Hoạt động Bán lẻ

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bán lẻ việt nam tại thị trường trong nước (Trang 44 - 46)

1.2.1.1. Bán lẻ hàng hóa

Trước tiên cần hiểu thêm về nội dung bán buôn, theo Khoản 6 của Nghị định số 09/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15 tháng 01 năm 2018 quy định chi tiết Luật thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, thì bán buôn là “hoạt động bán hàng hóa cho thương nhân bán buôn, thương nhân bán lẻ và thương nhân, tổ chức khác; không bao gồm hoạt động bán lẻ”. Bán buôn thường thực hiện việc mua bán với số lượng lớn hàng hóa và thường có giá cả thấp hơn giá của bán lẻ. Người bán buôn đóng vai trò trung gian trong việc đưa hàng hoá từ tay người sản xuất đến người bán lẻ.

Theo Từ điển Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: Bán lẻ là quá trình bán hàng hóa hoặc dịch vụ tiêu dùng cho khách hàng thông qua nhiều kênh phân phối để kiếm lợi nhuận. Các nhà bán lẻ đáp ứng nhu cầu được xác định thông qua một chuỗi cung ứng.

Theo Philip Kotler trong cuốn sách Quản trị marketing: “Bán lẻ bao gồm tất cả những hoạt động liên quan đến việc bán hàng hoá hay dịch vụ trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng để họ sử dụng vào mục đích cá nhân, không kinh doanh” [49].

Theo TS. Phạm Hữu Thìn, bán lẻ là hoạt động có nghiệp vụ chủ yếu là bán (có tính chất tiếp tục) hàng hóa cùng với dịch vụ kèm theo cho người tiêu dùng cuối cùng, đó là tiêu dùng có tính chất cá nhân, gia đình (tiêu dùng không mang tính kinh doanh). [47].

Theo quy định tại Khoản 7 Điều 3 Nghị định số 09/2018/NĐ-CP nêu trên: Bán lẻ là hoạt động bán hàng hóa cho cá nhân, hộ gia đình, tổ chức khác để sử dụng vào mục đích tiêu dùng.

Qua các nội dung nêu trên nhận thấy bán lẻ được diễn giải theo nhiều cách khác nhau, tuy nhiên đều thể hiện một hàm ý chung, bán lẻ là khâu cuối cùng trong công đoạn lưu thông để đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng. Hoạt động bán lẻ bao gồm: là bán hàng trực tiếp tại cơ sở bán lẻ (chợ, các loại hình cửa hàng, trung tâm mua sắm…); và bán lẻ không qua cơ sở bán lẻ (bán hàng trực tuyến).

1.2.1.2. Thị trường bán lẻ

Thị trường là nơi diễn ra các hoạt động trao đổi mua bán hàng hóa, dịch vụ giữa người bán và người mua. Thị trường bán lẻ thì được hiểu theo nội dung hẹp hơn. Trong thị trường bán lẻ, người bán là người bán lẻ bán hàng hóa, dịch vụ. Còn người mua là người tiêu dùng cuối cùng. Người tiêu dùng khi mua hàng hóa, không chỉ nhận được hàng hóa từ người bán mà còn nhận các dịch vụ có liên quan từ người bán lẻ. Như vậy, thị trường bán lẻ là thị trường ở đấy diễn ra hoạt động bán lẻ. Trong thị trường bán lẻ có hai đối tượng chính là người bán lẻ và người tiêu dùng (khách hàng). Trong đó, người bán lẻ có thể là cá nhân hay tổ chức, và người tiêu dùng (khách hàng) tiến hành giao dịch mua bán hàng hóa phù hợp với khuôn khổ pháp luật quy định [46].

1.2.1.3. Doanh nghiệp bán lẻ

Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh (Theo quy định tại Khoản 10 Điều 4 Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14).

Doanh nghiệp bán lẻ là loại hình doanh nghiệp được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ hoặc có hoạt động kinh doanh chủ yếu là bán lẻ.

Như vậy, theo cơ cấu nguồn vốn sở hữu, có doanh nghiệp bán lẻ do nhà đầu tư nước ngoài chiếm cổ phần chi phối và doanh nghiệp bán lẻ do nhà đầu tư trong nước chiếm cổ phần chi phối (đây được gọi là doanh nghiệp bán lẻ nội địa).

1.2.1.4. Các loại hình tổ chức bán lẻ

Hiện Doanh nghiệp bán lẻ thường tổ chức hoạt động bán lẻ theo hình thức trực tiếp (offline) thông qua các loại hình cơ sở bán lẻ như các loại hình siêu thị, các loại hình cửa hàng, trung tâm mua sắm… và/hoặc kết hợp bán lẻ trực tuyến (online). Hoạt động giao hàng của doanh nghiệp bán lẻ đối với bán lẻ trực tuyến (online) có thể được lấy hàng từ các loại hình cơ sở bán lẻ như nêu trên và/hoặc từ kho của Doanh nghiệp bán lẻ là tùy thuộc vào số lượng, chủng loại hàng hóa, vị trí đích đến của hàng hóa cần giao theo yêu cầu của khách hàng…

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bán lẻ việt nam tại thị trường trong nước (Trang 44 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(176 trang)