Phần 2 Tổng quan tài liệu
2.2. Bệnh phân trắng lợn con (Colibacillosis)
2.2.5. Phòng và trị bệnh
* Phòng bệnh
Bệnh tiêu chảy là một hội chứng gây ra bởi nhiều nguyên nhân kết hợp với nhau, làm mất cân bằng hệ vi sinh vật trong đường tiêu hoá. Do vậy, việc phòng bệnh cũng như trị bệnh phải kết hợp nhiều biện pháp khác nhau.
-Phòng bệnh bằng vệ sinh và chăm sóc tốt.
Thực hiện tốt khâu vệ sinh chuồng trại, các thiết bị, dụng cụ ở chuồng nuôi lợn đẻ nhằm hạn chế E.coli gây bệnh, đảm bảo độ thông thoáng hợp lý để duy trì nhiệt độ, độ ẩm thích hợp cho lợn ở từng giai đoạn, ấm về mùa đông, thoáng mát vào mùa hè, vệ sinh sạch sẽ. Nếu phát hiện lợn con bị tiêu chảy do E.coli thì cần nhanh chóng điều trị bằng thuốc.
Theo Sử An Ninh (1995), cần hạn chế dùng nước tắm rửa cho lợn ở giai đoạn lợn con theo mẹ cũng như cai sữa, ẩm độ thích hợp cho lợn con được khuyến cáo là 70- 85%.
Theo Đào Trọng Đạt và cs. (1996), để phòng bệnh tốt, cần phải đảm bảo nuôi dưỡng, chăm sóc tốt. Để có đàn lợn khoẻ mạnh phải nuôi dưỡng và chăm sóc tốt lợn nái giống khi mới chửa, phải đảm bảo các nhu cầu về dinh dưỡng, về các loại vitamin, các nguyên tố đa, vi lượng.
Theo Phạm Khắc Hiếu và cs. (1998), lợn con sau khi đẻ ra cần được sưởi ấm ở nhiệt độ 34oC trong tuần lễ đầu tiên sau đó giảm dần xuống nhưng không được thấp hơn 30oC. Như vậy lợn sẽ tránh được stress lạnh ẩm.
Theo Lê Văn Tạo (2006), vi khuẩn E.coli gây bệnh ở lợn là vi khuẩn tồn tại trong môi sinh, đường tiêu hoá của vật chủ. Khi môi sinh quá ô nhiễm do vệ sinh chuồng trại kém, nước uống thức ăn bị nhiễm vi khuẩn, điều kiện ngoại cảnh thay đổi, lợn giảm sức đề kháng dễ bị cảm nhiễm E.coli, bệnh sẽ nổ ra vì vậy mà khâu vệ sinh, chăm sóc có một ý nghĩa to lớn trong phòng bệnh.
Thiết kế chuồng đẻ về kích thước, độ cao nền chuồng, bề mặt nền chuồng... cũng rất quan trọng vì nó ảnh hưởng đến tỷ lệ lợn con bị phân trắng.
- Phòng bệnh bằng bổ sung sắt
Ở lợn con, việc thiếu sắt dẫn đến thiếu máu, làm giảm sức đề kháng của lợn cũng là nguyên nhân gây bệnh phân trắng lợn con.
Theo Phạm Sỹ Lăng (2000), phòng bệnh bằng cách bổ sung sắt có thể dùng dextran sắt hay polysacharit sắt tiêm với liều 1ml/con sau khi sinh 3 - 5 ngày; sau đó tiêm lần thứ hai cũng 1ml/con sau tiêm lần thứ nhất 15 ngày.
- Phòng bệnh bằng vaccin
Nguyễn Thị Nội và cs. (1986) đã chế tạo vacxin từ các chủng E.coli gây bệnh phân trắng ở lợn con phân lập ở địa phương, thuộc các serotyp O143, O147, O141, O149, O129, O138, O127, O115, O8,… Vacxin chế dạng vô hoạt dùng tiêm cho lợn mẹ từ 1 – 2 lần trước khi lợn đẻ. Lợn mẹ được miễn dịch sẽ truyền miễn dịch cho lợn con qua sữa, nhất là sữa đầu. Lợn con có khả năng chống đỡ với các chủng E.coli gây bệnh. Hiệu quả phòng bệnh là 60%.
Hiện nay trên thị trường Việt Nam, ngoài vaccin trong nước sản xuất đang lưu hành các loại vacxin do nước ngoài sản xuất như: Neocolipor của hãng Nissan chemical Indutries, vaccin litler Guard Lt – C của hãng Embrex INC sản xuất phòng tiêu chảy phòng bệnh tiêu chảy do E.coli và Rotavirus suis ở lợn, Porcilicoli của hãng Intervet.
* Điều trị bệnh
Điều trị bằng kháng sinh, hoá dược
Để có hiệu quả điều trị cao, điều quan trọng nhất đó là phải xác định được vai trò của vi khuẩn gây bệnh và sự mẫn cảm của chúng đối với kháng sinh và hoá dược sẽ dùng trong điều trị. Trong thực tế, nên sử dụng loại kháng sinh phổ rộng ngay từ lúc đầu trong khi chờ kết quả của kháng sinh đồ.
Nguyễn Ngọc Tuân và cs. (1999) sử dụng phương pháp bổ sung kháng sinh Colistin, Oxytetracylin với liều 50ppm và 100ppm vào thức ăn cho lợn nái chửa 7 ngày trước khi đẻ và sau đẻ 14 ngày, đã làm giảm tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy ở lợn con khi sinh ra.
Dùng kháng sinh cầm ỉa chảy như: Sulfathiazon 10% tiêm dưới da, Streptomycin uống, Kanamycin tiêm bắp, Neomycin cho uống, Norfloxacin, Enrofloxacin… (Phạm Ngọc Thạch, 2006).
ở lợn giai đoạn 1- 21 ngày tuổi cho kết quả cao từ 85,16%. Kết hợp thuốc kháng sinh này với chế phẩm sinh học Microcin để điều trị cho tỷ lệ khỏi cao tới 93,33%.
Điều trị bằng Đông dược
Đây là hướng mà hiện nay chúng ta quan tâm vì các kháng sinh có nguồn gốc thảo mộc thường không hoặc rất khó gây hiện tượng kháng kháng sinh.
Có thể sử dụng thuốc nam để điều trị bệnh phân trắng lợn con. Một số bài thuốc như sau có thể sử dụng: Cỏ nhọ nồi, lá bạc than, rễ cỏ xước khô, hoàng đằng, cỏ sữa lá lớn...sắc cho uống (Lê Thị Tài và cs., 2002).
Theo Bùi Thị Tho và Nguyễn Thị Thanh Hà (2009), đã nghiên cứu và bào chế thử nghiệm cao mật bò để phòng bệnh PTLC và cho kết quả khá khả quan.
Bùi Thị Tho và và Nguyễn Thị Thanh Hà (2009) cũng cho biết trong dân gian có một số loại thuốc trị tiêu chảy cho lợn có hiệu quả đó là:
Lá cây sài đất (200g) + lá ổi (100g), cho vào 1 lít nước, sắc lấy 300 ml, cho lợn uống ngày 2 lần.
Búp ổi, lá bạc thau, cây sò nước, lá bách bệnh (Hoàng Ngọc), lá mơ. Chọn 1 trong những thứ trên lấy 1 – 3 nắm (150 – 200g) cho lợn ăn sống hay giã cho uống nước.
Một nắm búp ổi (50 – 60 g), sao vàng hạ thổ, sắc cho lợn uống 2 lần/ngày, mỗi lần dùng từ nửa bát đến 1 bát.
Điều trị bằng chế phẩm sinh học
Các chế phẩm sinh học không chỉ dùng phòng bệnh mà còn được sử dụng để điều trị bệnh cho hiệu quả tốt.
Nguyễn Thị Hồng Lan (2007) cho biết sử dụng chế phẩm E.M1 30% điều trị bệnh tiêu chảy ở lợn cho hiệu quả điều trị bệnh tương đương với kháng sinh.
Điều trị triệu chứng
Lợn con bị tiêu chảy nặng thường dẫn đến tình trạng mất nước và có biểu hiện rối loạn nghiêm trọng các chất điện giải. Do đó kết hợp với điều trị bằng thuốc cần phải kịp thời chống mất nước và chất điện giải cho lợn con, đồng thời nên trợ tim cho lợn con bằng Cafein 20%, bổ sung đường glucose, tăng cường các vitamin đặc biệt là các vitamin nhóm B.
Khôi phục và ổn định trạmg thái cân bằng của hệ vi sinh vật đường ruột sẽ có ảnh hưởng tốt đến hiệu quả điều trị. Đỗ Trung Cứ và cs. (2000) sử dụng chế
phẩm Biosubtyl để điều trị tiêu chảy cho lợn con trước và sau cai sữa cho tỷ lệ lợn con mắc tiêu chảy giảm, khả năng tăng trọng tốt. Tạ Thị Vịnh và cs. (2004) cho biết, khi sử dụng chế phẩm VITOM 1 và VITOM 3 để phòng và trị tiêu chảy cho lợn con từ sơ sinh đến 3 tuần tuổi cho kết quả tốt, ngoài tác dụng điều trị, chế phẩm còn góp phần kích thích tăng trọng lợn.