Có nhiều quan điểm về cạnh tranh với nhiều cách hiểu khác nhau. Các quan điểm xung quanh chủ đề cạnh tranh được các nhà nghiên cứu quan tâm và tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau tromg quá trình phát triển nền kinh tế xã hội.
Theo Từ điển Thuật ngữ Kinh tế học [63], có thể hiểu về cạnh tranh là sự đấu tranh giữa các cá nhân, doanh nghiệp hay quốc gia. Sự nảy sinh cạnh tranh khi hai bên hay nhiều bên cố giành lấy thứ mà không phải ai cũng có thể giành được.
Trong Đại từ điển Bách khoa Việt Nam (1999) [8] có nêu nội dung về cạnh tranh là hoạt động tranh đua giữa những người sản xuất hàng hóa, các doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường, bị chi phối bởi quan hệ cung và cầu, từ đó đưa tới điều kiện sản xuất, tiêu thụ và thị trường có lợi nhất.
Tác giả Đỗ Thế Tùng – Học viện Chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh [12], khi bàn về cạnh tranh, nhận định cạnh tranh là động lực thúc đẩy tiến bộ khoa học, công nghệ và phát triển kinh tế thị trường. Nội dung cạnh tranh bao gồm cạnh tranh giữa các ngành, giữa các doanh nghiệp trong nội bộ một ngành; cạnh tranh không lành và mạnh cạnh tranh lành mạnh; cạnh tranh không hoàn hảo và cạnh tranh hoàn hảo; cạnh tranh giữa những người bán, cạnh tranh giữa những người mua, giữa người bán với người mua.
Trong giáo trình kinh tế học Chính trị Mác-Lê Nin [15] đề cập về cạnh tranh là sự đấu tranh, ganh đua về kinh tế giữa các chủ thể tham gia sản xuất- kinh doanh, tiêu thụ dịch vụ và hàng hóa nhằm thu được nhiều lợi ích nhất.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD [96] tại diễn đàn cấp cao về cạnh tranh công nghiệp đã thống nhất việc hiểu về cạnh tranh là khả năng của các tập đoàn, doanh nghiệp, ngành, quốc gia trong việc tạo ra thu nhập, việc tốt hơn trong điều kiện cạnh tranh quốc tế.
Các tác giả Đỗ Đức Bình và Nguyễn Thường Lạng thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân [9], dưới góc độ tiếp cận về cạnh tranh: là một hiện tượng diễn ra thường xuyên trong nền kinh tế thị trường, các hình thái cạnh tranh cần phải hướng tới là cạnh lành mạnh và cạnh tranh hoàn hảo; cần phải hạn chế và tiến tới xóa bỏ cạnh tranh không lành mạnh và cạnh tranh không hoàn hảo.
Theo Michael Porter trong cuốn sách “Lợi thế cạnh tranh” [51], cạnh tranh là yếu tố cơ bản quyết định sực thất bại hay thành công của một công ty. Để đạt được đến kết quả mong muốn sau cùng thì doanh nghiệp cần xác định các hoạt động thích hợp trong sự cạnh tranh. Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tạo ra được vị trí thuận lợi, bền vững trước nhiều sức ép cạnh tranh trong ngành. Có 2 nền tảng cho việc chon chiến lược cạnh tranh: (i) mức độ hấp dẫn ngành để mang lại lợi nhuận bền vững lâu dài, và các yếu tố ảnh hưởng tới quyết định điều này; (ii) các yếu tố quyết định về vị thế cạnh tranh tương đối trong ngành. Lợi thế cạnh tranh phát sinh từ các giá trị mà công ty có thể tạo ra cho khách hàng (người mua), giá trị này phải lớn hơn các chi phí của công ty đã phải bỏ ra. Tác giả đưa ra hai lợi lợi thế cạnh tranh cơ bản: (i) chi phí tối ưu (cost leadership) ; và (ii) khác biệt hóa (differentiation).
Tác giả Bùi Tất Thắng [2] nêu trong bài viết “Tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam hiện nay” trên Tạp chí Nghiên cứu kinh tế (số tháng 11/2000) cho
biết cạnh tranh là sự tranh giành thị trường của doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm. Việc tranh giành khách hàng và thị phần thì chỉ có trong khuôn khổ của kinh tế thị trường. Hình thái thái cạnh tranh được chia thành 2 loại: cạnh tranh không hoàn hảo và cạnh tranh hoàn hảo. Cạnh tranh hoàn hảo là tình trạng thị trường trong đó số người mua và số người bán một mặt hàng nhiều đến nỗi không ai có khả năng ảnh hưởng đến giá cả trên thị trường. Tình trạng thị trường không đạt được như trên, tức là có ít nhất một người bán hàng lớn đến mức có thể tác động đến giá cả thị trường, thì được coi là cạnh tranh không hoàn hảo, hay còn gọi là tình trạng độc quyền.
Từ các nội dung trên, có thể nhận thấy quan điểm về cạnh tranh rất phong phú và đa dạng. Tuy vậy, có một sự đồng nhấtở đây là đều xác định cạnh tranh là một trong nhưng động lực quan trọng giúp cho việc thúc đẩy, phát triển và đổi mới nền kinh tế, xã hội.