Tình hình nghiên cứu ứng dụng GIS trên thế giới và ở Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ứng dụng phương pháp nội suy không gian xây dựng bản đồ ngập lụt do lũ trên địa bàn huyện đức thọ, tỉnh hà tĩnh (Trang 32 - 35)

2.2.5.1. Trên thế giới

Theo giáo sư khoa địa lý trường Đại học tổng hợp quốc gia Lomonosov của nước Nga, Berliant A.M, chuyên gia hàng đầu thế giới về Hệ thống thông tin địa lý, GIS phát triển như một sự nối tiếp phương pháp tiếp cận tổng hợp và hệ thống trong một môi trường thông tin địa lý. Hệ thống thông tin địa lý đã trở thành một khâu đột phá trong bài toán hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường. Các công nghệ hiện đại cho phép giải quyết một cách có hiệu quả bài toán thu nhận, truyền, phân tích, trực giác hóa các dữ liệu gắn kết không gian, thiết lập các dữ liệu bản đồ. Hầu hết trên thế giới đã áp dụng công nghệ GIS để sử dụng vào công tác điều tra, khai thác, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường ở nhiều mức độ khác nhau nhằm phục vụ phát triển kinh tế; văn hóa; xã hội cũng như an ninh quốc phòng.

Viện Địa lý “Agusstin Codazzi” (IGAC) của Colombia đã dùng công nghệ GIS để hiển thị và kiểm soát hiện trạng sử dụng đất hiện nay và trong tương lai của thành phố Ibague.

Công ty quản lý chất thải và năng lượng hạt nhân Thụy Điển và Nespak Pakistan phối hợp sử dụng GIS hỗ trợ quản lý lưu vực sông Torrent ở Pakistan. GIS được sử dụng để mô hình hóa sự cân bằng nước, quá trình xói mòn và kiểm soát lũ cho khu vực.

Viện phát triển tài nguyên đất Bangladesh đã ứng dụng GIS trong quản lý, phân tích thông tin tài nguyên đất từ năm 1994. Hiện nay Viện đã sản xuất được 44 loại bản đồ khác nhau liên quan đến tình trạng dinh dưỡng đất, sử dụng phân bón, nhiễm mặn, sử dụng đất.

Tại Bắc Mỹ: Mỹ là một trong những nước đi đầu về công nghệ GIS, hệ thống dữ liệu quốc gia được xây dựng rất hoàn chỉnh dựa trên hệ thống tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. GIS đã được phát triển ở khắp các lĩnh vực liên quan đến không gian lãnh thổ như: môi trường (lâm nghiệp, hải dương học, địa chất học, khí tượng thuỷ văn,…); hành chính - xã hội (nhân khẩu học, quản lý rủi ro, an ninh,…); kinh tế (nông nghiệp, khoáng sản, dầu mỏ, kinh doanh thương mại, bất động sản, giao thông vận tải, bưu điện,…); đa ngành liên ngành (trắc địa, quản lý đất đai, quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, thuế bất động sản…). Đã có nhiều phần mềm GIS của Mỹ được lập và sử dụng tại nhiều nước trên Thế giới như: ESRI, Integraph, MapInfo, Autodesk; phần mềm GIS của Mỹ chiếm thị phần lớn nhất trên thế giới.

Tại Pháp, các lĩnh vực ứng dụng công nghệ GIS như: Dịch vụ công (quy hoạch lãnh thổ quốc gia, địa chính, lãnh thổ địa phương, dân số học, hạ tầng xã hội, giáo dục, quốc phòng,…), tiếp vận (hàng không, tối ưu hóa hành trình tuyến đường…); môi trường/tài nguyên (nông nghiệp, địa chất, quản lý đất đai,…); bất động sản (kiến trúc, xây dựng, quản lý di sản…); hạ tầng kỹ thuật (cấp thoát nước, cấp điện, quản lý mạng lưới, gas, thông tin liên lạc…); thị trường (bảo hiểm, ngân hàng, thương mại…); xã hội, tiêu dùng (xuất bản, y tế, du lịch).Trong quy hoạch phát triển đô thị, GIS được áp dụng thành công trong quy hoạch lãnh thổ quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch đô thị do có nền tảng dữ liệu quốc gia phong phú, nền chuẩn quốc gia – địa hình, địa chính, bản đồ không ảnh, số liệu thống kê và nhiều chuyên ngành khác.

Tại Hàn Quốc, GIS đã được áp dụng vào hầu hết mọi lĩnh vực trên cả nước. Hàn Quốc đã triển khai xây dựng hệ thống GIS quốc gia nhằm tập trung vào các mục tiêu: xây dựng nền tảng cơ sở (bản đồ địa hình toàn quốc, địa chính, dữ liệu phi không gian…); xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian (khung dữ liệu quốc gia, ngân hàng dữ liệu, phát triển công nghệ GIS, xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, đào tạo chuyển giao công nghệ…); xây dựng hệ thống ứng dụng đa ngành (hệ thống quản lý thông tin đất đai, hệ thống quản lý thông tin quy hoạch, hệ thống quản lý

thông tin kiến trúc…); đang phát triển hệ thống nâng cao (thành phố thông minh- U-city, tối ưu hóa ứng dụng nâng cao, hệ thống hỗ trợ quyết sách quy hoạch…).

2.2.5.2. Ở Việt Nam

Hệ thống thông tin địa lý đã và đang được công nhận là một hệ thống với nhiều lợi ích, công nghệ GIS được thí điểm khá sớm, áp dụng rộng rãi trong các cơ quan nghiên cứu, đến nay được ứng dụng trong nhiều ngành như quy hoạch nông lâm nghiệp, quản lý rừng, lưu giữ tư liệu địa chất, đo đạc bản đồ, địa chính, quản lý đô thị, phân tích hiện trạng và dự báo xu hướng diễn biến môi trường… đã mang lại hiệu quả bước đầu cho kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng nước ta, và đang có nhiều triển vọng phát triển nhanh trong thời gian tới nhờ tính trực quan của GIS và sự hỗ trợ về tốc độ xử lý của máy tính và công nghệ lưu trữ cơ sở dữ liệu bằng điện toán đám mây.

Lê Văn Thăng cùng cộng sự đã thành công trong việc xây dựng cơ sỡ dữ liệu GIS về hệ thống thu gom chất thải tại thành phố Huế. Việc ứng dụng GIS sắp xếp lại hệ thống thu gom chất thải tại tiểu khu quy hoạch Nam Vỹ Dạ, thành phố Huế, nơi có 71% thùng rác quá tải; 10% chứa ít rác; 53% đặt không hợp lý và hư hỏng 47%, cho thấy cần thêm 18 thùng rác mới; điều chỉnh 10 vị trí; giữ nguyên 17 thùng; qua đó giải quyết được vấn nạn đổ rác ra bên ngoài thùng rác.

Ứng dụng công nghệ GIS sắp xếp lại hệ thống thu gom chất thải cho cả khu vực Nam sông Hương, thành phố Huế nơi có 239 thùng rác với tỷ lệ 6 thùng rác/km2, 666 người/thùng rác, đã khắc phục được bất cập trong thu gom chất thải ở khu vực có thùng rác quá tải, rác đổ ra vỉa hè, lòng đường, bờ sông…

Năm 2013, Viện Môi trường và Tài nguyên, Trường Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì thực hiện, Nguyễn Hồng Quân làm chủ nhiệm đề tài: “Một số phương pháp xây dựng bản đồ ngập lũ tỉnh Long An trong điều kiện biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng”.

Năm 2014, Khoa Địa lý – Địa chính, trường Đại học Quy Nhơn phối hợp với phòng thí nghiệm thực hành CEDETE EA 1210 – Trường Đại học Orléans – Pháp thực hiện, Ngô Anh Tú cùng các cộng sự thực hiện đề tài: “Ứng dụng công nghệ 3D GIS xây dựng bản đồ ngập lụt phục vụ lập kế hoạch ứng phó rủi ro do lũ lụt ở hạ lưu sông Hà Thanh, tỉnh Bình Định”.

Năm 2014, nhóm tác giả Nguyễn Phúc Khoa, Lê Ngọc Phương Quý, trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế đã thực hiện đề tài: “Ứng dụng GIS xây dựng

bản đồ dự báo ngập lụt và hạn hán do biến đổi khí hậu tại xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình”.

Trong dự án phòng chống những thiệt hại về nhà ở do bão gây ra ở miền trung Việt Nam – DW, nhóm tác giả Châu Mạnh Quỳnh, guillaume Chanty, Nguyễn Quang Tuấn thực hiện đề tài: “ Ứng dụng GIS để xây dựng bộ công cụ cảnh báo nguy cơ ngập lụt dựa vào cộng đồng xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Năm 2014, tác giả Nguyễn Anh Tài, Khoa Xây dựng – Trường Đại học Kiến trúc Tp. Hồ Chí Minh thực hiện đề tài: “Khả năng phân tích GIS trong thành lập bản đồ cảnh báo ngập lụt tại TP Hồ Chí Minh”.

Năm 2014, nhóm tác giả Đinh Thị Bảo Hoa, Đặng Kinh Bắc, Nguyễn Thị Thu Trang – Đại học Quốc gia Hà Nội, thực hiện đề tài: “ Nghiên cứu bề mặt không thấm và mối quan hệ với nguy cơ ngập lụt ở Hà Nội bằng Viễn thám và GIS”.

Tuy vậy bên cạnh các kết quả, việc triển khai ứng dụng GIS vẫn còn nhiều hạn chế như vai trò lãnh đạo các ngành, địa phương chưa thực sự tiên phong, đi đầu, dữ liệu GIS ở nhiều nơi còn phân tán, cát cứ, thiếu đồng bộ khiến việc thu thập, tổng hợp, cập nhật gặp khó khăn, công nghệ và nhân lực còn hạn chế dẫn đến một số ngành vẫn gặp trở ngại khi ứng dụng trên hệ thống.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ứng dụng phương pháp nội suy không gian xây dựng bản đồ ngập lụt do lũ trên địa bàn huyện đức thọ, tỉnh hà tĩnh (Trang 32 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)