Khái quát sự phát triển của thị trường và doanh nghiệp bán lẻ

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bán lẻ việt nam tại thị trường trong nước (Trang 76 - 78)

Thị trường bán lẻ Việt Nam (TTBL) xuất phát điểm gắn liền với sự phát triển nền sản xuất nông nghiệp và văn hóa trao đổi, mua bán nhỏ lẻ. Chợ là mô hình bán lẻ truyền thống phổ biến nhất ở khu vực nông thôn. Từ những thế kỷ trước, khi Việt Nam bắt đầu được mở rộng mua bán hàng hóa với bên ngoài với các nước tại các hương cảng sầm uất như Vân Đông, Hội An…, đã xuất hiện những mô hình bán lẻ mới như các cửa hàng, các khu vực bao gồm các cửa hàng cùng bán một loại hàng hóa. Tuy nhiên, trong suốt chế độ phong kiến, với tư tưởng trọng nông và chưa chú trọng thương, làm cho các hoạt động thương mại nói chung và bán lẻ nói riêng không có nhiều cơ hội được chú ý phát triển, khi đó thương mại chỉ tồn tại phục vụ cho nhu cầu mua bán nhỏ lẻ là chủ yếu [61].

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, trong thời kỳ Pháp thuộc, Việt Nam có một đội ngũ tư sản dân tộc, trong số đó xuất hiện những thương nhân giỏi thời bấy giờ như Bạch Thái Bưởi…. TTBL khi đó đã có bước phát triển mới. Đội ngũ các nhà tư sản dân tộc này vẫn tiếp tục duy trì cho tới năm 1954. Trong giai đoạn từ sau 1954 đến 1986, Việt Nam trong nền kinh tế kế hoạch hóa bao cấp, TTBL được kiểm soát bởi các cơ sở quốc doanh, và thông qua các cửa hàng mậu dịch. Hàng hóa khi đó được phân phối qua hệ thống các cửa hàng mậu dịch như lương thực, nhu yếu phẩm phục như vải, hàng quần áo giầy dép…Chế độ tem phiếu được áp dụng cho việc phân phối, mua hàng. Người mua phải trả đúng giá quy định, và chưa được quyền lựa chọn hàng hóa [61].

Với chính sách Đổi mới từ năm 1986, kinh tế tư nhân được thừa nhận. Với sự phát triển của kinh tế hàng hóa, TTBL ngày càng trở nên sôi động với sự xuất hiện của các chủ thể kinh doanh tư nhân (như các cơ sở kinh doanh cá thể). Hàng hóa được gia tăng dần số lượng cũng như chất lượng. Trong giai đoạn đầu sau Đổi mới 1986, các mô hình bán lẻ ở Việt Nam vẫn chủ yếu là các loại hình truyền thống (các chợ, các cửa hàng bán lẻ truyền thống). Siêu thị (mô hình bán lẻ hiện tại) lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam từ năm 1993. Tính chung, cuối năm 2006 có 604 cơ sở của loại hình tổ chức bán lẻ văn minh hiện đại ra đời tại 15 tỉnh, thành phố, trong đó có tới 4 tỉnh lần đầu tiên xuất hiện cơ sở của loại hình tổ chức bán lẻ văn minh hiện đại là Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Quảng Trị và Lâm Đồng [47]. Nhiều chính sách mới của Đảng và Nhà nước đã thay đổi nền kinh tế thị trường. Ví dụ như, sự ra đời của các luật nhằm khuyến khích phát triển kinh tế và kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, như Luật Công ty 1992, Luật Doanh nghiệp 1999, Luật Doanh nghiệp 2005, Luật Đầu tư 2005, Luật Thương mại 2005, Bộ Luật Dân sự 2005… đã từng bước thúc đẩy trong các hoạt động kinh tế, đầu tư nước ngoài được thu hút, và tạo khung khổ pháp lý cho các giao dịch mua bán. HHDV không ngừng mở rộng, nền kinh tế hàng hóa phát triển. Điều này đã dẫn đến những điều kiện nền tảng đáp ứng cho sự phát triển của TTBL. Trong thời kỳ này số lượng các chủ thể tham gia vào ngành bán lẻ, mặc dù không có số liệu thống kê đầy đủ về số lượng, loại hình cơ sở và chủ thể bán lẻ, nhưng có thể nhận định được sự gia tăng nhanh chóng của lực lượng này. [47],[61].

Từ khi Việt Nam gia nhập WTO và tham gia các Hiệp định thương mại tự do, việc mở cửa thị trường cho hàng hóa nước ngoài và nhà đầu tư nước ngoài, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, TTBL đã có sự bật lên nhanh chóng cả về số lượng, chất lượng và quy mô của các chủ thể gia nhập TTBL, cũng như sự bùng nổ của các mô hình bán lẻ hiện đại [47],[61].

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bán lẻ việt nam tại thị trường trong nước (Trang 76 - 78)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(176 trang)