Ảnh hưởng của yếu tố lứa đẻ đến tỷ lệ bò sữa mắc bệnh viêm tử cung

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) một số yếu tố ảnh hưởng đến bệnh viêm tử cung sau đẻ trên đàn bò sữa nuôi tại một số địa phương khu vực đồng bằng sông hồng và thực nghiệm điều trị (Trang 48 - 50)

Phần 4 Kết quả và thảo luận

4.1. Kết quả đánh giá thực trạng bệnh viêm tử cung

4.1.3. Ảnh hưởng của yếu tố lứa đẻ đến tỷ lệ bò sữa mắc bệnh viêm tử cung

Với số lượng bò sữa sinh sản được khảo sát 1061 con ở một số địa phương đồng bằng sông Hồng được thống kê theo lứa đẻ để đánh giá ảnh hưởng của yếu tố lứa đẻ đến tỷ lệ mắc bệnh viêm tử cung trên đàn bò sữa, kết quả thu được trình bày ở bảng 4.3 và thể hiện trên hình 4.5:

Bảng 4.3. Tỷ lệ bò sữa mắc bệnh viêm tử cung qua các lứa đẻ

Lứa đẻ Số bò khảo sát (con) Số bò mắc bệnh (con) Tỷ lệ (%) 1 183 48 26,22 2 171 38 22,22 3 168 32 19,04 4 179 37 20,67 5 173 44 25,43 ≥ 6 187 53 28,34 Tổng 1061 252 23,75

Hình 4.5. Tỷ lệ bò sữa mắc bệnh viêm tử cung qua các lứa đẻ

Kết quả bảng 4.3 và hình 4.5 chúng tôi có nhận xét sau:

Tỷ lệ mắc bệnh viêm tử cung của đàn bò sữa thường tập trung vào những bò đẻ lứa đầu chiếm tới 26,22% và những bò đã đẻ nhiều lứa như lứa thứ 5 chiếm 25,43% và trên lứa thứ 6 chiếm 28,34%. Theo chúng tôi sở dĩ ở những lứa đầu tỷ lệ mắc bệnh viêm tử cung cao là do trong lần sinh đẻ đầu tiên các bộ phận của cở quan sinh dục giãn nở chưa hoàn toàn, thường dẫn đến hiện tượng đẻ khó và phải dùng biện pháp can thiệp bằng tay hay dụng cụ để kéo thai ra ngoài từ đó làm trầy sước niêm mạc đường sinh dục tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn từ ngoài xâm nhập vào qua những vết thương trên niêm mạc tử cung gây viêm.

Nhận xét của chúng tôi phù hợp với kết quả của Đặng Đình Tín (1985); Nguyễn Hữu Ninh và Bạch Đăng Phong (1994); Fishwick (1997); Nguyễn Văn Thanh và cs. (2016a).

Theo các tác giả này nguyên nhân dẫn đến hiện tượng viêm tử cung thường là do niêm mạc âm đạo, tử cung bị xây xát trong các trường hợp can thiệp đẻ khó bằng tay hay dụng cụ sản khoa.

Những lứa đẻ tiếp sau tỷ lệ viêm giảm dần, nhưng đến lứa đẻ lần thứ 5 trở về sau tỷ lệ viêm tử cung lại tiếp tục tăng lên. Thời điểm này do bò sữa đã đẻ nhiều lứa, trương lực của tử cung giảm dẫn tới sự co bóp của tử cung giảm không đủ cường độ để đẩy hết các sản phẩm trung gian sau khi đẻ ra ngoài, sự hồi phục của tử cung chậm, cổ tử cung đóng muộn tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây viêm.

Trong một nghiên cứu ở Argentina, Giuliodori et al. (2013) cho biết bò đẻ ở lứa sau có xu hướng mắc viêm tử cung thấp hơn so với lứa đẻ đầu (tỉ suất chênh =0,65, khoảng tin cậy 95%=0,37-1,25, P=0,08). Tuy nhiên, Gröhn et al. (1990) khi nghiên cứu trên 61.124 bò ở Phần Lan thấy rằng không có mối liên hệ nào giữa lứa đẻ và tỉ lệ mắc bệnh viêm tử cung.

Hình 4.6. Bò đẻ lứa đầu bị viêm tử cung

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) một số yếu tố ảnh hưởng đến bệnh viêm tử cung sau đẻ trên đàn bò sữa nuôi tại một số địa phương khu vực đồng bằng sông hồng và thực nghiệm điều trị (Trang 48 - 50)