1. Khởi động
Trong tài liệu địa phương lớp 6, phần khởi động nhằm cho học sinh nhận biết các thiên tai (hiện tượng thời tiết cực đoan) đang xảy ra với tần suất nhiều hơn, nguyên nhân là do biến đổi khí hậu.
Hoạt động trong tài liệu chỉ mang tính chất gợi ý cho giáo viên. Giáo viên có thể lấy những tình huống khác phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, tạo ra các tình huống hấp dẫn, kích thích học sinh học tập tích cực. Ví dụ một trò chơi về thời tiết, sau đó giáo viên hô chuyển các trạng thái thời tiết thất thường hơn, nhanh hơn, đột ngột hơn để học sinh nhận biết được tính thất thường và tần suất xảy ra liên tục hơn của các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn, mưa đá,…
2. Khám phá
Kiến thức mới của chủ đề 9 gồm các nội dung chính: I. Khái quát về đặc điểm khí hậu ở tỉnh Lạng Sơn II. Biến đổi khí hậu
III. Một số thiên tai và biện pháp phòng tránh
IV. Ý nghĩa của ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng tránh thiên tai Mục I là kiến thức khái quát về kiểu khí hậu của tỉnh Lạng Sơn, nhiệt độ trung bình, tháng có nhiệt độ cao nhất và thấp nhất, lượng mưa trung bình, những tháng có lượng mưa trung bình trên 100 mm (mùa mưa) và dưới 100 mm.
Mục II bố cục theo các nội dung: biểu hiện, nguyên nhân, tác động của biến đổi khí hậu ở Lạng Sơn và ứng phó với biến đổi khí hậu của người dân Lạng Sơn.
- Biểu hiện của biến đổi khí hậu: nhiệt độ trung bình năm tăng lên, lượng mưa thay đổi thất thường (số tháng mưa trên 100 mm nhiều hơn), gia tăng của hiện tượng thời tiết cực đoan.
- Nguyên nhân: tập trung vào nội dung các hoạt động của người dân Lạng Sơn làm gia tăng phát thải khí nhà kính.
- Tác động: nêu lên những tác động đến sức khỏe, nông nghiệp, nguồn nước, năng lượng, xây dựng, giao thông,…
- Ứng phó với biến đổi khí hậu bao gồm giảm nhẹ biến đổi khí hậu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, GV có thể lần lượt đặt ra 3 vấn đề: hành động của bản thân HS, hành động tại nhà trường và hành động tại cộng đồng. Gợi ý hoạt động: HS có thể dựa vào các hình ảnh để tự rút ra các hành động giảm nhẹ biến đổi khí hậu.
Trong mục III, mỗi mục nhỏ là kiến thức về từng thiên tai cụ thể xảy ra ở Lạng Sơn. Trong mỗi mục cung cấp các thông tin nhận diện thiên tai, thời gian và địa điểm xảy ra thiên tai, hậu quả và biện pháp phòng tránh. Các nội dung chủ yếu cung cấp thông tin cho HS, trọng tâm hoạt động dạy học mục III là biện pháp phòng tránh thiên tai của bản thân HS (hành động của em).
Mục IV, HS rút ra ý nghĩa của việc ứng phó biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai và từ đó thực hiện hoạt động thiết kế áp phích tuyên truyền. GV định hướng nội dung áp phích của HS bao gồm các thông tin và hình ảnh sưu tầm về thiên tai xảy ra, địa điểm xảy ra, các hành động của HS tránh rủi ro do thiên tai gây ra và khắc phục hậu quả sau thiên tai. GV và HS có thể lựa chọn các nội dung thiết kế áp phích cụ thể phù hợp với địa bàn huyện, xã, thôn bản.
3. Luyện tập
Phần này gồm 4 bài tập nhằm củng cố, rèn luyện kĩ năng theo nội dung, yêu cầu cần đạt của chủ đề. Bài tập 1 và 3 củng cố kiến thức trong bài. Bài tập 2 yêu cầu HS tổng hợp lại kiến thức về thiên tai xảy ra ở Lạng Sơn. Bài tập 4 nhằm đưa ra các hành động HS có thể làm ngay trong thực tiễn.
4. Vận dụng
Phần này gồm các bài tập giúp học sinh vận dụng những tri thức, kĩ năng đã được hình thành, rèn luyện vào giải quyết các vấn đề trong thực tiễn cuộc sống về các vấn đề cụ thể của bản thân hoặc địa phương. Ba bài tập vận dụng gồm hành động cộng đồng, tìm hiểu thiên tai ở địa phương và kế hoạch hành động bản thân.
Nội dung luyện tập và vận dụng có thể sử dụng trong giảng bài phần kiến thức mới mục II và III.