Thực hiện chính sách là một khâu cấu thành chu trình chính sách, là toàn bộ quá trình chuyển hóa ý chí của chủ thể chính sách thành hiện thực với các đối tượng quản lý nhằm đạt mục tiêu nhất định. Tổ chức thực hiện chính sách là trung tâm kết nối các khâu trong chu trình chính sách thành một hệ thống. Hoạch định được chính sách đúng, có chất lượng là rất quan trọng, nhưng thực hiện đúng chính sách còn quan trọng hơn. Có chính sách đúng nếu không được thực hiện sẽ trở thành khẩu hiệu suông, không những không có ý nghĩa, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của chủ thể hoạch định và ban hành chính sách. Nếu chính sách không được thực hiện đúng sẽ dẫn đến sự thiếu tin tưởng và sự phản ứng của nhân dân đối với Nhà nước. Chỉ thông qua thực hiện mới biết rõ chính sách có đúng, phù hợp và đi vào cuộc sống hay không. Quá trình thực hiện với những hoạt động thực tiễn sẽ góp phần điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện chính sách cho phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống. Đồng thời, việc phân tích, đánh giá một chính sách chỉ có cơ sở đầy đủ, sức thuyết phục sau khi được thực hiện. Thực tiễn là chân lý, kết quả thực hiện chính sách là thước đo, là cơ sở đánh giá một cách chính xác, khách quan chất lượng và hiệu quả của chính sách. Việc đưa chính sách vào thực tiễn cuộc sống là một quá trình phức tạp đầy biến động, chịu sự tác động của nhiều yếu tố giúp các nhà hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách có kinh nghiệm để đề ra được các giải pháp hữu hiệu trong thực hiện chính sách.
Nội dung thực hiện chính sách được thực hiện thông qua 7 bước:
- Bước 1: Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chính sách, đây là bước cần thiết và quan trọng vì tổ chức thực hiện chính sách là quá trình phức tạp, lại diễn ra trong thời gian dài do đó phải có kế hoạch. Kế hoạch này phải được xây
dựng trước khi đưa chính sách vào cuộc sống, các cơ quan triển khai từ Trung ương đến địa phương đều phải lập kế hoạch bao gồm:
+ Kế hoạch về tổ chức, điều hành: hệ thống các cơ quan tham gia, đội ngũ nhân sự, cơ chế thực hiện.
+ Kế hoạch cung cấp nguồn vật lực: tài chính, trang thiết bị. + Kế hoạch thời gian triển khai thực hiện.
+ Kế hoạch kiểm tra, đôn đốc thực hiện chính sách.
+ Dự kiến về quy chế, nội dung về tổ chức và điều hành thực hiện chính sách.
- Bước 2: Phổ biến, tuyên truyền chính sách.
Sau khi bản kế hoạch triển khai thực hiện được thông qua, các cơ quan nhà nước tiến hành triển khai tổ chức thực hiện theo kế hoạch. Việc trước tiên cần làm trong quá trình này là tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện chính sách. Đây là một hoạt động quan trọng, có ý nghĩa lớn với cơ quan nhà nước và các đối tượng thực hiện chính sách. Phổ biến, tuyên truyền chính sách tốt giúp cho các đối tượng chính sách và mọi người dân tham gia thực thu hiểu rõ về mục đích và yêu cầu của chính sách; về tính đúng đắn của chính sách trong điều kiện hoàn cảnh nhất định và về tính khả thi của chính sách để họ tự giác thực hiện theo yêu cầu quản lý của nhà nước. Đồng thời còn giúp cho mỗi công chức, viên chức có trách nhiệm tổ chức thực hiện nhận thức được đầy đủ tính chất, trình độ, quy mô của chính sách với đời sống xã hội để chủ động tích cực tìm kiếm các giải pháp thích hợp cho việc thực hiện mục tiêu chính sách và triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch tổ chức thực hiện chính sách được giao.
- Bước 3: Phân công phối hợp thực hiện chính sách.
Bước tiếp theo sau bước tuyên truyền, phổ biến là phân công, phối hợp các cơ quan đơn vị tổ chức thực hiện chính sách theo kế hoạch được phê duyệt. Chính sách được thực hiện trên phạm vi rộng lớn, tối thiểu cũng là một địa phương vì thế số lượng cá nhân và tổ chức tham gia thực hiện chính sách là rất lớn. Số lượng tham gia bao gồm các đối tượng tác động của chính sách, nhân dân thực hiện và bộ máy
tổ chức thực hiện của nhà nước. Không chỉ có vậy, các hoạt động thực hiện mục tiêu chính sách diễn ra cũng hết sức phong phú, phức tạp theo không gian và thời gian, chúng đan xen nhau, thúc đẩy hay kìm hãm nhau theo quy luật. Bởi vậy muốn tổ chức thực hiện chính sách có hiệu quả cần tiến hành phân công, phối hợp giữa các cơ quan quản lý ngành, các cấp chính quyền địa phương, các yếu tố tham gia thực hiện chính sách và các quá trình ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu chính sách.
- Bước 4: Duy trình chính sách, đây là bước làm cho chính sách tồn tại được và phát huy tác dụng trong môi trường thực tế. Để duy trì được chính sách đòi hỏi phải có sự đồng tâm, hiệp lực của nhiều yếu tố như nhà nước và người tổ chức thực hiện chính sách phải tạo điều kiện và môi trường để chính sách được thực hiện tốt. Đối với người chấp hành chính sách phải có trách nhiệm tham gia tích cực vào thực hiện chính sách. Nếu các hoạt động này được tiến hành đồng bộ thì việc duy trì chính sách là việc làm không khó.
- Bước 5: Điều chỉnh chính sách, việc làm này là cần thiết, diễn ra thường xuyên trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách. Nó được thực hiện bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền (thông thường cơ quan nào lập chính sách thì có quyền điều chỉnh). Việc điều chỉnh này phải đáp ứng được việc giữ vững mục tiêu ban đầu của chính sách, chỉ điều chỉnh các biện pháp, cơ chế thực hiện mục tiêu. Hoạt động này phải hết sức cẩn thận và chính xác, không làm biến dạng chính sách ban đầu.
- Bước 6: Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách. Bất cứ triển khai nào thì cũng phải kiểm tra, đôn đốc để đảm bảo các chính sách được thực hiện đúng và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực. Các cơ quan nhà nước thực hiện việc kiểm tra này và nếu tiến hành thường xuyên thì giúp nhà quản lý nắm vững được tình hình thực hiện chính sách từ đó có những kết luận chính xác về chính sách. Công tác kiểm tra này cũng giúp cho các đối tượng thực hiện nhận ra những hạn chế của mình để điều chỉnh bổ sung, hoàn thiện nhằm nâng cao hiệu quả của chính sách. - Bước 7: Đánh giá tổng kết rút kinh nghiệm, khâu này được tiến hành liên tục trong thời gian duy trì chính sách. Trong quá trình này ta có thể đánh giá từng
phần hay toàn bộ kết quả thực hiện chính sách, trong đó đánh giá toàn bộ được thực hiện sau khi kết thúc chính sách. Đánh giá tổng kết trong bước thực hiện chính sách được hiểu là quá trình xem xét, kết luận về chỉ đạo điều hành và chấp hành chính sách của các đối tượng thực hiện chính sách. Đối tượng được xem xét, đánh giá tổng kết về chỉ đạo điều hành thực hiện chính sách là các cơ quan nhà nước từ trung ương đến cơ sở. Cơ sở để đánh giá, tổng kết công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện chính sách trong các cơ quan nhà nước là kế hoạch được giao và những nội quy, quy chế được xây dựng ở bước 1. Bên cạnh việc tổng kết, đánh giá kết quả chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước, còn xem xét, đánh giá việc thực hiện của các đối tượng tham gia thực hiện chính sách bao gồm các đối tượng thụ hưởng lợi ích trực tiếp và gián tiếp từ chính sách. Thước đo đánh giá kết quả thực hiện của các đối tượng này là tinh thần hưởng ứng với mục tiêu chính sách và ý thức chấp hành những quy định về cơ chế, biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành để thực hiện mục tiêu chính sách trong từng điều kiện về không gian và thời gian.
Trong các bước trên thì bước tổ chức thực hiện là quan trọng nhất vì đây là bước đầu tiên làm cơ sở cho các bước tiếp theo, ở bước này đã dự kiến cả việc triển khai thực hiện kế hoạch phân công thực hiện, kiểm tra... Hơn nữa tổ chức thực hiện là quá trình phức tạp do đó lập kế hoạch cũng là việc làm cần thiết và quan trọng.