Nhiễm KLN do hoạt động của các làng nghề

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tình hình ô nhiễm cu, pb, zn trong đất trồng hoa trên địa bàn phường tây tựu, quận bắc từ liêm, hà nội (Trang 31 - 32)

Sự mở rộng và phát triển làng nghề không đi kèm với các biện pháp xử lý chất thải, bảo vệ môi trường, do đó đã làm cho môi trường tại các làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng. Hầu hết các làng nghề ở nước ta đều không đảm bảo chất lượng môi trường. Hậu quả này do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất, song lại chưa có biện pháp xử lý chất thải. Ô nhiễm môi trường tại các làng nghề không chỉ gây ra những tác hại trước mắt mà nó còn có tác động tiềm ẩn gây ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe và đời sống con người.

Theo nghiên cứu của tác giả Hồ Thị Lam Trà (2005) tại làng nghề xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, Hưng Yên cho thấy một số mẫu tại cánh đồng lúa ven làng nghề đúc đồng Lộng Thượng có hàm lượng Cu vượt quá tiêu chuẩn cho phép đặc biệt lên tới con số báo động 16,0 và 238,7 mg/kg cao gấp 3 đến 4 lần TCVN 7209 - 2002 và hàm lượng Zn ở đây cũng đạt mức tương đối cao 166,1 và 206,1 mg/kg vượt TCVN. Mặt khác ở làng nghề tái chế kẽm Xuân Phao có hàm lượng Cu cao gấp 2,5 lần TCVN 7209 - 2002 (180,2 mg/kg) và Zn là 287,7 mg cũng cao hơn TCVN 7209 - 2002 (200 mg/kg). Đặc biệt ở cả 2 làng nghề này thì đều có hàm lượng Pb khá cao từ 73,-313 mg/kg. Kết quả nghiên cứu cho thấy đất nông nghiệp của xã đã có biểu hiện ô nhiễm kim loại nặng.

Kết quả nghiên cứu của Nguyễn Công Vinh, Ngô Đức Minh (2007) ở các làng nghề tại các huyện Yên Phong - Bắc Ninh, Nam Trực - Nam Định cho thấy hàm lượng Zn trong đất đạt hoặc gần vượt quá (166,11 - 200,12 ppm) so với giới hạn cho phép của TCVN 7209 - 2002 (200 ppm).

Theo kết quả nghiên cứu của Cao Việt Hà (2012) hàm lượng Cu, Pb trong đất dao động khá rộng tùy khu vực lấy mẫu, từ 21,91 - 91,06mg/kg đất đối với Cu; từ 24,25 - 948,77mg/kg đất đối với Pb. Đất nông nghiệp xung quanh KCN và làng nghề của huyện Văn Lâm, Hưng Yên đã biểu hiện ô nhiễm Cu, Pb cụ thể

như sau: 15/41 mẫu đất bị ô nhiễm đồng với hàm lượng Cu tổng số vượt QCVN 03:2008 BTNMT từ 1,28 - 1,82 lần và 10/41 mẫu bị ô nhiễm chì với hàm lượng Pb tổng số vượt QCVN 03:2008 BTNMT từ 2,14 đến 13,55 lần. Đất tại khu vực làng nghề của xã Chỉ Đạo bị ô nhiễm chì rất nặng, hàm lượng chì trong đất ở đây vượt 10,03-13,55 lần so với QCVN 03:2008 BTNMT.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá tình hình ô nhiễm cu, pb, zn trong đất trồng hoa trên địa bàn phường tây tựu, quận bắc từ liêm, hà nội (Trang 31 - 32)