7. Kết cấu của luận văn
3.1. Các quan điểm chỉ đạo đổi mới cơ chế quản lý tài chính đối với cơ quan hành
cơ quan hành chính nhà nước
3.1.1. Hoàn thiện môi trường pháp lý
Xuất phát từ những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện cơ chế quản lý tài chính đối với các cơ quan hành chính nhà nước hiện nay, trong giai đoạn tới cần sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành nhằm tăng quyền chủ động hơn cho Thủ trưởng cơ quan thực hiện tự chủ; đồng thời để quản lý sử dụng kinh phí tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch và thực hiện đúng cơ chế kiểm tra, giảm sát của các cơ quan quản lý nhà nước cấp trên.
Cơ sở pháp lý cần được hoàn thiện trong thời gian tới đó là tiến hành cải cách tiền lương, chú trọng cải cách chính sách tiền lương nhằm tạo động lực thực sự để cán bộ, công chức, người lao động thực thi công vụ có chất lượng và hiệu quả cao. Bên cạnh đó, thiết lập cơ chế biên chế công chức xác định dựa trên cơ sở vị trí việc làm gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu công chức theo ngạch; mỗi cơ quan cần xác định rõ vị trí việc làm, xác định số lượng biên chế công chức cần tuyển dụng. Theo đó, Sở Nội vụ thành phố Hồ Chí Minh đang gấp rút hoàn thành đề án xác định danh mục vị trí việc làm. Căn cứ vào danh mục vị trí việc làm, công tác cơ cấu cán bộ, công chức làm căn cứ xác định số biên chế công chức của mỗi cơ quan. Để đạt được hiệu quả đòi hỏi biên chế hàng năm của các cơ quan hành chính nhà nước phải được xác định đúng, đủ, để bảo đảm cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định và nâng cao chất lượng của cán bộ, công chức thực thi công vụ.
Tiếp tục thực hiện sửa đổi Nghị định 130/2005/NĐ-CP của Chính phủ theo hướng chỉ tiếp tục thực hiện giao quyền tự chủ sử dụng kinh phí theo tính chất hoạt động công vụ từng loại cơ quan quản lý nhà nước, không thực hiện cơ chế khoán biên chế đối với cơ quan hành chính nhà nước. Đồng thời, định kỳ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung định mức phân bổ ngân sách quy định tại Quyết định số 59/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng: Định mức phân bổ ngân sách chi quản lý hành chính phân định theo tính chất hoạt động công vụ từng loại cơ quan quản lý nhà nước; định mức phân bổ ngân sách phải bảo đảm kinh phí chi hoạt động thường xuyên, chi hoạt động nghiệp vụ đặc thù của từng cơ quan, khắc phục tình trạng tính ngoài định mức phân bổ ngân sách đối với các khoản chi nghiệp vụ đặc thù, tính ngoài định mức với các dự án/đề án do các cơ quan trình cấp có thẩm quyền phê duyệt riêng (mà lẽ ra phải thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ), gây nên sự không công bằng trong phân bổ dự toán ngân sách hàng năm.
Xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ chuyên môn của mỗi cơ quan, đối với các cơ quan nhà nước, định mức phân bổ ngân sách nhà nước ngoài căn cứ theo biên chế được phê duyệt cần phải có thêm các căn cứ khác như: chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao, quy mô, cơ cấu tổ chức bộ máy của mỗi cơ quan, hệ thống công sở, trang thiết bị... Bên cạnh đó, để đảm bảo thuận lợi trong quản lý và xác định kinh phí tiết kiệm, trong kinh phí quản lý hành chính giao thực hiện chế độ tự chủ chỉ bao gồm các nội dung chi hoạt động thường xuyên của cơ quan, không bao gồm kinh phí mua sắm tài sản cố định.
Theo quy định mới nhất tại Điều 11 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ về Quản lý ngân sách nhà nước theo kết quả thực hiện nhiệm vụ đã giao cho Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn việc quản lý ngân sách nhà nước theo kết quả thực hiện nhiệm vụ, xác định rõ việc: “Quản lý ngân sách nhà nước theo kết quả thực hiện nhiệm vụ
là việc lập, phân bổ, chấp hành, quyết toán ngân sách nhà nước trên cơ sở xác định rõ kinh phí ngân sách gắn với nhiệm vụ, dịch vụ, sản phẩm cần hoàn thành với khối lượng, số lượng và chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định”. Để có thể áp dụng cơ chế mới, thực hiện quản lý ngân sách theo kết quả đầu ra, Nghị định cũng quy định rõ nguyên tắc đặt ra phải là:
“a) Tăng thẩm quyền, đi đôi với tăng trách nhiệm cá nhân, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật của thủ trưởng đơn vị;
b) Đơn giản hóa quy trình quản lý ngân sách nhà nước trong khâu kiểm soát chi, quyết toán chi ngân sách nhà nước;
c) Khối lượng, số lượng, chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, thời gian cung cấp, dự toán chi phí của nhiệm vụ, dịch vụ, sản phẩm phải bảo đảm tối thiểu bằng hoặc tốt hơn so với phương thức quản lý ngân sách nhà nước theo các
yếu tố đầu vào.”
Sau khi hoàn thiện cơ chế về quản lý ngân sách đầu ra, có thể sẽ tiến hành áp dụng thí điểm tại một số cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước, đánh giá hiệu quả thực thi trong một thời gian nhất định. Song song với quản lý ngân sách theo kết quả đầu ra là quyền tự chủ của Thủ trưởng đơn vị trong việc tuyển dụng lao động làm việc tại cơ quan mình.
3.1.2. Tăng quyền tự chủ cho các cơ quan hành chính nhà nước
Sau khi đã hoàn thiện các quy định về chế độ công chức, công vụ, xác định vị trí việc làm gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu công chức theo ngạch; mỗi cơ quan đã xác định rõ các vị trí việc làm, xác định đúng, đủ biên chế công chức cần tuyển dụng, khi đó không còn tình trạng biên chế công chức “thừa” để “tiết kiệm” biên chế. Tiếp tục thực hiện giao quyền tự chủ sử dụng kinh phí cho các cơ quan trên cơ sở định mức phân bổ ngân sách Nhà nước đáp ứng theo tính chất hoạt động công vụ từng loại cơ quan hành chính nhà nước. Bên cạnh đó, khi lộ trình cải cách tiền lương đã đạt mục tiêu thu nhập của cán bộ, công chức từ lương đã đạt mức trung bình khá trên thị trường lao
động thì không tiếp tục thực hiện cơ chế sử dụng kinh phí tiết kiệm để chi tăng thu nhập cho cán bộ, công chức.
Để tăng quyền tự chủ hơn nữa cho thủ trưởng cơ quan trong việc sử dụng kinh phí được giao tự chủ, cần bổ sung quy định theo hướng: Trong phạm vi kinh phí giao tự chủ, cơ quan thực hiện tự chủ có thể quyết định giao khoán một phần hoặc toàn bộ kinh phí cho từng bộ phận nghiệp vụ để chủ động trong kế hoạch thực hiện nhiệm vụ.
Để khắc phục tình trạng chi thu nhập tăng thêm mang tính bình quân cào bằng, không gắn với hiệu quả, kết quả công việc, cần sửa đổi quy định theo hướng: Bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức, cơ quan thực hiện chế tự chủ được áp dụng hệ số tăng thêm quỹ tiền lương tối đa không quá 1,0 lần so với mức tiền lương cấp, bậc, chức vụ do nhà nước quy định để chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức. Trên cơ sở tổng nguồn kinh phí được phép chi trên đây, cơ quan thực hiện chế độ tự chủ quyết định phương án chi trả thu nhập tăng thêm cho từng cán bộ, công chức (hoặc cho từng bộ phận trực thuộc) theo nguyên tắc phải gắn với hiệu quả, kết quả công việc của từng người (hoặc từng bộ phận trực thuộc); không được chi trả thu nhập tăng thêm theo phương án cào bằng, bình quân.