4.1.1. Điều kiện tự nhiên
4.1.1.1. V ị trí địa lý
Huyện Thanh Oai là một huyện đồng bằng nằm ở phía Tây Nam của thành phố Hà Nội, có vị trí địa lý liền kề với quận Hà Đông với trung tâm kinh tế - chính trị là thị trấn Kim Bài cách quận Hà Đông khoảng 14 km, cách trung tâm thành phố Hà Nội 20 km về phía Bắc.
Toàn huyện có 20 xã và 01 thị trấn với tổng diện tích tự nhiên là 12.385,56 ha và dân số là 176.336 người (tính đến tháng 12 năm 2015). Huyện có địa giới hành chính tiếp giáp như sau:
- Phía Bắc giáp quận Hà Đông.
- Phía Đông giáp huyện Thường Tín và huyện Thanh Trì; - Phía Tây giáp huyện Chương Mỹ;
- Phía Nam giáp huyện Ứng Hoà và huyện Phú Xuyên;
Với vị trí nằm liền kề với quận Hà Đông và trung tâm thành phố Hà Nội. Thanh Oai có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, giao lưu buôn bán đặc biệt thuận lợi trong việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản và các sản phẩm sản xuất từ các làng nghề truyền thống.
4.1.1.2. Địa hình, địa mạo
Thanh Oai có địa hình đồng bằng tương đối bằng phẳng với hai vùng rõ rệt là vùng đồng bằng sông Nhuệ và vùng bãi sông Đáy, có độ dốc từ Tây sang Đông và từ Bắc xuống Nam. Điểm cao nhất là xã Thanh Mai với độ cao 7,50 m so với mực nước biển và điểm thấp nhất là xã Liên Châu có độ cao 1,50 m so với mực nước biển.
Với đặc điểm địa hình như vậy huyện có đủ điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất đa dạng hoá cây trồng và vật nuôi, có khả năng thâm canh tăng vụ.
4.1.1.3. Khí hậu
Thanh Oai nằm trong huyện đồng bằng sông Hồng chịu ảnh hưởng của lưu khí quyển cơ bản nhiệt đới gió mùa của Miền Bắc với 2 mùa rõ rệt, đó là mùa hè nắng nóng, mưa nhiều, mùa đông lạnh rét mưa ít với số giờ nắng trong năm từ 1.600 – 1.700 giờ.
- Mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 10, lượng mưa tập trung nhiều nhất vào tháng 8, 9 và các tháng này thường hay có gió, bão. Lượng mưa bình quân năm của huyện khoảng 1.600 - 1.800 mm, lượng mưa tập trung vào mùa hè với khoảng 80% tổng lượng mưa cả năm. Mùa khô kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.
4.1.1.4. Thuỷ văn
Hệ thống thuỷ văn của huyện bao gồm hai con sông lớn đó là sông Nhuệ và sông Đáy với các hệ thống hồ, đầm lớn tập trung ở các xã Thanh Cao, Cao Viên, Cao Dương ...
Sông Đáy chạy dọc phía Tây của huyện có chiều dài khoảng 20,50 km với độ rộng trung bình từ 100 - 125 m, hiện tại bề mặt sông đã bị người dân trong vùng thả bè rau muống nên chỉ còn một lạch nhỏ cho thuyền đi qua. Đây là tuyến sông quan trọng có nhiệm vụ phân lũ cho sông Hồng. Tuy nhiên kể từ năm 1971 trở về đây, việc sinh hoạt và sản xuất của người dân trong phạm vi phân lũ không bị ảnh hưởng bởi việc phân lũ, nhưng trong những năm tới xem xét mối quan hệ giữa các vùng sản xuất, bố trí sử dụng hợp lý đất đai để đảm bảo cho sản xuất và đời sống của nhân dân trong vùng được ổn định và bền vững.
Sông Nhuệ ở phía Đông của huyện có chiều dài 14,50 km lấy nước từ sông Hồng để cung cấp cho sản xuất nông nghiệp và phục vụ đời sống của nhân dân
các xã ven sông như Liên Châu, Mỹ Hưng ... và còn là nơi cung cấp nguồn nước cho công trình thuỷ lợi La Khê..
4.1.2. Các nguồn tài nguyên
4.1.2.1. Tài nguyên đất
Đất đai trên địa bàn huyện Thanh Oai được hình thành chủ yếu do quá trình bồi đắp phù sa của hệ thống sông Hồng, thông qua sông Đáy. Theo kết quả điều tra thổ nhưỡng trên địa bàn huyện có các loại đất chính sau:
- Đất phù sa được bồi hàng năm (Pb), có diện tích 2.250,30 ha, chiếm 18,17% diện tích đất tự nhiên: Loại đất này được phân bố ở khu vực ngoài đê trong vùng phân lũ sông Đáy, có độ màu mỡ cao, thành phần cơ giới cát pha thịt nhẹ, thích hợp cho canh tác các loại rau màu và cây trồng cạn.
- Đất phù sa không được bồi (P), có diện tích 8.534,20 ha, chiếm 68,90% diện tích đất tự nhiên: Loại đất này chiếm chủ yếu, phân bố rộng khắp khu vực đồng bằng, đã được khai thác cải tạo lâu đời phù hợp cho thâm canh tăng vụ, với nhiều loại mô hình canh tác cho hiệu quả kinh tế cao như mô hình lúa – màu, lúa – cá và trồng các loại cây lâu năm như cam, vải, bưởi ở các xã Hồng Dương, Tam Hưng...
- Đất phù sa glay (Pg), có diện tích 1.601,06 ha, chiếm 12,93% diện tích đất tự nhiên: phân bố chủ yếu ở các khu vực địa hình trũng và canh tác ruộng nước, mực nước ngầm nông. Đây là loại đất chuyên để chuyển đổi sang dạng lúa – cá, chuyên cá.
Nhìn chung, đất đai của huyện có độ phì cao, có thể phát triển nhiều loại cây trồng như cây lương thực, cây rau màu, cây lâu năm, cây ăn quả và có thể ứng dụng nhiều mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao.
4.1.2.2. Tài nguyên nước
Nguồn nước mặt: Chủ yếu là sông Hồng và sông Nhuệ qua hệ thống thủy nông La Khê và sông Đáy. Ngoài ra còn có hệ thống hồ, đầm, ao rất rộng lớn (hơn 300 ha) đặc biệt là đầm Thanh Cao - Cao Viên.
Nguồn nước ngầm: Tầng chứa nước nằm ở độ sâu 30-60 m, bao gồm 2 lớp cát và sỏi cuộn. theo kết quả phân tích mẫu nước thô ở nhà máy Bia Kim Bài ngày 15/09/1999 cho thấy hàm lượng sắt và mangan cao hơn tiêu chuẩn cho phép. Vì vậy, để có thể sử dụng được nguồn nước trên phục vụ cho sinh hoạt cần phải được xử lý trước khi đưa vào sử dụng.
4.1.2.3. Tài nguyên khoáng sản
Hiện trên địa bàn huyện không có các loại khoáng sản kim loại, nhiên liệu. Khoáng sản trên địa bàn huyện gồm cát dùng xây dựng và nguồn nước ngọt ngầm dưới lòng đất.
4.1.2.4. Tài nguyên nhân văn
Thanh Oai nằm trong vùng Đồng Bằng sông Hồng nơi có nền văn hóa dân tộc phát triển lâu đời và phong phú điển hình đó là hệ thống đình chùa, nhà thờ, miếu mạo đã có từ rất lâu không những đẹp mà còn tiêu biểu cho nhiều kiểu kiến trúc khác nhau như: chùa Bối Khê, đình Bình Đà, nhà thờ Thạch Bích tại xã Bích Hòa…
Tiềm năng con người là một trong những thế mạnh, với lực lượng lao động lớn có trình độ khoa học, kỹ thuật, có tay nghề cao, giàu kinh nghiệm. Thanh Oai còn là cái nôi của nền văn minh lúa nước, nhiều ngành nghề tiểu thủ công nghiệp cổ truyền đặc sắc nhất là làng làm nón lá ở Làng Chuông (Phương Trung), điêu khắc ở Võ Lăng (Dân Hòa), Dư Dụ (Thanh Thùy)...
4.1.3. Thực trạng môi trường
Hiện nay vấn đề môi trường ở huyện Thanh Oai vẫn còn nhiều điều đáng quan tâm bởi sự ô nhiễm gây ra do môi trường không khí; tiếng ồn; Môi trường nước; Môi trường khu vực sản xuất nông nghiệp và làng nghề; Các hoạt động của con người thông qua các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp như việc sử dụng các hoá chất từ phân bón hoá học đến thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ; Vấn đề sử dụng nước thải sinh hoạt và các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (Phòng TNMT huyện Thanh Oai, 2016).
4.1.3.1 Thực trạng môi trường đối với đất
- Ô nhiễm đất chủ yếu do nhân dân sử dụng phân bón hóa học trong sản xuất nông nghiệp. Lượng phân bón hóa học gây sức ép đến môi trường nông nghiệp nông thôn do sử dụng không đúng kỹ thuật và bón không cân đối nên hiệu lực phân bón thấp, có trên 45% lượng đạm, 45% lượng kali và khoảng 70% lượng lân dư thừa đã trực tiếp hoặc gián tiếp gây ô nhiễm môi trường đất. Các loại phân vô cơ thuộc nhóm chua sinh lý còn tồn dư axit đã làm chua đất, nghèo kiệt các cation kiềm và xuất hiện nhiều độc tố trong môi trường đất như Al3, Fe3, Mn3, giảm tính sinh học của đất và năng suất cây trồng.
- Ô nhiễm đất do thuốc bảo vệ thực vật: Trong quá trình sản xuất, canh tác nhân dân đã sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật gồm: thuốc trừ sâu, thuốc trừ
nấm mốc, thuốc trừ bệnh, thuốc trừ cỏ… sử dụng chủ yếu cho lúa. Thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trung bình từ 0,5-1kg/ha/năm ở nhiều nơi đã phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong đất. Các loại hóa chất này thường tồn dư lâu dài trong môi trường đất, tác dụng gây độc cho tất cả các sinh vật có hại và có lợi trong môi trường đất (Phòng TNMT huyện Thanh Oai, 2016).
4.1.3.2 Thực trạng môi trường đối với nước:
Vấn đề ô nhiễm nước mặt, nước ngầm đang trở lên nghiêm trọng, đặc biệt ở các lưu vực sông và các sông nhỏ, kênh mương, ao trong các khu dân cư. Nước ngầm cũng đã có hiện tượng bị ô nhiễm.
Nguồn nước thải từ các khu dân cư, từ các làng nghề hiện nay phần lớn chưa qua xử lý mà thải trực tiếp vào các nguồn nước mặt tiếp nhận là sông, hồ, kênh mương; nhiều sông, hồ đã trở thành nơi chứa nước thải do vậy đã gây ô nhiễm nguồn nước mặt. Vấn đề sử dụng nước thải sinh hoạt và các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chưa được xử lý trong sản xuất nông nghiệp đang trở thành vấn đề cấp bách hiện nay và trong những năm tiếp theo (Phòng TNMT huyện Thanh Oai, 2016).
4.1.3.3 Thực trạng môi trường đối với không khí:
Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt, các khí độc sinh ra trong quá trình phân hủy phân gia súc, gia cầm, chất khử trùng trong chăn nuôi, chất hóa học dùng trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp, khói lò gạch thủ công, khói đốt rơm rạ trên đồng ruộng, mùi phân gia súc gia cầm trong chăn nuôi... là những nhân tố gây ô nhiễm môi trường không khí nghiêm trọng.
Ô nhiễm không khí do giao thông ngày càng tăng. Trên địa bàn huyện có tuyến đường 21B chạy qua, đây là tuyến đường huyết mạch nối giao thông của huyện với các vùng lân cận. Hiện tại ô nhiễm về bụi ngày càng lớn do tốc độ phát triển các công trình xây dựng trên địa bàn huyện và vùng giáp danh, nồng độ bụi đều lớn hơn chỉ số tiêu chuẩn cho phép (Phòng TNMT huyện thoanh oai,2016).
4.1.3.4 Thực trạng môi trường đối với hệ sinh thái
Hiện nay, việc phát triển một số ngành kinh tế đã và đang ảnh hưởng xấu đến môi trường như ô nhiễm về bụi, không khí do xây dựng; ô nhiễm từ nước thải và chất thải ở các cơ sở sản xuất CN - TTCN; ô nhiễm trong sản xuất nông nghiệp và các làng nghề do việc sử dụng hoá chất không phù hợp, đòi hỏi phải đầu tư và quan tâm đặc biệt đến vấn đề môi trường sinh thái.
Tình trạng trên làm cho sự cân bằng hệ sinh thái trong nông nghiệp và nông thôn bị phá vỡ. Trên một số quan hệ giữa các yếu tố của môi trường, giữa môi trường trong cộng đồng dân cư và phát triển sản xuất tuy đã có sự cải thiện song chưa đủ để trả lại một môi trường trong lành như vốn có của nó (Phòng TNMT huyện thoanh oai, 2016)
4.1.4. Điều kiện kinh tế - xã hội
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế chung của cả nước, của thành phố, huyện Thanh Oai đã có những bước phát triển đáng kể về kinh tế, chính trị, xã hội. Nhiều chỉ tiêu hoàn thành và vượt mức kế hoạch do Đảng bộ huyện đề ra.
4.1.4.1. Tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Thực hiện chính sách đổi mới trong cơ chế quản lý kinh tế, trong những năm qua Đảng Bộ và chính quyền huyện đã có chỉ đạo nhân dân thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ kế hoạch hoá tập trung sang kinh tế thị trường. Nhờ đó mà tốc độ tăng trưởng kinh tế đã có chuyển biến mạnh mẽ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp tăng nhanh, tỷ trọng nông nghiệp giảm, cụ thể như sau:
a. Tăng trưởng kinh tế:
Trong những năm qua kinh tế - xã hội của huyện Thanh Oai phát triển khá toàn diện, duy trì được mức tăng trưởng kinh tế ngang với mức bình quân chung của cả nước, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Tổng giá trị sản xuất tăng nhanh, năm 2010 đạt 1.032 tỷ đồng (theo giá cố định năm 2010); đến năm 2015 đạt 1.969 tỷ đồng, gấp 1,90 lần so với năm 2010. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010-2015 đạt 13,46%, thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt 5,6 triệu đồng, đến năm 2015 đạt 9,17 triệu đồng/người/năm.
b. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế:
Trong những năm qua cơ cấu kinh tế của huyện đã có sự chuyển dịch quan trọng nhất là khi hợp nhất thành phố Hà Tây (cũ) thành Hà Nội theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp - thủy sản, tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ - thương mại - du lịch, đồng thời phát huy lợi thế trong từng ngành, lĩnh vực.
Năm 2010 tỷ trọng ngành nông nghiệp - thuỷ sản chiếm 43,65%, đến năm 2015 tỷ trọng ngành nông nghiệp - thuỷ sản giảm xuống còn 25,27%, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng tăng lên 51,95%, tỷ trọng ngành dịch vụ - thương mại – du lịch 22,78%. Tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp tăng lên, tạo ra sự thay đổi đáng kể trong cơ cấu kinh tế. Bước đầu đã hình thành một số ngành, lĩnh vực, sản phẩm quan trọng tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
c. Thực trạng phát triển kinh tế
* Khu vực sản xuất nông nghiệp:
Trong nông nghiệp, mấy năm qua đang có sự thay đổi theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
- Về trồng trọt: Trong những năm qua mặc dù chịu ảnh hưởng của yếu tố thời tiết, sâu bệnh nhưng năng xuất các loại cây trồng chính trong huyện tăng khá, một số loại cây trồng có giá trị kinh tế cao được chú trọng phát triển như: đậu tương năm 2010 có 360 ha, đến năm 2015 toàn huyện có 1.500 ha; rau màu các loại tăng 177 ha so với năm 2010. Tổng sản lượng lương thực quy thóc năm 2015 đạt 93.531 tấn, bình quân lượng thực đầu người 556,4kg/người/năm.
- Về chăn nuôi: Cho đến nay chăn nuôi luôn là một ngành quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của huyện Thanh Oai. Vật nuôi chủ yếu trên địa bàn huyện là trâu, bò, lợn và gia cầm. Trong những năm vừa qua với phong trào thực hiện chương trình “nạc hoá’’ đàn lợn..., đang hình thành các hộ chăn nuôi theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp, tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi khá ổn định về số lượng và chất lượng.
Ngành chăn nuôi của huyện chủ yếu cung cấp nhu cầu thực phẩm cho huyện và các quận nội thành. Hiện nay, huyện đang xây dựng mô hình chăn nuôi tập trung. Trong đó,Tổng đàn trâu 1.434 con; Tổng đàn bò 3.727 con; Tổng đàn lợn 92.024 con; Tổng đàn gia cầm: 1.096.914 con.
* Khu vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng
Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp:
Sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của huyện đã khôi phục lại được các làng nghề truyền thống thành các điểm du lịch làng nghề (quạt Vác, tăm hương, giò chả Ước Lễ, nón Chuông...), mở rộng được các loại hình ngành nghề mới (mộc, đồ gỗ gia dụng) từng bước ổn định phát triển theo cơ chế thị trường.
Các ngành nghề thủ công truyền thống và các nghề mới vẫn được duy trì