phương hướng trang bị và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của nông nghiệp. Ruộng đất là một trong những yếu tố quan trọng nhất cho hộ sản xuất nông nghiệp tạo nên sự thu hút các yếu tố khác để làm ra của cải vật chất, đáp ứng nhu cầu thường xuyên thay đổi của con người.
Hộ tận dụng được diện tích đất đai hiện có hộ sử dụng hết diện tích đất của hộ và có thể đi thuê thêm để sản xuất, đầu tư vào những diện tích đất chưa sử dụng trước đây không có vốn để đầu tư. Bố trí lại cơ cấu cây trồng, chuyển đổi những cây trồng trước đây không có hiệu quả sang những cây trồng có năng suất, hiệu quả kinh tế cao, đưa những cây trồng mới, cây trồng mang tính hàng hoá vào sản xuất. Đầu tư thâm canh tăng năng suất, những cây trồng trước đây chỉ sản xuất hai vụ/năm, sau khi vay vốn tăng lên đến ba vụ/năm, đầu tư áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, đầu tư phân bón, giống tăng năng suất sản phẩm.
Hộ nông dân vay vốn đầu tư vào chăn nuôi. Đầu tư tăng tổng số lượng đầu con, đa dạng hoá chủng loại vật nuôi nhằm tránh rủi ro. Xây dựng chuồng trại, chuyển đổi một số diện tích đất trồng trọt không hiệu quả sang chăn nuôi, đầu tư thức ăn, thuốc thú y, nhằm nâng cao năng xuất và hiệu quả trong chăn nuôi.
Một số hộ sử dụng vốn vay để phát triển ngành nghề hiện có của gia đình, họ thuê thêm lao động, đầu tư trang thiết bị mới một mặt làm tăng số lượng một mặt làm tăng cả chất lượng sản phẩm, phát triển các ngành nghề mới mà trước đây hộ chưa từng làm.
Với những hộ làm dịch vụ vay vốn giúp họ nâng cao tần xuất quay vòng vốn, nâng cao hiệu quả dịch vụ và phát triển một số dịch vụ mới theo phát triển của xã hội ngày nay.
Nông nghiệp là ngành sản xuất nặng nhọc, phức tạp, quá trình sản xuất diễn ra trong phạm vi không gian rộng lớn chịu ảnh hưởng lớn của các điều kiện tự nhiên, đối tượng sản xuất là cơ thể sống, những đặc điểm này làm cho sản xuất nông nghiệp có sức sinh lời thấp và rủi ro cao. Vì vậy đòi hỏi lao động trong hộ nông dân trước hết phải có kinh nghiệm sản xuất, có ý chí và quyết tâm làm giàu từ nghề nông.
Nguồn lao động trong nông nghiệp vừa là nguồn cung cấp lao động cho bản thân ngành nông nghiệp, vừa là cung cấp lao động cho các ngành kinh tế khác. Trong xu hướng biến động của nguồn lao động nông nghiệp, lao động có chất lượng cao thường có su hướng di chuyển khỏi lĩnh vực nông nghiệp.
Khi có vốn tín dụng, các ngành nghề phát triển lượng lao động trong hộ nông dân được tận dụng một cách tối đa, ngoài lao động chính trong hộ nông dân còn sử dụng cả những lao động trên tuổi, dưới tuổi và cả lao động đang là học sinh. Khi sản xuất phát triển đến mức độ nào đấy, đặc biệt là vào mùa vụ hộ thường phải thuê thêm lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất.
• Nâng cao nhận thức và hiểu biết của các hộ vay vốn
Thiếu hiểu biết, thiếu thông tin và sự cách biệt cũng là một trong những nguyên nhân của sự nghèo đói ở Việt Nam. Người nghèo, đặc biệt là dân tộc thiểu số vốn trình độ văn hoá thấp, thậm chí nhiều người trong số họ không biết chữ, không nói được tiếng Kinh, ngại giao tiếp, do vậy họ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận đến thông tin và tiến bộ khoa học kỹ thuật. Vốn tín dụng đã góp phần làm thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức cho thành viên, tạo cơ hội cho họ trao đổi kinh nghiệm sản xuất kinh doanh.
• Nâng cao hiệu quả kinh tế
Tác động của vốn vào quá trình sản xuất và hiệu quả kinh tế không trực tiếp, mà gián tiếp thông qua đất đai, cây trồng, vật nuôi. Trong sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng của các điều kiện tự nhiên, chu kỳ sản xuất tương đối dài phụ thuộc vào thời gian sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế trên đồng vốn đầu tư hộ phải tận dụng được các nguồn lực, lao động hiện có, bố trí sản xuất hợp lý, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cùng với đầu tư hợp lý hiệu quả kinh tế trong sản xuất của hộ nông dân được tăng lên. Tăng hiệu quả trên đồng vốn đầu tư, thu nhập trên một ngày công lao động.
• Tăng thu nhập cho các hộ nông dân
Vốn vay được sử dụng cho mục đích tăng thu nhập trong thời gian ngắn hạn, hầu hết đầu tư vào chăn nuôi gia cầm, nuôi bò, lợn và dê. Khi nhận được vốn vay, đa số các hộ nông dân đã sử dụng vốn đúng mục đích, đầu tư cho hoạt động sản xuất tạo thu nhập. Họ đã biết sử dụng vốn vay vào các loại hình sản xuất phù hợp với từng địa phương. Một số hộ vay vốn đã biết tính toán, lựa chọn phương án đầu tư có lợi nhất.
Tác động của vốn tín dụng cho thấy khi được tạo cơ hội tốt, phụ nữ có thể sử dụng những khả năng và sáng tạo nội tại của mình để quản lý và sử dụng có hiệu quả những món vay, góp phần làm thay đổi phương thức sản xuất của các hộ gia đình và khuyến khích việc đa dạng các nguồn thu nhập.
Cũng có một số hộ nông dân được hỏi giảm thu nhập so với thời điểm trước khi họ vay vốn do bị rủi ro (lợn, gà bị dịch bệnh chết). Do vậy tập huấn về kỹ năng sản xuất kinh doanh cần phải được thực hiện sớm.
• Từ sản xuất phát triển, đời sống vật chất được nâng cao
Việc đưa vốn tín dụng vào phát triển sản xuất trong hộ nông dân đã nâng cao đời sống vật chất, trình độ của hộ nông dân. Mặc dù vẫn có những hộ còn nợ ngân hàng.
* Tạo cơ hội tiếp cận đến tín dụng
Hệ thống tín dụng chính thức ở Việt Nam trong thời gian gần đây có nhiều đổi mới, mở rộng tiếp cận tới hộ gia đình nói chung và hộ nghèo nói riêng. Việc mở rộng hoạt động của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng góp phần lấp phần nào “lỗ hổng” về dịch vụ tài chính ở vùng nông thôn. Cho dù vậy, vẫn có hộ nghèo chưa tiếp cận được tới tín dụng. Kết quả khảo sát PRA chỉ ra rằng thiếu vốn vẫn là cản trở lớn nhất cho việc nâng cao thu nhập của người nghèo.
Ý nghĩ người nghèo không thể tiết kiệm đã từ lâu ăn sâu trong suy nghĩ của nhiều người và của chính bản thân họ. Kết quả khảo sát PRA cũng cho thấy rằng hầu hết người nghèo không gửi và không có khái niệm tiết kiệm và hoặc nếu có họ chỉ giữ tại nhà. Người nghèo họ mong muốn tiết kiệm và có khả năng tiết kiệm được món tiền nhỏ. Số tiền này tuy nhỏ nhưng lại có ý nghĩa với họ.
Phụ nữ tham gia thảo luận với chồng trong việc quyết định vay vốn và sử dụng tiền vay. Sự thay đổi này có ý nghĩa quan trọng khi, theo truyền thống ở Việt Nam, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số, mọi công việc làm ăn lại thường do người chồng quyết định. Nhiều nghiên cứu gần đây cũng đã chỉ ra rằng, phụ nữ quản lý món vay nhỏ tốt hơn so với nam giới và cũng chính vì vậy mà hầu hết các chương trình tín dụng nhỏ đều tập trung vào phụ nữ.
Người nghèo không dễ tiếp cận đến tín dụng do nhiều lý do như: thiếu tài sản thế chấp, không được các tổ chức tài chính tin tưởng, kết cục là cho dù có năng lực nhưng họ lại phải khoang tay ngồi chờ do thiếu vốn để sản xuất và họ không có thu nhập hay có chăng thì thu nhập lại rất thấp. Để họ tiếp cận với tín dụng, mặc dù ban đầu với số lượng nhỏ nhưng thật có ý nghĩa đối với họ. Nhưng liệu họ có được tiếp cận tới tín dụng nhiều lần không? Vốn tín dụng không chỉ giúp phụ nữ nghèo tiếp cận tới tín dụng mà còn nâng cao năng lực cho họ để họ có thể tự quản lý các hoạt động tín dụng.