1.3.1.1. Các yếu tố thuộc môi trường vĩ mô
Các doanh nghiệp bán lẻ nói riêng cũng như các loại doanh nghiệp nói chung trong quá trình hoạt động đều chịu tác động của các yếu tố môi trường vĩ mô. Vì vậy, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng đều chịu tác động của các yếu tố thuộc môi trường vĩ mô. Các yếu tố chính thuộc môi trường vĩ mô tác động đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bao gồm: Môi trường kinh tế; Yếu tố hội nhập quốc tế; Yếu tố pháp luật và quản lý nhà nước; Yếu tố kỹ thuật công nghệ; Môi trường tự nhiên; Môi trường văn hóa – xã hội, cụ thể [28]; [35]; [51], [70]; [80]:
Yếu tố kinh tế: Yếu tố tố kinh tế có vai trò rất quan trọng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ. Chiến lược phát triển của doanh nghiệp, hay của một ngành cần dựa vào trạng thái nền kinh tế như đang tăng trưởng, ổn định, hay đang suy thoái… Khi kinh tế có tốc độ tăng trưởng thì thu nhập quốc dân tính trên đầu người cao dẫn đến người dân tăng cường mua sắm hàng hóa, dịch vụ nhiều hơn. Dẫn đến mức gia tăng sản xuất hàng hóa, dịch vụ tăng lên. Các doanh nghiệp cũng sẽ tích lũy được nhiều tài chính để mở rộng thêm sản xuất tạo ra sự phát triển, năng động trong kinh doanh, sản
xuất. Khi kinh tế suy thoái thì thu nhập của người dân giảm, dẫn đến sức mua hàng hóa giảm. Khi đấy việc tiêu thụ hàng hóa của các doanh nghiệp sản xuất cũng sẽ giảm đi.
Ảnh hưởng của yếu tố quốc tế: Với việc tham gia các hiệp định thương mại, các nước sẽ tiến hành cắt giảm thuế quan, hàng hóa nhập khẩu sẽ được giảm bớt các rào cản. Các doanh nghiệp nước ngoài sẽ có nhiều thuận lợi, dễ dàng hơn khi tham gia đầu tư vào Việt Nam. Các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam sẽ bị cạnh tranh gay gắt hơn trên thị trường nội địa. Doanh nghiệp bán lẻ trong nước phải cải tiến kinh doanh để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp bán lẻ trong nước cũng có nhiều cơ hội hợp tác, liên kết với doanh nghiệp nước ngoài để cùng phát triển và dễ dàng tiếp cận các công nghệ mới của doanh nghiệp nước ngoài.
Yếu tố pháp luật và quản lý nhà nước về kinh tế: Cơ quan quản lý nhà nước ban hành luật pháp làm cho môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp…Còn nếu ngược lại sẽ làm kìm hãm sự phát triển của các doanh nghiệp bán lẻ nói riêng và nền kinh tế nói chung. Mức độ ổn định của yếu tố pháp lý sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bán lẻ nói riêng phát triển, nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, yếu tố pháp lý tiêu cực thì cũng có thể làm doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn làm suy yếu năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Vì vậy, nhà nước cần tạo khuôn khổ pháp luật hoàn chỉnh, phù hợp các nguyên tắc quốc tế mà Việt Nam là một thành viên, nhằm đảm bảo cho sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng.
Yếu tố kỹ thuật - công nghệ: Yếu tố kỹ thuật – công nghệ cũng đóng vai trò ngày càng quan trọng, nhất là trong bối cảnh cuộc Cánh mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, mang tính chất quyết định đối với khả năng cạnh tranh các doanh nghiệp bán lẻ. Kỹ thuật - công nghệ phát triển nhanh chóng trong xu thế
toàn cầu hóa, đã giúp cho các doanh nghiệp bán lẻ gia tăng khả năng cạnh tranh nhờ tiết kiệm chi phí hơn trong kinh doanh. Các doanh nghiệp Việt Nam nói chung cũng như doanh nghiệp bán lẻ nói riêng cần áp dùng các công nghệ hiện đại nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh.
Yếu tố tự nhiên: Khái niệm yếu tố tự nhiên rất rộng, bao gồm các yếu tố như nguồn lực tài nguyên thiên nhiên có thể khai thác, các điều kiện về địa lý như địa hình, đất đai, thời tiết, khí hậu…Yếu tố tự nhiên có thể ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến doanh nghiệp bán lẻ. Doanh nghiệp khai thác sản xuất sẽ bị tác động bởi các yếu tố tài nguyên thiên nhiên.. Địa hình đất đai tự nhiên sẽ ảnh hưởng đến đường xá giao thông vận chuyển, tác động lên lĩnh vực vận tải của các doanh nghiệp bán lẻ. Khị hậu như nóng hay lạnh của các mùa trong một năm, thời tiết đều tác động đến người tiêu dùng mua sắm hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp bán lẻ. Có thể nói điều kiện tự nhiên ảnh hưởng đến các mức độ khác nhau của doanh nghiệp tại từng khu vực khác nhau.
Yếu tố văn hóa – xã hội: Yếu tố văn hóa xã hội ảnh hưởng rất sâu sắc đến hoạt động của doanh nghiệp bán lẻ. Các đặc điểm như phong tục, lối sống, tôn giáo, trình độ dân trú…tác động đến hành vi, nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân. Các doanh nghiệp bán sẽ phải có chiến lược kinh doanh phù hợp với đặc điểm văn hóa xã hội người dân sống từng khu vực.
1.3.1.2. Các yếu tố thuộc môi trường vi mô
Khách hàng: Đối với các doanh nghiệp bán lẻ thì khách hàng là người mua sắm sản phẩm, hàng hóa dịch vụ của nhà bán lẻ. Doanh thu của doanh nghiệp bán lẻ phụ thuộc rất lớn vào quyết định mua sắm của khách hàng. Như vậy có thể nói yếu tố khách hàng quyết định thành bại của doanh nghiệp. Mỗi nhóm khách hàng ở mỗi khu vực địa lý khác nhau có thể có những hành vi mua sắm khác nhau, như theo sở thích, yếu tố văn hóa, thu nhập. Doanh nghiệp bán lẻ cần căn cứ vào khả năng mua sắm của khách hàng để tổ chức phương thức bán
hàng cho phù hợp đối từng nhóm thu nhập của khách hàng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần có chiến lược phân khúc đối tượng khách hàng. Doanh nghiệp bán lẻ cũng cần có chiến lược phù hợp với sở thích của mỗi nhóm khách hàng theo hành vi, yếu tố văn hóa vùng miền của các khách hàng. [28], [51].
Nhà cung cấp: Doanh nghiệp bán lẻ cần lấy nguồn hàng từ nhà cung cấp, ví dụ như cung cấp hàng thực phẩm, thiết bị, dịch vụ cho doanh nghiệp bán lẻ. Áp lực từ nhà cung cấp là những áp lực do bên cung cấp các yếu tố đầu vào cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp bán lẻ cần có khả năng thương lượng với đối tác cung cấp, khả năng này cho biết mức độ áp lực của nhà cung cấp đối với doanh nghiệp. Các áp lực từ nhà cung cấp có thể liên quan đến thời gian giao hàng, giá cả cung cấp nguồn hàng…cho doanh ngiệp. Doanh nghiệp bán lẻ cần xây dựng mối quan hệ với nhà cung cấp để đảm bảo về sự chủ động nguồn hàng để đáp ứng nhu cấu mua sắm của khách hàng. Vì vậy, nhà cung cấp có tác động ảnh hưởng khá lớn đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bán lẻ. [28], [51]. Hàng hóa thay thế: Hàng hóa thay thế là những sản phẩm tương đương với sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp bán lẻ đang bán. Do vậy, áp lực cạnh tranh của hàng hóa thay thế đối với doanh nghiệp bán lẻ là hàng hóa và dịch vụ có liên quan có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu mua sắm của khách hàng. [28], [51].
Đối thủ cạnh tranh: Đối thủ cạnh tranh hiện tại của doanh nghiệp là những đối thủ đang kinh doanh trong cùng ngành. Các đối thủ cạnh tranh sẽ cạnh tranh thị phần và khách hàng với doanh nghiệp. Đối thủ cạnh tranh có ảnh hưởng lớn đến chiến lược phát triển của doanh nghiệp trong từng thời điểm và ở từng giai đoạn. [28], [51].
Đối thủ tiềm ẩn: Là những doanh nghiệp khác có khả năng và sẵn sàng gia nhập ngành bán lẻ khi họ nhìn thấy sự hấp dẫn trong ngành bán lẻ. Các đối thủ này khi gia nhập ngành sẽ làm tăng tính cạnh tranh đối với các doanh nghiệp
bản lẻ hiện tại. Các ngành khác nhau có mức độ rào cản khác nhau đối với đối thủ tiềm ẩn. [28], [51].