Những nghiên cứu về sâu hại ngô ở Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thành phần sâu hại và thiên địch trên ngô; đặc điểm sinh vật học, sinh thái học loài mythimna loreyi duponchel (lepidoptera noctuidae) năm 2016 2017 tại sóc sơn, hà nội (Trang 26 - 28)

PHẦN 2 TỔNG QUAN TÀI LIỆU

2.3.2.Những nghiên cứu về sâu hại ngô ở Việt Nam

2.3. Những nghiên cứu trong nước

2.3.2.Những nghiên cứu về sâu hại ngô ở Việt Nam

Việc điều tra thành phần sâu hại ngô ở nước ta được tiến hành trong những năm 60 của thế kỷ 20 được tiến hành một cách có quy mô, bài bản tại cả phía Nam và phía Bắc, đáng kể là đợt điều tra trong 2 năm 1967 - 1968 và 1972 - 1978 ghi nhận ở miền Bắc có 53 loài sâu hại (dẫn theo Phạm Văn Lầm, 2002a; Viện bảo vệ thưc vật, 1997). Ở miền Nam năm 1977 - 1978 ghi nhận được 78 loài côn trùng phá hại trên cây ngô. Trong đó cũng đã xác định được thành phần gây hại chủ yếu và thứ yếu. Các loài sâu hại chính chủ yếu như: Sâu xám (Agris ipsilon), sâu cắn lá ngô (Mythimna separata và M.loreyi), sâu đục thân ngô (Ostrinia furnacalis), sâu đục bắp (Helicoverpa armigera) và rệp ngô (Rhopalosiphum maydis) (Viện bảo vệ thục vật, 1999). Đây là những dẫn liệu quan trọng về thành phần, phân bố, mức độ gây hại của côn trùng trên ngô.

Hiện nay có khoảng hơn 100 loài côn trùng phá hoại trên cây ngô. Căn cứ vào tính chất và mức độ phổ biến có thể chia sâu hại ngô thành 3 nhóm khác nhau. Đặc tính phá hại của sâu hại ngô cũng rất khác nhau. Có loài phá hại trên nhiều bộ phận của cây như sâu đục thân ngô có thể phá hại ở nõn, đục vào thân, ăn hoa đực, ăn hạt, đục vào bắp; sâu cắn lá nõn có thể ăn lá ngô, hoa đực, hạt non, râu ngô. Có loài chuyên phá hại trên các bộ phận sinh sản của cây như sâu xanh chỉ đục hoa đực, râu ngô và hạt ngô. Một số loài khác chỉ ăn hại trên một bộ phận của cây như sâu róm chỉ ăn lá ngô, mọt thóc chỉ phá hại trên hạt ngô.

Ở các tỉnh phía Bắc sâu phá hại chủ yếu vào vụ xuân hè và vụ thu vào các tháng có nhiệt độ cao (từ tháng 5 tới tháng 9). Tỷ lệ hại có khi lên đến 70 - 100%. Năng suất giảm tới 20 - 30% hoặc có thể nhiều hơn. Ở vụ đông, tỷ lệ cây bị hại thường 10 - 40%, năng suất giảm 5 - 10% (Bộ môn côn trùng, 2004).

Về thiên địch, những điều tra thành phần thiên địch trên các cây trồng ở nước ta được tiến hành từ đầu thập nhiên 1970. Trong vùng trồng ngô ở Hà Nội đã phát hiện một số ong ký sinh và 10 loài côn trùng bắt mồi ăn thịt. Trên đồng ngô ở ngoại thành Hà Nội, Lâm Đồng đã ghi nhận được 16 và 13 loài thiên địch (tương ứng). Đến năm 1996, đã phát hiện được 72 loài thiên địch trên đồng ngô ở nhiều vùng trong cả nước (Phạm Văn Lầm, 1996).

Năm 1996, số lượng loài thiên địch trên đồng ruộng ngô đã phát hiện tới 72 loài thuộc 36 họ của lớp côn trùng, nhện lớn, nấm và virus (Phạm Văn Lầm, 1996). Đến nay, số lượng loài thiên địch đã thu được trên cây ngô có 172 loài (Phạm Văn Lầm, 1995).

Nguyễn Đức Khiêm (2006), đã xác định thành phần sâu hại ngô thu thập được 35 loài. Trong đó một số loài xuất hiện và gây hại thường xuyên như sâu đục thân, sâu xám, sâu xanh đục bắp, sâu cắn lá ngô, rệp ngô. Nhiều loài khác xuất hiện tương đối phổ biến, nhưng mức độ gây hại thấp. Song cũng có thời điểm nổi lên như một loài gây hại chính, chẳng hạn như loài sâu róm chỉ đỏ

(Porthesia scintillan).

Nguyễn Văn Viên và cs. (2008), đã xác định thành phần sâu hại ngô trên nương ở xã Chiềng Pằn khá phong phú và đa dạng về bộ, họ, loài với 14 loài thuộc bộ cánh vảy (gồm sâu xám, sâu xanh, sân cắn nõn ngô thuộc họ Noctuidae, sâu đục thân ngô thuộc họ Pyralidae); 2 loài thuộc bộ cánh thẳng ( gồm châu chấu thuộc họ Acrididae, dế thuộc họ Gryllidae); 2 loài thuộc bộ cánh cứng (gồm câu cấu xanh, mọt ngô thuộc họ Curculionidae); 3 loài thuộc bộ cánh đều (gồm rầy lưng trắng thuộc họ Delphacidae, rầy xanh đuôi đen thuộc họ Cicadellidae, rệp cờ thuộc họ Aphididae); 2 loài thuộc bộ cánh nửa (gồm bọ xít xanh thuộc họ Pentatomidae, bọ xít dài thuộc họ Coreidae); 1 loài thuộc bộ cánh tơ (bọ trĩ thuộc họ Thripidae).

Đặng Xuân Hưng (2010), điều tra tại 3 xã huyện Gia Lâm trên ngô tại hai vụ liên tiếp (vụ đông 2009 và hè thu 2010) thu được 18 loài sâu hại thuộc 5 bộ, trong đó có bộ cánh vảy có số lượng nhiều nhất chiếm 38,9% tổng số loài sâu hại thu được và ít nhất là loài sâu hại thuộc bộ cánh cứng (1 loài chiếm 5,6%). Thiên địch có 18 loài thuộc 13 họ và 7 bộ, trong đó có bộ cánh cứng có số lượng chiếm nhiều nhất chiếm 38,89% và bộ cánh da, bộ chuồn chuồn, bộ bọ ngựa đều có số lượng 1 loài chiếm 5,56%.

Lưu Thị Hồng Hạnh (2012), cho biết trong vụ ngô xuân - hè ở Hà Nội ghi nhận được 23 loài sâu gây hại. Trong đó, có 5 loài có tần suất bắt gặp thường xuyên gây hại đáng chú ý là sâu xám (Agrotis ypslon); sâu đục thân ngô (Ostrinia furnacalis); sâu cắn nõn lá (Mythimna separata); sâu xanh (Helicoverpa armigera); bọ trĩ (Stenchaetothrips biformis).

Nguyễn Tiến Sơn (2015), thành phần sâu hại ngô trong vụ đông năm 2014 và vụ xuân năm 2015 tại Vụ Bản, Nam Định thu thập được 17 loài thuộc 5 bộ, 10

họ côn trùng. Trong đó có 2 bộ gồm bộ Lepidoptera và bộ Orthoptera có số lượng loài nhiều nhất. Sâu cắn lá ngô Mythimna loreyi (Dup.), bọ xít xanh

Nezara viridula (Linn.), rệp ngô Rhopalosiphum maidis (Fit.) và sâu khoang

Spodoptera litura (Fab.) là các loài xuất hiện phổ biến nhất. Thành phần thiên địch của sâu hại trên cây ngô, bộ cánh cứng là có số lượng loài nhiều nhất, đây là các loài thiên địch chủ yếu ăn rệp. Còn những loài thiên địch khác nhau như chuồn chuồn kim, bọ ngựa, hay các loại bọ xít bắt mồi cũng có xuất hiện nhưng ít hơn. Bọ rùa 8 chấm Harmonia octomaculata (Fab.) và ong kén trắng Cotesia

sp. là các loài xuất hiện phổ biến hơn cả.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thành phần sâu hại và thiên địch trên ngô; đặc điểm sinh vật học, sinh thái học loài mythimna loreyi duponchel (lepidoptera noctuidae) năm 2016 2017 tại sóc sơn, hà nội (Trang 26 - 28)