Bắc Giang là tỉnh có đặc điểm địa hình của cả miền núi lẫn trung du, nằm cách Thủ đô Hà Nội 50 km về phía Bắc, cách cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị 110 km về phía Nam, cách cảng Hải Phòng hơn 100 km về phía Tây. Phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Lạng Sơn, phía Tây và Tây Bắc giáp Hà Nội, Thái Nguyên, phía Nam và Đông Nam giáp tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương và Quảng Ninh. Địa lý lãnh thổ Bắc Giang là tỉnh miền núi có nhiều tiềm năng về đất đai, tài nguyên khoáng sản. Hiện nay, tỉnh Bắc Giang có 9 huyện và 1 thành phố, trong đó có 6 huyện miền núi và 1 huyện vùng cao (Sơn Động). (Hình 3.1).
Hình 3.1. Bản đồ tỉnh Bắc Giang
Bắc Giang có diện tích tự nhiên hơn 3.849 km², chiếm 1,2% diện tích tự nhiên của Việt Nam. Trong đó đất nông nghiệp chiếm 32,4%; đất lâm nghiệp có rừng chiếm 28,9%; còn lại là đồi núi, sông suối chưa sử dụng và các loại đất khác; dân số hơn 1,6 triệu người (trong đó gần 1 triệu người trong độ tuổi lao
động). Tuy là tỉnh còn nghèo nhưng với thành tựu đạt được trong những năm đổi mới vừa qua đang tạo đà cho Bắc Giang thế và lực mới để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới.
Nằm trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng, liền kề vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, Bắc Giang có hệ thống giao thông thuận tiện bao gồm cả đường bộ, đường sắt và đường thủy tới Thủ đô Hà Nội, cửa khẩu quốc tế Lạng Sơn, sân bay quốc tế Nội Bài, cảng biển quốc tế Hải Phòng, Cái Lân… rất thuận lợi trong phát triển kinh tế và giao lưu văn hóa với các nước trong khu vực.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đạt 9,4%/năm, trong đó, công nghiệp - xây dựng đạt 16,3% (công nghiệp tăng 19,8%, xây dựng tăng 7,5%), dịch vụ đạt 6,8%, nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 3,6%; GDP bình quân/người năm 2015 đạt 1.530USD, tăng 820USD so với năm 2010, rút ngắn khoảng cách so với bình quân cả nước, từ 56% năm 2010 lên 66,5% năm 2015; Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Năm 2015, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm 39,5%, dịch vụ chiếm 36,5%, nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 24% trong cơ cấu kinh tế; Giá trị sản xuất công nghiệp (giá 2010) năm 2015 ước đạt 44.620 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 29,2%/năm; Kim ngạch xuất khẩu có mức tăng trưởng vượt bậc, ước năm 2015 đạt 2,6 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 51%/năm, bằng 8,6 lần so với năm 2010, gấp 3,3 lần so với mục tiêu đề ra; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2011-2015 ước đạt trên 107 nghìn tỷ đồng, bằng 134,7% mục tiêu, tốc độ tăng bình quân hàng năm đạt 24,9%.