- Đề nghị phân cấp quản lý, tăng cường vai trò của cấp địa phương, chuyển từ hỗ trợ sang đầu tư; các chính sách hỗ trợ giảm nghèo cần gắn với các chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, áp dụng các tiếp cận tăng trưởng bao trùm toàn diện. Các chính sách cần được thiết kế bảo đảm sự thống nhất
về cơ chế hỗ trợ, mức hỗ trợ giống nhau đối với các đối tượng giống nhau, tránh trùng lắp cũng như bỏ sót đối tượng. Trong giai đoạn tiếp theo các chương trình, chính sách nói chung nên nhập lại thành một chương trình, chính sách lớn đó là: Nghị quyết 30 a, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (tích hợp tất cả các chương trình, chính sách đầu tư cho vùng đồng bào DTTS và miền núi).
- Sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về giảm nghèo theo hướng tập trung, khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp; phân công đầu mối chịu trách nhiệm. Theo đó, thu gọn đầu mối, thực hiện các chính sách giảm nghèo theo chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhằm tập trung nguồn lực, hạn chế sự chồng chéo giữa các chính sách. Giảm dần các chính sách hỗ trợ cho không, tăng cường chính sách hỗ trợ cho vay có điều kiện, có thời hạn để khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại, không muốn thoát nghèo.
- Ban hành chính sách giảm nghèo hỗ trợ tập trung, mang tính lâu dài, hiệu quả cho các hộ nghèo, nâng mức hỗ trợ và thay thế các chính sách hỗ trợ manh mún, dàn trải, thiếu tập trung như hiện nay theo hướng chuyển từ chính sách hỗ trợ hoàn toàn cho hộ nghèo sang hình thức hỗ trợ cho vay (không tính lãi)đối với các hộ nghèo hoặc mô hình nhóm hộ nghèo, tạo điều kiện để khuyến khích hộ nghèo có ý thức, trách nhiệm, phát huy nội lực, chủ động vươn lên thoát nghèo.
- Quy định rõ vai trò, trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc hướng dẫn thực hiện chuyển đổi sinh kế, chuyển đổi ngành nghề từ nông-lâm-ngư nghiệp sang công-thương nghiệp, dịch vụ, chế biến... nhằm khuyến khích người nghèo chuyển đổi nghề nghiệp theo hướng giảm tỷ lệ lao động trong ngành nông nghiệp, tăng tỷ lệ lao động trong ngành công-thương và dịch vụ, chế biến...
- Về chính sách vay vốn, tín dụng: thời gian vay vốn phát triển sản xuất tối đa là 5 năm, như vậy sẽ không đảm bảo đối với một số dự án sản xuất như: trồng rừng, mua sắm phương tiện sản xuất… đề nghị kéo dài thời gian vay theo các dự án phát triển sản xuất, để đảm bảo hộ nghèo có đủ vốn sản xuất. Nâng mức vốn vay hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 và Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015.
- Đề nghị Bộ Lao động- TB&XH trình Chính phủ cho chủ trương thống nhất tách nhóm hộ nghèo thuộc diện chính sách bảo trợ xã hội ra khỏi danh sách hộ nghèo. Trên thực tế nhóm hộ nghèo thuộc diện chính sách bảo trợ xã hội chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng số hộ nghèo, nhưng nhóm hộ nghèo này phần lớn không thể thoát nghèo do trong hộ không có thành viên nào có khả năng lao động để tạo thu nhập. Vì vậy, nên đưa nhóm đối tượng này trong chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên, tách rời khỏi chính sách giảm nghèo, từ đó có cơ sở để thiết kế, xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu giảm nghèo một cách có hiệu quả hơn.