Chủ trương, đường lối, chính sách phát triển giáo dục của Đảng và Nhà nước luôn là công cụ giúp định hướng cho mọi hoạt động của CBQL tại các cơ sở giáo dục. Vì vậy, phương hướng quản lý phải tôn trọng và tuân thủ luật pháp, đường lối, chính sách hiện hành của Nhà nước.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác GDHN, nhiều Văn kiện, Nghị quyết của Đảng về giáo dục đã nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của GDHN, phân luồng HS các cấp, góp phần thiết thực vào việc thực hiện giáo dục toàn diện, chuẩn bị nguồn lực cho sự nghiệp đổi mới, CNH-HĐH đất nước. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng cộng sản Việt Nam đã nhấn mạnh: “... Coi trọng công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học, chuẩn bị cho thanh thiếu niên đi vào lao động nghề nghiệp phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của cả nước và từng địa phương ...”. [21,109].
Ngày 19/3/1981, Chính phủ có quyết định số 126/CP về công tác hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông và sử dụng hợp lý HS các cấp phổ thông cơ sở và phổ thông trung học tốt nghiệp ra trường. Quyết định 126/CP đã qui định mục đích, nhiệm vụ của công tác hướng nghiệp, ... và giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương phối hợp với ngành giáo dục thực hiện.
Luật giáo dục 2005, điều 27 nói về mục tiêu của giáo dục phổ thông có ghi: “giáo dục THPT nhằm giúp học sinh có những hiểu biết thông thường về kĩ thuật và hướng nghiệp, có điều kiện phát huy năng lực cá nhân để lựa chọn hướng phát triển”. Điều 28: “Nội dung giáo dục phổ thông phải đảm bảo tính phô thông, cơ bản, toàn diện, hướng nghiệp và có hệ thống”. Như vậy, Luật giáo dục đã chỉ rõ bên cạnh học vấn THPT, mục tiêu của bậc học này yêu cầu HS có hiểu biết ban đầu về kĩ thuật và hướng nghiệp, đó là những yêu cầu có tính chất pháp lý bắt buộc đối với mỗi HS.
Thông tư 31/TT ngày 17/8/1981 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện Quyết định 126/CP với những nội dung:
- Vị trí và nhiệm vụ của công tác hướng nghiệp;
- Tổ chức thực hiện trong ngành giáo dục.
Chỉ thị 33/2003/CT-BGD&ĐT về tăng cường GDHN cho HS phổ thông. Chỉ thị quy định 6 nội dung cần triển khai:
- Xác định nhận thức về GDHN;
- Quán triệt yêu cầu GDHN trong quá trình xây dựng, hoàn thiện chương trình, biên soạn sách giáo khoa, sách giáo viên và trong giảng dạy các môn học;
- Triển khai hoạt động GDHN, tư vấn hướng nghiệp; - Nâng cao chất lượng dạy nghề phổ thông;
- Xây dựng các Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp; - Xã hội hoá GDHN.
Quyết định số 16/2006/QĐ-BGD&ĐT ngày 05/6/2006 về việc ban hành chương trình giáo dục phổ thông. Bộ chương trình giáo dục phổ thông gồm chương trình chuẩn của 23 môn học và hoạt động giáo dục từ tiểu học, THCS, THPT. Trong bộ chương trình chuẩn này có chương trình chuẩn hoạt động GDHN, hoạt động dạy nghề phổ thông.