Lịch sử hình thành và phát triển

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sử dụng viên chức tại trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố hà nội (Trang 43 - 46)

1 .4Tiêu chí đánh giá sử dụng viên chức

2.1. Tổng quan về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội

2.1.1. Lịch sử hình thành và phát triển

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội tiền thân là Trạm vệ sinh phòng dịch Hà Nội được thành lập vào năm 1963. Đến năm 2008, thực hiện Nghị quyết của Trung ương về mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Hà Tây đã sáp nhập với Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cũ trở thành Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội. Năm 2017, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội được tổ chức lại trên cơ sở sáp nhập 6 đơn vị trực thuộc Sở Y tế (gồm Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường Hà Nội, Trung tâm Kiểm dịch Quốc tế, Trung tâm kiểm nghiệm Hà Nội, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Hà Nội, Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Hà Nội và Quỹ hỗ trợ phòng, chống dịch, bệnh nguy hiểm Hà Nội). Năm 2018, thực hiện Quyết định số 4016/QĐ-UBND của UBND thành phố, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội tiếp tục được tổ chức lại thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, có trụ sở chính đặt tại số 70 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội.

Trong suốt quá trình hơn 55 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội luôn đoàn kết, không ngừng nỗ lực học tập, phấn đấu và đã đạt được nhiều thành tích quan trọng, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân thủ đô. Để đạt được những thành quả đó, ngoài sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ công nhân viên chức, người lao động của Trung tâm mà còn phải kể đến sự quan tâm, chỉ đạo và đầu tư của

Bộ Y tế, Ủy ban Nhân dân và Sở Y tế Hà Nội. Trung tâm đã được đầu tư các trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, khoa xét nghiệm – chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng của trung tâm đạt chuẩn an toàn sinh học cấp II, vận hành theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế ISO 17025 và ISO 15189. Đặc biệt, trung tâm đã triển khai và làm chủ nhiều kỹ thuật hiện đại như sinh học phân tử, phân tích đặc điểm gen phục vụ công tác giám sát, phát hiện tác nhân gây dịch bệnh như chẩn đoán và phân týp các vi rút cúm A/B, Mers CoV, vi rút Zika, vi rút hanta, vi rút dengue, tải lượng vi rút HIV, HBV, xác định vi khuẩn dịch hạch, bạch hầu… Các chương trình y tế quốc gia và thành phố được thực hiện đạt kết quả cao, khống chế nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tiến tới thanh toán và khống chế dịch bệnh; cùng với cả nước thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, tỷ lệ tiêm chủng các loại vắc xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng đạt trên 95% giúp khống chế thành công nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi tiến tới loại trừ từng bệnh.

Song song với việc kiểm soát các bệnh truyền nhiễm, các vấn đề sức khỏe môi trường, kiểm soát các yếu tố nguy cơ và phòng chống bệnh không lây nhiễm cũng được trung tâm chú trọng và đẩy mạnh thông qua việc phát triển mạng lưới, thực hiện giám sát phát hiện các nguy cơ, phối hợp với các ban ngành đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội thực hiện các biện pháp can thiệp và đánh giá hiệu quả các biện pháp can thiệp để từng bước giảm thiểu các nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng, giảm gánh nặng bệnh tật do các bệnh không lây nhiễm. Với những thành tựu đã đạt được, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng huân chương lao động hạng III, II và I; 3 lần được tặng thưởng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, nhiều bằng khen, giấy khen, cờ thi đua của Bộ Y tế, UBND Thành phố và của Sở Y tế Hà Nội.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đang từng bước lớn mạnh, công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác Quốc tế, chia sẻ thông tin là một trong những hoạt động truyền thống trong quá trình xây dựng và phát triển của đơn vị qua các thời kỳ. Việc nghiên cứu khoa học được thực hiện ở 100% các khoa, phòng trên toàn bộ các lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đã và đang tham gia các đề tài hợp tác quốc tế, đề tài cấp nhà nước, cấp bộ; chủ trì nhiều đề tài cấp thành phố và hàng năm triển khai từ 20 đến 30 đề tài cấp cơ sở. Các kết quả của đề tài được công bố trên nhiều tạp chí trong nước và quốc tế. Nhiều công trình nghiên cứu đã có những đóng góp to lớn trong thực tiễn công việc cũng như ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào hoạt động chuyên môn. Trung tâm là đơn vị đầu ngành về y tế dự phòng của Thành phố; có trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ trong hệ thống y tế dự phòng toàn thành phố. Ngoài ra, đơn vị cũng là một trong những cơ cở thực hành của các trường đại học, cao đẳng đào tạo đội ngũ nhân lực cho ngành y tế trên địa bàn Hà Nội.

Trong những năm tới, công tác y tế dự phòng tiếp tục phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do các dịch bệnh nguy hiểm trên thế giới diễn biến phức tạp, khó lường có thể xâm nhập vào nước ta; các bệnh không lây nhiễm ngày càng là gánh nặng đối với đời sống xã hội; việc cải thiện dinh dưỡng trong cộng đồng đặc biệt là gánh nặng dinh dưỡng kép (tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em khu vực ngoại thành và béo phì ở trẻ em khu vực nội thành) đang là thách thức lớn; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, giám sát đảm bảo chất lượng nước ăn uống sinh hoạt ngày càng phải được cải thiện…

Nhằm đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân thủ đô, lãnh đạo và cán bộ của trung tâm quyết tâm xây

dựng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội ngang tầm khu vực vào năm 2025, hoạt động theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả. Để thực hiện được nhiệm vụ này các giải pháp được đưa ra gồm: tiếp tục nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ thông qua đào tạo trong và ngoài nước; triển khai hệ thống giám sát, cảnh báo sớm, đáp ứng nhanh phòng chống bệnh dịch; xây dựng hệ thống giám sát, phòng chống bệnh không lây nhiễm hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả; xây dựng Khoa xét nghiệm thành Labo trung tâm có cơ sở vật chất và năng lực xét nghiệm ngang tầm các nước trong khu vực thông qua việc nâng cấp và phát triển hệ thống phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp III, ưu tiên phát triển các kỹ thuật công nghệ cao phục vụ xét nghiệm chẩn đoán nhanh các dịch bệnh nguy hiểm, xét nghiệm chất lượng nước và an toàn vệ sinh thực phẩm; chủ động xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh hoạt động phòng chống bệnh không lây nhiễm, ưu tiên bệnh liên quan đến môi trường, nghề nghiệp, y tế học đường, các bệnh về dinh dưỡng...; ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các hoạt động của trung tâm; đẩy mạnh xã hội hóa y tế dự phòng, phát triển dịch vụ kỹ thuật cao và an toàn; tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm; tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn; đầu tư phát triển các kĩ thuật cao trong lĩnh vực y tế dự phòng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sử dụng viên chức tại trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố hà nội (Trang 43 - 46)