TÌNH HÌNH QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT TRONG VÀ NGOÀ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tình hình thực hiện phương án quy hoạch sử dụng đất đến 2020 thị xã cửa lò, tỉnh nghệ an (Trang 32 - 37)

PHẦN 2 TỔNG QUAN TÀI LIỆU

2.3. TÌNH HÌNH QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT TRONG VÀ NGOÀ

NƯỚC

2.3.1. Tình hình quy hoạch và thực hiện quy hoạch sử dụng đất trên thế giới

Quy hoạch sử dụng đất luôn có vị trí quan trọng trong thực hiện công tác quản lý đất đai của mỗi quốc gia và được tiến hành từ nhiều năm trước đây. Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào điều kiện của mỗi nước mà phương pháp và quan điểm quy hoạch sử dụng đất có đặc thù khác nhau và quá trình thực hiện cũng vậy.

Ở các quốc gia phát triển như Đức, Mỹ quy hoạch sử dụng đất luôn gắn liền với việc giải quyết các yêu cầu về môi trường, đảm bảo sử dụng đất hiệu quả bền vững. Vì vậy, quy hoạch sử dụng đất tại các nước này có tính khả thi cao. Những nguyên tắc về sử dụng đất được thông qua ở thành phố NewYork từ năm 1916 đến những năm 30 và hầu hết các Bang của nước Mỹ tuân thủ theo nguyên tắc này. Đến những năm 70, các Bang này gặp phải một số vấn đề về môi trường và sự bảo tồn các di tích lịch sử nên đòi hỏi phải có những nguyên tắc và tầm nhìn xa hơn. Từ đòi hỏi trên, Luật đất đai mới của Mỹ đã hình thành hệ thống quy hoạch sử dụng đất mới (Viện Điều tra quy hoạch, 2000).

Ở Đức, điển hình là thành phố Berlin, hệ thống quy hoạch sử dụng đất đã được xây dựng từ rất sớm. Chỉ vài năm sau khi có sự thống nhất toàn vẹn lãnh thổ đất nước, năm 1994, hệ thống quy hoạch sử dụng đất được xây dựng với bản đồ tỉ lệ 1:50.000. Sau đó, việc điều chỉnh và cập nhật những biến động đất đai cho phù hợp với sự thay đổi của nền kinh tế, xã hội và mục tiêu của Chính phủ được tiến hành thường xuyên. Do đó, hệ thống quy hoạch sử dụng đất ở thành phố Berlin nói riêng, của Đức nói chung có hiệu quả cao, đảm bảo sử dụng đất

hiệu quả, tiết kiệm và bền vững, tạo đà cho sự phát triển nền kinh tế (Nguyễn Trung Quyết, 2012).

Ở Pháp, quy hoạch sử dụng đất được xây dựng theo hình thức mô hình hoá nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao trong việc sử dụng tài nguyên, môi trường và lao động, áp dụng bài toán quy hoạch tuyến tính có cấu trúc sản xuất hợp lý, thúc đẩy nền kinh tế phát triển (Lê Quang Trí, 2010).

Nhìn chung, hệ thống pháp luật đất đai ở các nước phát triển tương đối hoàn thiện nên công tác xây dựng và thực hiện quy hoạch sử dụng đất được triển khai tốt, sử dụng đảm bảo hiệu quả 3 mặt: kinh tế, xã hội và môi trường. Ở các nước kém phát triển, do thiếu kinh phí, thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn, nên hệ thống Luật đất đai không đồng bộ, hệ thống quy hoạch sử dụng đất có hiệu quả không cao, ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế.

2.3.2. Tình hình thực hiện công tác quy hoạch sử dụng đất của Việt Nam

Ở Việt Nam, từ năm 1994 Chính phủ đã đã triển khai xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai cả nước đến năm 2010. Năm 1997, Quốc hội có Nghị quyết số: 01/1997/QH9 về quy hoạch sử dụng đất cả nước 5 năm 1996 – 2000 và được Quốc hội khoá XI phê duyệt tại kỳ họp thứ 5.

Tại kỳ họp thứ 6 Quốc Hội khóa XIII ngày 29/11/2013 đã biểu quyết thông qua Luật đất đai năm 2013 trong đó quy định quy hoạch sử dụng đất nước ta gồm quy hoạch (Quốc gia, tỉnh, huyện, quốc phòng, an ninh) trong đó kỳ quy hoạch sử dụng đất là 10 năm, kỳ kế hoạch cấp quốc gia, cấp tỉnh và kỳ kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh là 5 năm, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được lập hàng năm.

Nội dung của Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện gồm:

Định hướng sử dụng đất 10 năm, xác định diện tích các loại đất đã được phân bổ trong quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và diện tích các loại đất theo nhu cầu sử dụng đất cấp huyện và cấp xã, giải pháp thực hiện quy hoạch sử dụng đất...Căn cứ để lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện gồm căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, nhu cầu sử dụng đất trong năm kế hoạch của các ngành, các lĩnh vực, các cấp; khả năng đầu tư huy động nguồn lực để thực hiện kế hoạch sử dụng đất (Viện Điều tra quy hoạch, 2000).

được thực hiện khi có sự điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, do tác động của thiên tai, có sự điều chỉnh của quy hoạch sử dụng đất cấp trên trực tiếp làm ảnh hưởng tới quy hoạch sử dụng đất, có sự điều chỉnh địa giới hành chính.

Việc điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất chỉ được thực hiện khi có sự điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất hoặc sự thay đổi về khả năng thực hiện kế hoạch sử dụng đất.

Việc lập quy hoạch sử dụng đất đã góp phần xác định cơ cấu sử dụng đất hợp lý và tiến hành thực hiện theo căn cứ, trình tự mà các văn bản hiện hành có liên quan đến Luật đất đai quy định. Điều này đã làm tăng hiệu lực và ngày càng hiệu quả cao trong quản lý, sử dụng đất đai phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng trong quá trình phát triển của đất nước, góp phần làm thay đổi cuộc sống nhân dân (Lương Văn Hinh và cs., 2003).

Việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất đến 2020 đồng thời chủ trương tăng thời hạn giao đất nông nghiệp ổn định lên 50 năm cùng các chính sách đẩy mạnh sản xuất hàng hoá, làm cho nông dân năng động hơn, bố trí hợp lý cây trồng, vật nuôi, khôi phục và phát triển vườn cây ăn trái, cây công nghiệp có giá trị cao, phát triển nuôi trồng thuỷ sản tạo hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp, hạn chế được chuyển đất nông nghiệp sang sử dụng vào mục đích khác.

Quy hoạch sử dụng đất đã góp phần tăng cường hiệu lực và ngày càng có hiệu quả cao trong quản lý sử dụng đất, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng trong quá trình phát triển của đất nước theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá...đã góp phần thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn, đất đai được sử dụng phát triển công nghiệp theo hướng hàng hoá. Đất nông thôn được cải tạo, chỉnh trang phát triển theo hướng đô thị hoá. Đất có mục đích công cộng được quy hoạch đồng bộ với kết cấu hạ tầng phát triển đã góp phần tăng khả năng phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân...(Nguyễn Quang Học, 2006).

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai công tác Quy hoạch sử dụng đất ở nước ta cho thấy còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ; Quy hoạch chồng chéo giữa địa phương và Trung ương, thu hồi nhưng không sử dụng hoặc sử dụng quá chậm, đặc biệt với các dự án khu công nghiệp, khu đô thị mới. Diện tích đất thực tế đã sử dụng xây dựng nhà xưởng so với diện tích đã giao, cho thuê tại các KCN

chiếm tỷ lệ thấp, so với diện tích quy hoạch đã thu hồi còn thấp hơn nữa.

Theo báo cáo của Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 3 năm 2017, cả nước có 325 khu công nghiệp (KCN) được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 94,9 nghìn ha. Diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt 64 nghìn ha, chiếm khoảng 67% tổng diện tích đất tự nhiên. Trong đó, 220 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên 60,9 nghìn ha và 105 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên 34 nghìn ha (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2017).

Chất lượng quy hoạch sử dụng đất ở nước ta còn thấp, sự phối hợp giữa quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội và quy hoạch phát triển các ngành, địa phương chưa đồng bộ. Quy hoạch sử dụng đất chủ yếu dừng lại ở việc giải quyết, sắp xếp quỹ đất theo mục đích sử dụng, chưa căn cứ vào tiềm năng đất, chưa thực sự tính toán đầy đủ tới mục tiêu, hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường. Vấn đề này dẫn đến thực trạng sản xuất nông nghiệp còn manh mún, rừng tiếp tục bị tàn phá, diện tích đất trống đồi núi trọc, đất bị xói mòn còn lớn. Đặc biệt là sử dụng đất tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp, đô thị, công trình hạ tầng ở tình trạng vừa thừa, vừa thiếu quỹ đất, nhiều nhà đầu tư được giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả gây lãng phí quỹ đất.

2.3.3. Công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại tỉnh Nghệ An

Trước khi Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành, Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An đã phối hợp với các ngành chức năng tiến hành lập quy hoạch sử dụng đất của tỉnh Nghệ An đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) được Chính Phủ phê duyệt tại Nghị quyết số: 70/NQ- CP, ngày 07 tháng 6 năm 2013. Sau Luật đất đai năm 2013, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, đến ngày 09/5/2018, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 46/NQ – CP về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 – 2020) tỉnh Nghệ An.

Theo đó, đến năm 2020 diện tích đất nông nghiệp của tỉnh là 1.454.055 ha, chiếm 88,22 % tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Trong 1.454.055 ha đất nông nghiệp, nhiều nhất là đất rừng sản xuất với 615.000 ha, tiếp đến là đất rừng

phòng hộ 365 000 ha, đất rừng đặc dụng 172.461 ha, đất trồng lúa 101.027 ha, đất trồng cây lâu năm 95.108 ha, đất nuôi trồng thủy sản 9.030 ha.

Đối với đất phi nông nghiệp, theo quy hoạch, đến năm 2020 có 169.207 ha, chiếm 10.28 % diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh. Trong đó, đất phát triển hạ tầng là 68.328 ha; đất cho hoạt động khoáng sản là 3.422 ha; đất ở tại đô thị là 3.400 ha...

Nhìn chung, kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong những năm qua góp phần đảm bảo tính thống nhất trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, phân bố hợp lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, đưa đất đai trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội; góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh, cải thiện đời sống nhân dân, đáp ứng nhu cầu sử dụng đất cho mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh, bảo vệ cảnh quan môi trường.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tình hình thực hiện phương án quy hoạch sử dụng đất đến 2020 thị xã cửa lò, tỉnh nghệ an (Trang 32 - 37)