Đẩy mạnh tiến độ sắp xếp lại các doanh nghiệp Nhà nước theo hướng cổ phần hoá các doanh nghiệp mà Nhà nước không nhất thiết phải nắm 100% vốn. Giao bán khoán, giải thể, sát nhập… các doanh nghiệp có qui mô nhỏ, làm ăn kém hiệu quả. Đối với một số doanh nghiệp nòng cốt do Nhà nước quản lý, cần tập trung hỗ trợ đủ mức vốn lưu động, tăng cường năng lực cán bộ… Nghiên cứu hình thành một cơ chế quản lý đề cao quyền tự chủ của doanh nghiệp, gắn chế độ trách nhiệm của cá nhân người quản lý, gắn quyền lợi của cán bộ, công nhân trong doanh nghiệp với hiệu quả kinh doanh, gắn mức độ đầu tư của Nhà nước cho doanh nghiệp với năng lực của đơn vị phục vụ, hỗ trợ và phối hợp với nông dân, có cơ chế tách bạch quyền sở hữu của Nhà nước khỏi quyền quản lý của người lãnh đạo doanh nghiệp.
Thông tin rộng rãi về các cam kết quốc tế để ứng phó với những thách thức và triển vọng của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra ngày càng nhanh. Tiến hành các nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của tiến trình hội nhập đến các đối tượng khác nhau trong xã hội, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương và các doanh nghiệp có khả năng bị thua thiệt trong quá trình hội nhập, để có chủ trương, chính sách thích hợp nhằm khắc phục những rủi ro có thể xuất hiện trong tiến trình hội nhập.
Xây dựng chương trình tập trung hỗ trợ (như đào tạo con người, nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng, cải tiến công nghệ, cải tiến quản lý, hài hoà hoá các qui định…) cho các oanh nghiệp, các ngành hàng có thế mạnh, có lợi thế so sánh.
Từng bước nâng các đơn vị này lên ngang tầm các đối tác trong khu vực và thế giới.
Tổng kết bài học kinh nghiệm về liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài để khắc phục các nhược điểm trước đây và mở rộng, nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, nông thôn.