Các nguồn tài nguyên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tình hình thực hiện phương án quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 huyện mỹ lộc, tỉnh nam định (Trang 45 - 47)

Phần 4 Kết quả nghiên cứu

4.1. Đặc điểm điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội huyện Mỹ Lộc

4.1.2. Các nguồn tài nguyên

4.1.2.1. Tài nguyên đất

Theo số liệu của phòng thống kê thì trên địa bàn huyện Mỹ Lộc có các loại đất chính sau:

a. Đất phèn – Thionic Fluvisols (Flt) và Thionic Gleysols (Glt)

Diện tích 1.003 ha, chiếm 13,70 % diện tích tự nhiên của huyện, phân bố không đều ở các xã.

Nhóm đất phèn có một đơn vị đất là phèn tiềm năng và chủ yếu đang được dùng trồng lúa.

b. Đất phù sa – Fluvisols (FL)

Diện tích 6.380 ha, chiếm 86,30 % diện tích tự nhiên và được phân bố đều ở các xã trong huyện, là nhóm đất có diện tích lớn nhất trong các nhóm đất của huyện.

Hệ thống đê của dòng sông chia đất phù sa thành 2 vùng: vùng đất ngoài đê được bồi đắp phù sa hàng năm và vùng đất trong đê rộng lớn không được bồi đắp hàng năm. Nhóm đất phù sa có 4 đơn vị đất chính là đất phù sa trung tính ít chua – Eutric Fluvisols (FLe), đất phù sa Glây – Gleyic Fluvisols (FLg) và đất phù sa biến đổi nhẹ - Cambic Fluvisols (FLb).

Trong nông nghiệp đất phù sa phần lớn dùng để trồng lúa, màu và một số cây công nghiệp ngắn ngày.

4.1.2.2. Tài nguyên nước

Nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong huyện được lấy từ hai nguồn chính là nước mặt và nước ngầm.

- Nguồn nước mặt:

Huyện Mỹ Lộc có nhiều sông ngòi chảy qua, cùng với hệ thống kênh mương và ao hồ, do vậy nguồn nước mặt rất phong phú. Về mùa mưa nước mặt dư thừa, tuy nhiên trong mùa khô vẫn xảy ra tình trạng thiếu nước cho cây trồng và sinh hoạt ở nhiều nơi. Hiện nay, huyện có một trạm trung chuyển nước sạch tại thị trấn, còn lại chủ yếu lấy nước từ thành phố, huyện đang tiến hành xây dựng nhà máy nước Mỹ Hà.

- Nguồn nước ngầm:

Nguồn nước ngầm chủ yếu của huyện nằm trong tầng chứa lỗ hổng Plutoxen phân bố đều khắp trên địa bàn huyện, hàm lượng Cl<200 mg/l, tầng khai thác phổ biến ở độ sâu từ 10 – 120 m. Tuy nhiên khi khai thác ở độ sâu khoảng 40 m, chất lượng nước còn nhiều sắt và tạp chất khác. Vì vậy khi sử dụng cần có biện pháp xử lý để loại trừ sắt và các tạp chất.

4.1.2.3. Tài nguyên khoáng sản

Khoáng sản ở Mỹ Lộc không nhiều, tập trung chủ yếu vào 2 loại chính: đất sét cho sản xuất gạch ngói nung, đất cát cho xây dựng và san lấp.

- Nguyên liệu giành cho sản xuất vật liệu xây dựng:

Nguồn tài nguyên này phân bố chủ yếu dọc theo các bãi bồi ven sông Hồng, sông Châu Giang, những diện tích này khó khăn trong sản xuất nông nghiệp hiệu quả sản xuất không cao.

- Các bãi cát xây dựng:

Nguồn tài nguyên này chủ yếu phân bố chạy dọc trên sông Hồng (Bãi Búng), có chiều dài gần 1.500 m và chiều rộng khoảng 200 m, từ km 84 - km 86

thuộc địa bàn xã Mỹ Tân, đây là nguồn tài nguyên cát xây dựng khá dồi dào, đang được khai thác sử dụng.

4.1.2.4. Tài nguyên nhân văn

Mỹ Lộc là vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, sớm phát triển nghề trồng lúa nước, dệt vải và làm nghề thủ công. Đây là nơi phát tích vương triều Trần, triều đại hưng thịnh nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Thành quả lao động của các thế hệ để lại tiềm năng du lịch nhân văn có giá trị với những di tích lịch sử văn hoá, lễ hội trong quần thể di tích đền Trần, đền Bảo Lộc. Nơi thờ 14 vị vua Trần trong thế kỷ XIII và XIV. Lễ hội đền Trần, thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, vị anh hùng kiệt xuất của dân tộc, được tổ chức vào tháng 8 âm lịch hàng năm và quần thể di tích đền Trần Quang Khải, lăng mộ Phụng Dương Công Chúa. Đền Bảo Lộc thờ Đức Thánh Trần, Trần Hưng Đạo (Mỹ Phúc), đền thờ Thượng phụ thái sư Trần Thủ Độ ( Mỹ Phúc), đền Cao Đài thờ Thượng Tướng Thái Sư Trần Quang Khải (Mỹ Thành), đền Sùng Văn (Mỹ Thuận), đền Công Quốc (Mỹ Tân) và hàng chục di tích lịch sử văn hoá đã được xếp hạng khác.

Cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, các giá trị nhân văn cũng đang được phục hồi và phát triển. Các di tích được bảo vệ, tôn tạo. Các sinh hoạt văn hoá truyền thống được khôi phục làm tăng thêm tính hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tình hình thực hiện phương án quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 huyện mỹ lộc, tỉnh nam định (Trang 45 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)