4.1.3.1. Dân cư
- Về dân số: Tổng dân số toàn huyện Thuận Thành năm 2017 là 161.846 người, tổng số sinh 2.755 người, giảm 125 người, mật độ dân số khá cao, đạt 1.281 người/km2 (mật độ dân số trung bình của cả tỉnh Bắc Ninh khoảng 1.226 người/km2, của vùng đồng bằng sông Hồng khoảng 910 người/km2 và cả nước 250 người/km2 .
4.1.3.2.Các ngành kinh tế chủ yếu
Tổng sản phẩm địa phương năm 2017 đạt 4.049,081 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 9,3%. Trong đó tăng trưởng: khu vực nông, lâm, thủy sản đạt 0,8%; khu vực công nghiệp - xây dựng 11,6%; khu vực dịch vụ 9,8%.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng khu vực công nghiệp, dịch vụ tăng, chiếm 85,5%, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp còn 14,5% (năm 2015 khu vực công nghiệp, dịch vụ 79,3 %, nông nghiệp chiếm 20,7%). Cụ thể, cơ cấu kinh tế năm 2016 là: Nông, lâm, thủy sản 14,5%; công nghiệp, xây dựng 52,2%; dịch vụ 33,3%. ( Nguồn: UBND huyện Thuận Thành, 2017)
Trong sản xuất nông nghiệp: UBND huyện đã chú trọng chỉ đạo công tác xây dựng kế hoạch sát với thực tế; xây dựng các mô hình ứng dụng KHKT: mô hình kết hợp sản xuất nông nghiệp với phát triển du lịch “Cây và hoa đào ở Lăng Kinh Dương Vương”; mô hình sản xuất lúa hàng hóa theo vùng tập trung 150 ha tại 03 xã: Ninh Xá, Đại Đồng Thành, Đình Tổ, mô hình cấy lúa bằng máy cấy không sử dụng động cơ tại xã Nghĩa Đạo và một số mô hình chăn nuôi, thủy sản khác; ban hành đề án phát triển kinh tế trang trại đến 2020, thành lập đoàn công tác tiến hành rà soát trang trại, mô hình VAC, chỉ đạo tiến hành ký kết lại hợp đồng kinh tế trang trại, VAC đảm bảo đúng thẩm quyền, thời gian theo quy định; xây dựng đề án thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Tập trung làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; công tác phòng chống thiên tai; xử lý kiên quyết các vi phạm đê điều, vi phạm công trình thủy lợi..
Tổng diện tích gieo trồng 13.266 ha, đạt 99% kế hoạch; diện tích lúa là 11.346 ha, năng xuất bình quân đạt 60,7 tạ/ha; Sản lượng lương thực có hạt đạt 72.598 tấn, đạt 102,2% so với KH. Giá trị sản xuất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản ước đạt 90 triệu đồng/ha (đạt 96,8% so với KH).
Nông, lâm, thủy sản ước đạt 1.204.842 triệu đồng, đạt 100,9% so với năm 2015. Trong đó: Trồng trọt, lâm nghiệp đạt: 468.790 triệu đồng, chiếm 38,9%; chăn nuôi, thủy sản đạt 675.550 triệu đồng, chiếm 56,1%; dịch vụ nông nghiệp đạt 60.502 triệu đồng, chiếm 5,0% giá trị nông nghiệp. (Nguồn: UBND huyện Thuận Thành, 2017)
Ngành công nghiệp: Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp từng bước phát triển, giá trị sản xuất CN-TTCN năm 2013 đạt hoảng 1.595 tỷ đồng năm 2014 đạt 2.559 tỷ đồng, năm 2015 đạt 2.668 tỷ đồng. Năm 2017 toàn huyện có 278 doanh nghiệp độc lập đang hoạt động với 11.120 lao động. Sản phẩm công nghiệp chủ yếu là may mặc, đồ điện tử, điện dân dụng...
Hiện nay, trên địa bàn huyện có các CCN/KCN tập trung đang hoạt động : KCN Thuận Thành II,III, CCN Thanh Khương, CCN Xuân Lâm, CCN Hà Mãn – Trí Quả. Ngoài ra trên địa bàn còn có các làng nghề truyền thống như: tranh Đông Hồ, đúc đồng Đào Viên, gốm Luy Lâu, dệt may Hoài Thượng, đậu phụ Trà Lâm và Nghi Khúc.
Trong những năm gần đây, cùng với việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế từ kinh tế nông nghiệp nông thôn sang dần các ngành công nghiệp, du lịch, dịch vụ, huyện Thuận Thành đang đẩy mạnh phát triền dịch vụ, đã và đang từng bước đạt được những tiến bộ nhất định. Các lĩnh vực bán lẻ hàng hóa của huyện như: lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị, vật liệu xây dựng … Trong năm 2017, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ theo giá hiện hành trên địa bàn huyện đạt 1.586 tỷ đồng, mức độ tăng trưởng trung bình 11,9%/năm.( Nguồn: UBND huyện Thuận Thành, 2017)
* Đánh giá chung về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên
+ Thuận lợi
- Huyện Thuận Thành có vị trí địa lý khá thuận lợi, gần trung tâm thành phố Bắc Ninh, đặc biệt là tiếp giáp với thủ đô Hà Nội tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế, văn hóa và tiêu thụ sản phẩm.
- Đất đai có địa hình bằng phẳng, chất lượng tốt, có tiềm năng phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành những vùng chuyên canh cây trồng như: hoa, cây cảnh, cây lương thực, cây rau màu ngắn ngày…
- Điều kiện phát triển du lịch, lễ hội thuận lợi do có nhiều di tích, danh thắng như làng tranh Đông Hồ, chùa Dâu, chùa Bút Tháp, thành cổ Luy Lâu, lăng Kinh Dương Vương…
- Mạng lưới sông ngòi dày đặc tạo thuận lợi trong quá trình hình thành đồng bằng phù sa màu mỡ và cung cấp nước tưới cho toàn huyện.
+ Khó khăn
- Do lượng mưa phân bố không đều trong năm, làm cho tình trạng úng ngập, hạn hán cục bộ vẫn thường xảy ra ở một số nơi trong địa bàn huyện. Gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân.
- Các nguồn tài nguyên (nhất là tài nguyên đất, nước) chưa được khảo sát đánh giá đầy đủ đã hạn chế phần nào đến khả năng khai thác sử dụng.
- Trong những năm qua qui mô và tốc độ đô thị hóa của huyện còn chậm. Tương lai nếu có định hướng đúng và chính sách phù hợp thì địa phương sẽ phát huy được tiềm năng và thế mạnh của một huyện nằm trong vùng kinh tế phát triển.