Đặc điểm giai đoạn tàn cuộc

Một phần của tài liệu Giáo trình cờ vua, Tài liệu giảng dạy dùng trong các trường đại học, cao đẳng Nguyễn Đức Thành (Trang 89 - 90)

Cờ tàn có những tính chất riêng rất đặc biệt sau đây:

- Ở tàn cuộc chủ yếu kế hoạch được đặt ra từ đặc tính của thế trận và không phụ thuộc vào sở trường hay phong cách chơi.

Kỹ năng chơi cờ tàn đòi hỏi cả sự tính toán chính xác và bộ óc giàu trí tưởng tượng. Tuy nhiên, trong cờ tàn thực chiến, vẫn có một khoảng trời rộng lớn cho sự sáng tạo, mặc cho tất cả những sự phân tích mang tính chất lý thuyết.

Tình tế bó buộc (cưỡng bức hiện thực nước đi hay còn gọi là “Xuxvăng”) - đẩy người chơi cờ vào thế cờ xấu hơn hoặc thua cờ - là nhân tố thường gặp trong cờ tàn, điều đặc biệt ít thấy trong các giai đoạn khác của ván cờ.

- Vua cũng trở thành lực lượng tấn công và phòng thủ tích cực.

Ở giai đoạn trung cuộc, quân Vua ẩn trốn sau những quân Tốt để tránh những đòn tấn công của kẻ thù, thì đến khi cờ tàn xuất hiện nó lại là quân cờ tích cực nhất tham gia vào trận chiến giữa hai bên và thường là quân quyết định trong cuộc chơi này.

- Số lượng quân ít nên giá trị quân tăng lên rất nhiều.

Quân số hai bên còn lại trên bàn cờ thường rất ít, có vẻ như mọi việc sẽ đơn giản hơn, nhưng kỳ thực lại ẩn chứa những khả năng vô cùng sâu sắc và đẹp đẽ.

Các quân Tốt nhỏ bé ít quan trọng trong trung cuộc, nay xuất hiện với vai trò vô cùng quan trọng đó là phong cấp.

- Cuối cùng, các thế tàn cuộc rất dễ phân loại và nghiên cứu chứ không như các giai đoạn khác của ván đấu.

Tàn cuộc là giai đoạn được phân tích nhiều nhất trong Cờ vua. Có một khối lượng khổng lồ thông tin cũng như nhiều sách dạy chơi Cờ vua đặc biệt tập trung vào giai đoạn này.

Nhiều người mới chơi phạm sai lầm khi không chú ý đến tàn cuộc vì họ tin rằng nó thiếu tính chất tự phát và chỉ thiên về tính toán những nước đi có thể có. Điều này không đúng. Mặc dù đó là giai đoạn phân tích nhạt nhẽo, giống như toán học vậy, nhưng tàn cuộc cũng chứa đựng những tính toán sách lược và những đòn phối hợp đáng ngạc nhiên mà ngay cả những người chơi cờ lão luyện cũng không thể khinh xuất.

Nhà vô địch thế giới thứ 8 - Đai Kiện tướng Quốc tế - Vasily Smyslov bày tỏ là ông luôn thích thú khi chơi phần kết của ván cờ và cũng chưa bao giờ tránh đi đến cờ tàn nếu như cuộc chiến bản thân nó

dẫn dắt đến. Ông nhận định: “Những đặc tính của từng loại quân hiện ra

rất rõ ràng khi ván cờ đi đến tàn cuộc. Đi sâu trong những bí mật của cờ tàn ta sẽ thấy hiển hiện ra một thế giới hài hòa cân đối đến ngạc nhiên của Cờ vua. Có thể nói cờ tàn là khúc thi ca của Cờ vua. Thi ca có vần điệu, quy tắc để nhà thơ sáng tác thì cờ tàn cũng có nguyên tắc, lý thuyết mà dựa trên đó những đấu thủ sáng tạo nên cuộc chơi”.

Một phần của tài liệu Giáo trình cờ vua, Tài liệu giảng dạy dùng trong các trường đại học, cao đẳng Nguyễn Đức Thành (Trang 89 - 90)