Kế toán quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản

Một phần của tài liệu GIÁO ÁN KẾ TOÁN DỰ ÁN ĐẦU TƯ (Trang 44 - 47)

3.4.1. Nội dung

Chủ đầu tư hoặc người đại diện chủ đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức công tác nghiệm thu kịp thời khối lượng và chất lượng các bộ phận, hạng mục công trình xây dựng do bên nhận thầu đã hoàn thành bàn giao.

Khi nghiệm thu phải có:

- Đại diện của tổ chức tư vấn giám sát thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị (nếu có);

- Đại diện của doanh nghiệp nhận thầu chính xây dựng;

- Đại diện cơ quan giám định chất lượng xây dựng (nếu có yêu cầu).

Đối tượng nghiệm thu có thể là:

- Những kết cấu hoặc bộ phận công trình có tầm quan trọng đặc biệt đến chất lượng công trình xây dựng như: nền, móng, các kết cấu chịu lực chính (dầm, cột, trụ độc lập,...) công trình kỹ thuật hạ tầng;

- Những máy móc thiết bị đã lắp đặt xong;

- Những bộ phận công trình đã xây dựng xong cần nghiệm thu để chuyển giai đoạn thi công;

- Từng hạng mục công trình hoặc toàn bộ công trình đã xây dựng xong để đưa vào khai thác sử dụng.

Trong quá trình nghiệm thu công trình, chủ đầu tư và các tổ chức tư bấn thiết kế có quyền từ chối nghiệm thu khi khối lượng, chất lượng của đối tượng nghiệm thu không đạt yêu cầu thiết kế được duyệt và tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành hoặc không phù hợp với chất lượng quy định trong hợp đồng xây dựng.

Bên nhận thầu xây lắp có trách nhiệm:

- Giao các hồ sơ, tài liệu xác định khối lượng và chất lượng của đối tượng nghiệm thu cho các bên tham gia nghiệm thu xem xét;

- Giải trình về khối lượng hoặc chất lượng của đối tượng nghiệm thu theo yêu cầu của các bên tham gia nghiệm thu hoặc của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước (nếu có);

- Hướng dẫn các bên tham gia nghiệm thu kiểm tra đối tượng nghiệm thu tại thực địa.

Bên nhận thầu xây lắp không chịu trách nhiệm về chất lượng đối với công trình do chủ đầu tư tự ý đưa vào khai thác, sử dụng nhưng chưa được nghiệm thu.

Thanh toán vốn đầu tư xây dựng công trình:

- Việc thanh toán vốn đầu tư cho các công việc, nhóm công việc hoặc toàn bộ công việc lập dự án, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, giám sát và các hoạt động xây dựng khác phải căn cứ theo giá trị khối lượng thực tế hoàn thành và nội dung phương thức thanh toán trong hợp đồng đã ký kết;

- Trong quá trình thực hiện dự án, nếu chủ đầu tư chậm thanh toán khối lượng công việc đã hoàn thành thì phải trả khoản lãi theo lãi suất ngân hàng do các bên thỏa thuận ghi trong hợp đồng cho nhà thầu đối với khối lượng chậm thanh toán;

- Đối với các nhà thầu phải thực hiện việc bảo hành công trình thì khi thanh toán cho khối lượng công việc đã hoàn thành, chủ đầu tư được giữ lại chi phí bảo hành công trình mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng đã ký kết.

Quyết toán vốn đầu tư:

- Vốn đầu tư được quyết toán là toàn bộ chi phí hợp pháp đã được thực hiện trong quá trình đầu tư để đưa dự án vào khai thác sử dụng. Chi phí hợp pháp là chi phí được thực hiện theo đúng với thiết kế, dự toán được phê duyệt, bảo đảm đúng định mức, đơn giá, chế độ tài chính, hợp đồng kinh tế đã ký kết và các quy định liên quan;

- Chủ đầu tư chịu trách nhiệm lập hồ sơ quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành để trình người có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định và xác định giá trị tài sản hình thành sau khi đầu tư;

- Đối với dự án được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn khác nhau thì khi quyết toán phải phân tích rõ từng nguồn vốn (vốn ngân sách, vốn tín dụng, vốn của doanh nghiệp, vốn liên doanh với nước ngoài,...)

- Tổng vốn đầu tư thực hiện dự án phải được chi tiết theo các giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, kết thúc đầu tư đưa dự án vào khai thác sử dụng đồng thời phải chi tiết theo cơ cấu vốn đầu tư như vốn xây lắp, vốn thiết bị, vốn kiến thiết cơ bản khác;

- Các dự án đầu tư trong nhiều năm, khi quyết toán phải quy đổi vốn đầu tư đã thực hiện qua các năm về mặt bằng giá tại thời điểm bàn giao để xác định giá trị tài sản bàn giao cho sản xuất, sử dụng, phương pháp quy đổi vốn do Bộ Xây dựng quy định. Khoản chênh lệch giữa vốn đầu tư thực hiện với giá trị tài sản bàn giao được phân bổ theo tỷ trọng nguồn vốn đã đầu tư;

- Quyết toán vốn đầu tư phải được kiểm toán và phải đảm bảo thời gian, nội dung và quy trình lập, thẩm tra, phê duyệt theo quy định.

Xác định giá trị tài sản hình thành sau khi đầu tư:

Các loại tài sản hình thành qua đầu tư có thể bao gồm: Tài sản cố định, bất động sản đầu tư, thành phẩm bất động sản, thiết bị đầu tư,... bàn giao cho sản xuất kinh doanh.

Trong đó giá trị các loại tài sản cố định được xác định theo nguyên tắc:

- Các chi phí liên quan trực tiếp đến tài sản cố định nào thì tính cho tài sản cố định đó;

- Các chi phí chung, liên quan đến nhiều tài sản cố định thì phân bổ theo tỷ lệ chi phí trực tiếp của các loại tài sản cố định;

Việc phân loại tài sản cố định hình thành quan đầu tư phải theo đúng phương pháp phân loại đã quy định trong các chuẩn mực kế toán, cụ thể như sau:

- Đối với các chi phí ban đầu về đất đai như đền bù, giải phóng san lắp mặt bằng, chuyển quyền sử dụng đất,... được tính vào giá trị của tài sản cố định vô hình là “Quyền sử dụng đất”;

- Đối với chi phí xây dựng mới hoặc cải tạo các hạng mục công trình xây dựng như các công trình kiến trúc, vật kiến trúc và xây dựng hạ tầng (cấp điện, cấp thoát nước, đường sá, tường rào, xử lý chất thải,...) thì tính vào giá trị tài sản cố định hữu hình là “Nhà cửa, vật kiến trúc hay thiết bị truyền dẫn”;

- Đối với chi phí mua sắm, vận chuyển, bảo quản và lắp đặt máy móc thiết bị thì tính vào giá trị tài sản cố định hữu hình “Máy móc thiết bị”.

Khi xác định giá trị tài sản hình thành qua đầu tư thì phải loại trừ các chi phí được duyệt bỏ của cấp có thẩm quyền và các khoản thiệt hại do thiên tai dịch họa và các nguyên nhân bất khả kháng không thuộc phạm vi và đối tượng được bảo hiểm theo quy định.

Một phần của tài liệu GIÁO ÁN KẾ TOÁN DỰ ÁN ĐẦU TƯ (Trang 44 - 47)