Bên cạnh những kết quả đạt được công tác giảm nghèo bền vững vẫn còn những mặt hạn chế đó là:
- Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của huyện qua các năm tuy có giảm, tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ tái nghèo, nghèo phát sinh vẫn còn cao. Hiện nay tỷ lệ hộ nghèo của huyện Đakrông vẫn còn cao (39,72%), trong đó có 6/14 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 45% và có 9/14 xã thuộc diện xã đặc biệt khó khăn.
- Chất lượng cuộc sống của nhóm hộ mới thoát nghèo và hộ cận nghèo còn mức thấp, chưa bền vững, các hộ thoát nghèo cuộc sống còn nhiều khó khăn.
- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo ở một số ngành, địa phương chưa kịp thời và thiếu đồng bộ, vẫn còn thiếu quan tâm trong chỉ đạo xây dựng nghị quyết, chương trình, kế hoạch giảm nghèo, chưa kiện toàn Ban chỉ đạo giảm nghèo cấp xã kịp thời, vẫn còn địa phương chưa thực hiện tốt việc chỉ đạo, đôn đốc triển khai các chính sách giảm nghèo. - Công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về giảm nghèo chưa được tổ chức thường xuyên, còn một bộ phận người nghèo có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của nhà nước, không muốn thoát nghèo để được hưởng các chế độ, chính sách của nhà nước; một số hộ còn ngại vay vốn sản xuất, kinh doanh để cải thiện điều kiện sống.
- Nguồn vốn đầu tư phát triển tại huyện nghèo Đakrông (theo NQ 30a của Chính phủ) chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư trên địa bàn. Việc huy động vốn đầu tư phát triển của địa phương còn gặp nhiều khó khăn, nguồn vốn chủ yếu từ ngân sách Trung ương, nguồn vốn hỗ trợ của doanh nghiệp có phần hạn chế.
- Công tác điều tra, rà soát, bình xét hộ nghèo ở một số xã đôi lúc còn mang tính nể nang, cục bộ, đưa người thân vào hộ nghèo để hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước. Việc thực hiện quy trình điều tra, rà soát hộ nghèo ở một số địa phương chưa thực hiện đúng.
- Công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến chính sách hỗ trợ để làm cho người dân biết và hiểu được mục tiêu của dự án hỗ trợ phát triển sản xuất ở một số xã còn hạn chế, nên các nội dung hỗ trợ chưa mang lại hiệu quả mong muốn.
- Năng lực quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách giảm nghèo từ các chương trình, dự án đầu tư của một số địa phương còn nhiều hạn chế, chưa thật sự chủ động trong công tác chỉ đạo điều hành, huy động nội lực để vươn lên thoát nghèo.
- Quá trình phối hợp, giám sát, chỉ đạo của Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN và các đoàn thể ở một số xã, thị trấn còn chưa chặt chẻ và thiếu đồng bộ dẫn đến các hiệu quả của các chính sách giảm nghèo chưa cao.
- Nguồn vốn đầu tư hàng năm không nhiều, trong khi đó nhu cầu đầu tư trên địa bàn huyện Đakrông còn quá lớn. Hệ thống cơ sở hạ tầng mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất, phục vụ dân sinh trên địa bàn các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
- Là một huyện nghèo, kinh phí chủ yếu phụ thuộc vào nguồn ngân sách cấp trên phân bổ, việc bố trí ngân sách địa phương để phục vụ chương trình giảm nghèo còn hạn chế; đời sống của nhân dân còn thấp nên khả năng huy động từ cộng đồng để thực hiện xã hội hóa trong công tác xóa đói giảm nghèo còn gặp nhiều khó khăn.
- Công tác kiểm tra, giám sát chưa được thực hiện thường xuyên, chưa đúng quy định, chưa thành lập các đoàn, tổ kiểm tra liên ngành để kiểm tra theo chuyên đề. Thiếu sự phối hợp với các ngành trong tổ chức kiểm tra thực hiện chính sách các dự án giảm nghèo trên địa bàn.