Tình hình quy hoạch và thực hiện quy hoạch sử dụng đất trên thế giới

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tình hình thực hiện phương án quy hoạch sử dụng đất đến 2020 thị xã cửa lò, tỉnh nghệ an (Trang 32 - 33)

Quy hoạch sử dụng đất luôn có vị trí quan trọng trong thực hiện công tác quản lý đất đai của mỗi quốc gia và được tiến hành từ nhiều năm trước đây. Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào điều kiện của mỗi nước mà phương pháp và quan điểm quy hoạch sử dụng đất có đặc thù khác nhau và quá trình thực hiện cũng vậy.

Ở các quốc gia phát triển như Đức, Mỹ quy hoạch sử dụng đất luôn gắn liền với việc giải quyết các yêu cầu về môi trường, đảm bảo sử dụng đất hiệu quả bền vững. Vì vậy, quy hoạch sử dụng đất tại các nước này có tính khả thi cao. Những nguyên tắc về sử dụng đất được thông qua ở thành phố NewYork từ năm 1916 đến những năm 30 và hầu hết các Bang của nước Mỹ tuân thủ theo nguyên tắc này. Đến những năm 70, các Bang này gặp phải một số vấn đề về môi trường và sự bảo tồn các di tích lịch sử nên đòi hỏi phải có những nguyên tắc và tầm nhìn xa hơn. Từ đòi hỏi trên, Luật đất đai mới của Mỹ đã hình thành hệ thống quy hoạch sử dụng đất mới (Viện Điều tra quy hoạch, 2000).

Ở Đức, điển hình là thành phố Berlin, hệ thống quy hoạch sử dụng đất đã được xây dựng từ rất sớm. Chỉ vài năm sau khi có sự thống nhất toàn vẹn lãnh thổ đất nước, năm 1994, hệ thống quy hoạch sử dụng đất được xây dựng với bản đồ tỉ lệ 1:50.000. Sau đó, việc điều chỉnh và cập nhật những biến động đất đai cho phù hợp với sự thay đổi của nền kinh tế, xã hội và mục tiêu của Chính phủ được tiến hành thường xuyên. Do đó, hệ thống quy hoạch sử dụng đất ở thành phố Berlin nói riêng, của Đức nói chung có hiệu quả cao, đảm bảo sử dụng đất

hiệu quả, tiết kiệm và bền vững, tạo đà cho sự phát triển nền kinh tế (Nguyễn Trung Quyết, 2012).

Ở Pháp, quy hoạch sử dụng đất được xây dựng theo hình thức mô hình hoá nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao trong việc sử dụng tài nguyên, môi trường và lao động, áp dụng bài toán quy hoạch tuyến tính có cấu trúc sản xuất hợp lý, thúc đẩy nền kinh tế phát triển (Lê Quang Trí, 2010).

Nhìn chung, hệ thống pháp luật đất đai ở các nước phát triển tương đối hoàn thiện nên công tác xây dựng và thực hiện quy hoạch sử dụng đất được triển khai tốt, sử dụng đảm bảo hiệu quả 3 mặt: kinh tế, xã hội và môi trường. Ở các nước kém phát triển, do thiếu kinh phí, thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn, nên hệ thống Luật đất đai không đồng bộ, hệ thống quy hoạch sử dụng đất có hiệu quả không cao, ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tình hình thực hiện phương án quy hoạch sử dụng đất đến 2020 thị xã cửa lò, tỉnh nghệ an (Trang 32 - 33)