Những lợi thế cho phát triển mô hình sản xuất hàng hóa tập trung

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tại thị xã sơn tây thành phố hà nội (Trang 99 - 100)

- Là vùng đô thị nằm trong vùng quy hoạch vùng kinh tế phát triển phía Tây thủ đô, trong chuỗi đô thị Miếu Môn-Hoà Lạc-Sơn Tây, cách trung tâm Hà Nội 40 km nên thị trường tiêu thụ ổn định, nhu cầu về nông sản rất lớn.

- Việc sát nhập về Hà Nội cùng với việc hình thành các khu, cụm, điểm công nghiệp, làng văn hoá, khu du lịch, trường Đại học Quốc gia... sẽ đòi hỏi nhu cầu rất lớn về nông sản thực phẩm, các loại rau, quả so với hiện nay, đặc biệt là các sản phẩm nông sản an toàn có chất lượng cao.

- Là khu vực được quy hoạch làm du lịch sinh thái, phát triển đô thị nên sản xuất nông nghiệp ở đây có cơ hội hình thành những vùng chuyên hoa cây cảnh ngoài hướng sản xuất rau xanh, rau an toàn.

Nhu cầu thị trường thường xuyên về thịt, cá và ngày càng cao nên hướng phát triển các mô hình chăn nuôi tập trung và phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng đa dạng hóa sản xuất sẽ là đòn bẩy cho sự phát triển của nền nông nghiệp của thành phố.

- Có nhiều khả năng tiếp cận với các tiến bộ KHKT thông qua các cơ sở khoa học, hiệp hội sản xuất (Hội nông dân, hội làm vườn, câu lạc bộ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp, hội phụ nữ...). Các tiến bộ khoa học là tiền đề phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

- Bước đầu thị xã đã xây dựng được một số mô hình sản xuất mang tính đột phá và có hiệu quả kinh tế cao như: sản xuất rau an toàn tại Viên Sơn, mô hình chuyên canh hoa, cây cảnh tại Viên Sơn, Trung Hưng, Trung Sơn Trầm; chăn nuôi lợn quy mô trang trại vừa và nhỏ tại xã Cổ Đông... Đây là những mô hình thử nghiệm điển hình cho các loại hình sử dụng đất được đánh giá và định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa của thị xã.

- Trình độ sản xuất, kỹ thuật canh tác của người nông dân cao có thể tiếp cận và thực hành các tiến bộ khoa học vào sản xuất và hướng tới sản phẩm nông nghiệp hàng hoá có giá trị cao.

- Sản xuất nông nghiệp đã có bước tăng trưởng cao đạt 5,0%/năm. Sản xuất trồng trọt đã bắt đầu phá bỏ thế độc canh cây lúa, diện tích cây trồng có giá trị cao tăng lên. Thu nhập từ nông nghiệp đã có tính đa dạng hoá, bước đầu thực hiện sản xuất hàng hoá.

- Ngành chăn nuôi phát triển mạnh về sản lượng và chất lượng. Đặc biệt phát triển phương thức chăn nuôi công nghiệp với công nghệ sản xuất tiên tiến, hiệu quả. Ngành chăn nuôi chiếm trên 50% trong cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp. Chăn nuôi lợn và gia cầm cũng có bước tăng trưởng khá, sản lượng thịt hơi các loại tăng 12,13%/năm (giai đoạn 2011 - 2016) cung cấp đủ nhu cầu tiêu dùng trong thị xã và một khối lượng lớn tiêu thụ trên địa bàn lân cận và nội thành Hà Nội.

- Mô hình kinh tế trang trại, kinh tế VAC, phát triển hoa, cây cảnh đã đi vào chiều sâu từng bước hoà nhập vào nền kinh tế thị trường, góp phần đưa kinh tế nông hộ lên một tầm cao mới. Chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp bước đầu cho kết quả khả quan với các mô hình sản xuất tiên tiến như hoa cao cấp, rau an toàn, lúa-cá, cây ăn quả-chăn nuôi-dịch vụ du lịch sinh thái.

- Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của thị xã đã tương đối hoàn chỉnh và ngày càng được hoàn thiện. Đời sống người nông dân của thị xã đã từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân của người nông dân không ngừng tăng lên.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tại thị xã sơn tây thành phố hà nội (Trang 99 - 100)