Một giai thoại kể rằng, khi Crixtoph Colomb có dự định đi tìm một miền đất mới mà ông dự đoán là Ấn Độ thì trong tay ông chẳng có lấy một đồng ngân quỹ. Con người thông minh này biết được rằng Vua của mình lúc đó là Ferdinand là người rất mê cờ, ông bèn lựa dịp đức Vua đang chơi cờ, đứng bên cạnh kiên nhẫn chờ đợi.
Hình 122. Christopher Columbus– người khám phá châu Mỹ và làm thay đổi thế giới
Lần đó dù chơi với một tay cờ có hạng nhưng nhà Vua đi những nước rất xuất sắc, áp đảo và cuối cùng, thí quân đã đánh gục đối phương bằng một đòn phối hợp tài tình. Nhằm lúc Vua đang hứng chí cười ha hả trước thắng lợi của mình, Colombo bèn mạnh dạn tiến tới trước mặt Vua
quỳ xuống tâu: “Thưa bệ hạ, ngài quả là một nhà khai sáng vĩ đại trong
cờ, còn thần, thần cũng muốn noi theo gương bệ hạ, đi khai phá một con đường thương mại mới, nhằm đưa quốc gia của bệ hạ trở nên một đất nước hùng cường. Xin bệ hạ chuẩn tấu cho thần số tiền nhỏ mọn này, như hy sinh một con Tốt để giành một thắng lợi lớn trước các cường quốc lân bang”. Vua Ferdinand xem qua bản tấu, lấy làm hài lòng và chuẩn chi ngay lập tức “số tiền nhỏ mọn” khổng lồ đó. Ván cờ của bậc vua chúa đã đóng góp không nhỏ vào việc tìm ra cả một châu lục mới!
Nữ hoàng Anh Victoria là một phụ nữ thông minh, bà rất thích chơi cờ nhưng không phải để tỷ thí với các đấng nam nhi tranh phần thắng thua mà coi cờ là một trò chơi thú vị và dùng nó để giao hảo với các công nương, hoàng hậu các nước lân bang.
Hình 123. Nữ hoàng Anh Victoria là một phụ nữ thông minh và rất thích chơi cờ
Hoàng đế Pháp – Napoleon cũng là một tay cờ nghiệp dư khá mạnh.
Hình 124. Napoleon chơi cờ cùng Remusat
(Nguồn: http://www.chesshistory.com/winter/extra/pics/napoleon.jpg)
Về sau này nền quân chủ được thay thế bằng các chế độ tân tiến hơn thì các chính khách vẫn là những người say mê trò chơi trí tuệ này, âu cũng là điều dễ hiểu. Ví dụ các Tổng thống Mỹ như George Wasington, Thomas Jefferson (ông này đặc biệt thích đọc quyển “Luận giải về Cờ vua” của Philidor và nghiên cứu rất kỹ tàn cục Xe Tượng chống Xe), Abraham Lincoln (ông chơi cờ rất giỏi, trong gia đình vào những lúc rảnh hay chơi với con trai mình).
Hình 125. Jefferson và Washington chơi cờ
Benjamin Franklin (1706 - 1790) là một nhà bác học, người phát minh ra cột thu lôi và kỹ thuật in đồng đô la bằng giấy. Ông còn là một nhà chính trị, là thống đốc bang Pensilvania, người đã cùng các tổng thống Jefferson và Adam soạn thảo ra bản tuyên ngôn độc lập nổi tiếng của nước Mỹ (1776), đồng thời là một tác gia được Voltere, Russeau, Philidor, Lomonosov, Puskin... đánh giá rất cao.
Hình 126. Benjamin Franklin - một kỳ thủ cự phách
(Nguồn: https://thumbs2.ebaystatic.com/d/l225/m/mnyqSCZfrVSm-oHq2GnuwbQ.jpg)
Nhưng còn một điều người ta còn ít biết đến: ông là một nhà chơi cờ cự phách, một trong những người sáng lập ra nhóm cờ nổi tiếng ở Philadenphia. Các đấu thủ Cờ vua nổi tiếng nhất ở Mỹ thời bấy giờ thường rất thích gặp và thi đấu với Franklin. Ông còn tham gia chơi cờ ở một số câu lạc bộ nước ngoài. Các ván cờ của ông thường được đăng trên các tạp chí, trong đó có những ván nổi tiếng. Ông suy nghĩ tìm ra được mối liên hệ giữa trò chơi trí tuệ này với khoa học, văn hóa, triết học, thẩm mỹ và đạo đức... ông tổng kết được những gì tốt đẹp mà việc chơi cờ mang lại, nâng cao hiểu biết và phẩm giá cho con người. Bài báo của ông “Giá trị tinh thần của Cờ vua” viết năm 1786 đã được in lại nhiều lần cho tới ngày nay, bao nhiêu thế hệ đã được đọc và chiêm nghiệm. Trong bài báo đó Franklin viết:
Hình 127. Franklin chơi cờ với nữ bá tước Haus ở London tháng 12 năm 1774
(Nguồn: http://3.bp.blogspot.com/- f1fjQ9eXz6o/VMzT2vGdXnI/AAAAAAACGqA/PMa32ahZTus/s1600/2.jpg)
“Cờ Vua là trò chơi cổ và nổi tiếng hơn cả của loài người. Nó xuất hiện vào thời xa xưa và trong suốt nhiều thế kỷ là trò tiêu khiển của tất cả các dân tộc văn minh châu Á: Ba Tư, Ấn Độ, Trung Quốc.... Ở châu Âu nó xuất hiện hơn một nghìn năm về trước. Người Tây Ban Nha truyền bá trò chơi này trên phần lãnh thổ châu Mỹ của mình và cách đây không lâu trò chơi đã xuất hiện ở Mỹ. Trò chơi này hấp dẫn tới mức không cần phải chi phí cho các trận thắng để lôi cuốn nó, cho nên hiếm khi người ta chơi bằng tiền. Những ai có thời gian để chơi trò giải trí này đều thừa nhận không có một trò chơi nào vô hại hơn. Trò chơi này tác động vào trí não, không những không có hại mà còn có lợi cho cả người chiến thắng lẫn người chiến bại. Chơi cờ không đơn giản chỉ là trò giải trí vô bổ. Một số tính chất rất quý của trí tuệ, cần thiết cho cuộc sống của con người có trong cờ và được củng cố thành thói quen, có lợi cho nhiều trường hợp trong cuộc sống. Cuộc sống cũng giống như cuộc cờ, trong đó chúng ta thường có khả năng đấu tranh với các đối thủ để chiến thắng. Trong cuộc chơi diễn ra nhiều sự kiện, hay cũng như dở, ở một mức độ nào đó là kết quả của sự khôn ngoan hay thiếu vắng nó…”
Fidel Alejandro Castro Ruz (sinh năm 1926) là một trong những nhà lãnh đạo kiệt xuất, một vị anh hùng, người đã thực hiện cuộc cách mạng và đấu tranh vì nền độc lập của đất nước Cuba. Ông là Thủ tướng (1959 – 1976) và sau đó là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba cho tới khi ông từ chức tháng 2 năm 2008, đồng thời là Bí thư thứ nhất của Đảng
Cộng sản Cuba từ tháng 10 năm 1965 tới tháng 4 năm 2011. Ông là người đương thời với những nhà lãnh đạo nổi tiếng như Che Guevara, Hồ Chí Minh, Nelson Mandela...
Hình 128. Fidel Castro đang thi đấu với vua cờ Fisher
(Nguồn: https://www.flickr.com/photos/51471925@N02/4732277909)
Castro cũng là nhà lãnh tụ đã vượt qua nhiều sóng gió và nguy hiểm nhất: tháng 12/2011, sách Kỷ lục Guinness đã công nhận ông là người bị ám sát nhiều nhất (638 lần), chủ yếu bởi tổ chức Tình báo Trung ương Mỹ CIA.
Bất chấp mọi việc, những lúc rảnh rỗi ông thường tìm đến Cờ vua và cũng là một tay cờ cự phách.
Che Guevara là một nhà cách mạng Mác - xít nổi tiếng người Argentina, là thầy thuốc, người tạo ra học thuyết quân đội, nhà lãnh đạo quân du kích và phong trào cách mạng Cuba.
Hình 129. Nhà cách mạng Che Guevara
Sau những đóng góp vĩ đại của mình cho đảo quốc này, Che được trao quyền công dân Cuba và quyết định này được nhân dân Cuba hết sức ủng hộ. Khi chính quyền mới của quân cách mạng được thành lập, Che Guevara là một trong bộ ba lãnh đạo (gồm: Che, Fidel Castro và Raul Castro) của đất nước này. Một trong những câu nói nổi tiếng của ông là:
“Tôi thà chịu chết đứng chứ nhất định không chịu sống mà phải quỳ lên hai đầu gối”.
Che Guevara đã được dạy chơi Cờ vua từ cha mình và bắt đầu chơi tham gia các giải đấu ở tuổi 12. Ông đã từng nói với người bạn của mình,
“Tôi muốn, hoặc trở thành một người chơi cờ, hoặc bắt đầu một cuộc cách mạng”.
Vladimir Ilyich Lenin (sinh năm 1870, mất năm 1924) là một lãnh tụ của phong trào cách mạng vô sản Nga, là người phát triển học thuyết của Karl Marx và Friedrich Engels. Lenin là người tổ chức Đảng Cộng sản Liên Xô và thành lập nước Nga Xô Viết. Ông được tạp chí Time bình chọn là một trong 100 nhân vật ảnh hưởng nhất trong thế kỷ 20.
V.I.Lenin đã nói: “Cờ vua là một môn thể thao trí tuệ tuyệt vời nhất”!
Trong lịch sử, có rất nhiều nhà cách mạng say mê cờ, dùng cờ như một người bạn thân thiết để tiêu khiển vừa rèn tập tài thao lược, chỉ huy của mình.
Hình 130. Lenin - lãnh đạo tối cao Xô Viết (phải) đang chơi cờ (người ngồi xem là nhà văn vĩ đại người Nga - Maxim Gorky)
Như vậy, cờ không chỉ là một trò chơi mà nó còn có vai trò lịch sử của mình theo dòng lịch sử của nhân loại. Ít nhất nó cũng chiếm được một vị thế khả kính trong thượng tầng kiến trúc của xã hội. Những ván cờ như thế có thể được ghi chép lại hoặc đã thất truyền, nhưng những huyền thoại về chúng thì còn mãi bởi vì qua đó người đời sau rút ra được biết bao điều hay dở cũng như những minh chứng cho những bước ngoặt trong sự đi lên của nhân loại.