- Những hạn chế
Thứ nhất, tỉ lệ lao động có kinh nghiệm còn thấp và tỉ lệ nhảy việc của nhân công ngành bán lẻ còn cao. Bênh cạnh đó, công việc trong ngành bán lẻ giảm sức hút hấp dẫn so với nhiều ngành nghề khác do điều kiện làm việc cũng như chế độ tiền lương bổng cho nhân công. Việc này tác động đến năng suất lao động, và giảm sức cạnh tranh của ngành bán lẻ Việt Nam.
Thứ hai, chi phí thuê mặt bằng của các doanh nghiệp bán lẻ ngày càng tăng cao. Điển hình là chi phí thuê mặt bằng kinh doanh tại Việt Nam đang trên đà tăng (đặc biệt tại các đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội) đã làm các doanh nghiệp bán lẻ gặp nhiều khó khăn do suất đầu tư cao.
Thứ ba, chi phí logistics, trong đó có chi phí vận tải chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí doanh nghiệp, điều này tạo ra rào cản lớn nhất đối với năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Thứ tư, việc các nhà bán lẻ Việt Nam đang chịu áp lực cạnh tranh rất lớn từ các nhà bán lẻ nước ngoài. Các FTA càng mang lại nhiều điều kiện thuận lợi hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường bán lẻ Việt Nam.
Thứ năm, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp bán lẻ còn thiếu tính linh hoạt, chưa đồng bộ. Chính phủ cần có những chính sách cụ thể, mang tính đồng bộ về đầu tư, tài chính, nhân lực, chuyển giao công nghệ, …đề nâng cao năng lực cạnh tranh và giúp doanh nghiệp bán lẻ có thể cạnh tranh tốt trong bối cảnh hội nhập kinh tế.
- Các nguyên nhân
Thứ nhất, nguyên nhân là do các chuỗi bán lẻ liên tục mở rộng, phát triển điểm bán mới, thị trường có thêm nhiều doanh nghiệp mới gia nhập, thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ…, đã đẩy nhu cầu tuyển dụng tăng lên cũng như tạo ra cuộc cạnh tranh thu hút người tài bằng lương thưởng, phúc lợi. Đó là chưa kể, doanh nghiệp bán lẻ còn phải giành và giữ người với các ngành khác vốn cũng có nhiều cơ hội thăng tiến, lương bổng, như bất động sản, ngân hàng, du lịch…Ngành bán lẻ một trong những ngành có mức tăng trưởng cao, nhưng do áp lực lớn nên nhân sự nhảy việc diễn ra mạnh mẽ qua các năm. Trong khi đó, nguồn nhân sự đáp ứng điều kiện trên thị trường lại thiếu hụt. Thiếu vì nhiều người lao động không ưa thích việc bán hàng, coi đây chỉ là công việc tạm thời trong lúc chưa tìm được việc đúng theo ngành đã học, chưa chấp nhận một số yêu cầu của ngành dịch vụ như đi làm vào thứ Bảy, Chủ nhật, ngày lễ, ngày Tết; chưa có kinh nghiệm chịu đựng áp lực khi phải phục vụ số lượng lớn khách hàng vào giờ cao điểm với vô vàn những tính cách khác nhau. Thứ hai, quy hoạch mạng lưới các đô thị vệ tinh chưa rõ ràng nên doanh nghiệp bán lẻ gặp nhiều khó khăn khi tốc độ mở rộng mặt bằng bị chậm do chi phí thuê tăng cao. Đại đa số chưa có quy hoạch phát triển cụ thể tại nhiều nơi dẫn đến cạnh tranh không bình đẳng, hoặc nơi thì tập trung quá nhiều điểm bán, nơi thì lại thưa vắng. Thiếu quy hoạch dẫn đến các doanh nghiệp triển khai kế hoạch kinh doanh chưa chủ động.
Thứ ba, các nguyên nhân chi phí logistic tăng cao tác động tới cạnh tranh của doanh nghiệp bán lẻ bởi nhiều lý do. Thứ nhất, các mức về phí và lệ phí theo hiện nay vẫn ở mức cao. Bên cạnh đó, Việt Nam ít cảng nước sâu nên hàng hóa phải trung chuyển cũng khiến chi phí logistics tăng cao. Mạng lưới giao thông Việt Nam có chất lượng chưa đồng đều, nhiều nơi còn chưa đảm bảo an
toàn giao thông. Hiện nay, đường bộ vẫn là phương thức phổ biến nhất, nhưng nhiều tuyến đường bộ vẫn không thể đáp ứng cho vận tải hàng hóa nặng, do tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên, đường hẹp, chất lượng kỹ thuật yếu kém, năng lực vận tải thấp…Đa số các khu công nghiệp xây dựng quá xa cảng biển khiến đường vận chuyển dài hơn, cũng đẩy cao chi phí logistics. Ngành vận tải đường sắt thì chủ yếu phục vụ cho hành khách. Chiều rộng khổ đường ray (1m và 1m43) cũng chưa thể đáp ứng chuyên chở hàng hóa nặng, dẫn đến thời gian vận chuyển bằng đường sắt cũng mất nhiều thời gian. Vận tải đường thủy có chi phí thấp, tính an toàn cao nhưng thời gian kéo dài từ vài tuần đến vài tháng nên cũng chưa được các doanh nghiệp ưa chuộng. Có thể nhận thấy yếu tố hạ tầng đã tác động đến chi phí logistics tại Việt Nam mà các doanh nghiệp nói chung và ngành bán lẻ nói riêng phải đối mặt. Bên cạnh đó các chi phí thủ tục hành chính rườm rà và cũng phải trải qua nhiều công đoạn cũng làm doanh nghiệp tăng thêm chi phí logistic.
Thứ tư, các FTA thế hệ mới với việc sẽ bỏ quy định ENT, cũng sẽ dẫn đến nhiều tập đoàn bán lẻ nước ngoài tham gia vào thị trường bán lẻ Việt Nam như việc thành lập, mua lại, mở rộng, điều hành, triển khai, vận hành, kinh doanh, hoặc các hình thức liên quan đến chuyển nhượng dự án khác trong lãnh thổ. Ví dụ như đối với Hiệp định FTA thế hệ mới CPTPP, dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam sẽ tập trung vào nhiều dự án, trong đó đặc biệt các dự án sản xuất, bán lẻ và dịch vụ. Còn đối với Hiệp định EVFTA, các nước châu Âu đã đầu tư vào Việt Nam gần 50 tỷ USD với tổng số 3.300 dự án tính đến năm 2019. TTBL của Việt Nam đang và sẽ tiếp tục thu hút FDI từ các nước đối tác quan trọng mà Việt Nam đã ký kết.
Thứ năm, cơ quan nhà nước ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển hạ tầng thương mại chưa nhất quán, còn nhiều hạn chế đặc biệt là các quy định liên quan đến tín dụng, đầu tư nhà nước. Ngoài ra, còn có sự không
thống nhất giữa các văn bản khác nhau trong chính sách ưu đãi tín dụng đầu tư, danh mục loại hình, ngành nghề kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp chưa được hưởng lợi nhiều chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển hạ tầng thương mại còn chưa phù hợp. Các quy định, chính sách phát triển thương mại trong nước, nhất là các chính sách liên quan tới phát triển hạ tầng thương mại, mang tính khuyến khích, định hướng mà không có giá trị thực thi bắt buộc cũng như thiếu nguồn lực để triển khai.
Kết luận Chương 2
Trong những năm qua, ngành bán lẻ Việt Nam đã liên tục phát triển, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày một sâu rộng. Nhiều doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cũng đã lớn mạnh tương xứng. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, việc nâng cao năng lực cạnh tranh các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang còn có những vấn đề hạn chế như tỉ lệ lao động có kinh nghiệm còn thấp, nhiều chi phí cao như chi phí thuê mặt bằng, chi phí vận tải, logistics đang chiếm tỷ trọng rất lớn đầu vào của doanh nghiệp bán lẻ. Bên cạnh đó, việc Việt Nam tham gia sâu rộng các hiệp định FTA cũng mang đến nhiều cơ hội các doanh nghiệp bán lẻ trong nước, đồng thời cũng chịu nhiều sức ép cạnh tranh đến từ doanh nghiệp nước ngoài.
Các đánh giá chung về điểm mạnh, hạn chế và nguyên nhân của việc nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam trong bối cảnh hiện nay sẽ là các tiền đề quan trọng để đề xuất các giải pháp được trình bày trong Chương 3.
Chương 3. GIẢI PHÁP NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH CHO DOANH NGHIỆP BÁN LẺ