Pháp luật về bầu cử của các quốc gia là sự thể chế hoá các quy định về chế độ bầu cử của mỗi nước. Pháp luật bầu cử bao gồm tổng thể các quy định pháp luật điều chỉnh các mối quan hệ xã hội liên quan đến quyền bầu cử, quyền ứng cử, các quy trình tiến hành bầu cử và xác định kết quả bầu cử.
Theo báo cáo nghiên cứu kinh nghiệm một số nước về hình thức văn bản QPPL về bầu cử và mô hình cơ quan phụ trách bầu cử quốc gia thì có nhiều quốc gia chỉ có một luật bầu cử chung như Hàn Quốc, Nhật bản, Phần Lan, Đức. Có nhiều quốc gia có nhiều luật luật bầu cử như: Luật bầu cử thượng viện, Luật bầu cử hạ viện, Luật bầu cử cơ quan đại diện cấp tỉnh, Luật bầu cử cơ quan đại diện cấp xã như Campuchia, Luật bầu cử liên bang, Luật bầu cử riêng của các bang như Canada.
Trong khuôn khổ đề tài luận văn, việc nghiên cứu tập trung vào văn bản pháp luật và cơ quan phụ trách bầu cử của các nước có những điểm tương đồng với Việt Nam như Hàn quốc và Nhật bản .
- Tổng quan pháp luật về bầu cử ở Hàn Quốc:
Tại Hàn Quốc, các hoạt động về bầu cử được điều chỉnh bởi Hiến pháp và chủ yếu bởi Luật Bầu cử chức vụ công. Bên cạnh đó, một số luật như: Luật về xuất nhập cảnh và Tư cách pháp lý của người Hàn Quốc ở nước ngoài (trong đó có điều chỉnh một số trường hợp người Hàn Quốc tại nước ngoài tham gia bầu cử), Luật Đảng phái chính trị (trong đó có điều chỉnh một số hoạt động đối với Đảng phái chính trị khi tham gia tranh cử) v.v… cũng điều
chỉnh một phần đối với hoạt động bầu cử. Hiện nay, hoạt động bầu cử tại Hàn Quốc được điều chỉnh bởi Luật Bầu cử chức vụ công số 10303 ban hành ngày 17 tháng 3 năm 2010. Luật gồm 14 Chương và 279 điều. Theo đó, “Luật này áp dụng đối với các cuộc bầu cử Tổng thống, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử các thành viên Hội đồng địa phương và người đứng đầu chính quyền địa phương”(Điều 2). Như vậy, hoạt động bầu cử tại Hàn Quốc được điều chỉnh chung bởi một luật tại cả cấp trung ương lẫn địa phương.
Theo Điều 114 của Hiến pháp Hàn Quốc, UBBC quốc gia là một cơ quan hiến định độc lập. UBBC quốc gia là cơ quan quản lý các cuộc bầu cử, trưng cầu dân ý của quốc gia nhằm tạo sự công bằng và xử lý với các vấn đề hành chính liên quan đến các đảng chính trị và các quỹ chính trị. Nhiệm kỳ và quyền hạn của mỗi Ủy viên bầu cử được đảm bảo đúng theo quy định của Hiến pháp và pháp luật để bảo đảm thực hiện công bằng các nhiệm vụ mà không chịu ảnh hưởng của bất kỳ sự can thiệp bên ngoài nào.
UBBC Quốc gia có các nhiệm vụ và trách nhiệm sau đây: quản lý các cuộc bầu cử; quản lý các cuộc bỏ phiếu; giám sát nghĩa vụ, trách nhiệm của các đảng phái chính trị trong công tác bầu cử; quản lý các vấn đề về bầu cử trong việc quản lý các quỹ chính trị; thực hiện các hoạt động nhằm thúc đẩy sự công bằng, minh bạch trong bầu cử; tuyên truyền, giáo dục về nền bầu cử dân chủ cho công chúng; Trao đổi và hợp tác quốc tế; nghiên cứu về bầu cử và hệ thống chính trị [5- tr 16, 41,44].
- Tổng quan pháp luật về bầu cử ở Nhật Bản:
Trên cơ sở các quy định của Hiến pháp, Luật Bầu cử các cơ quan nhà nước của Nhật Bản quy định chi tiết về các cuộc bầu cử toàn quốc và địa phương. Trước đây, có nhiều luật quy định về bầu cử (như Luật bầu cử Hạ viện, Luật bầu cử thượng viện, Luật bầu cử chính quyền địa phương…), nhưng từ năm 1950 các luật này được hợp nhất thành Luật Bầu cử các cơ
quan nhà nước.
Luật Bầu cử các cơ quan nhà nước quy định các nguyên tắc được quy định trong Hiến pháp liên quan đến bầu cử cho cả bầu cử ở cấp độ quốc gia và địa phương.
Hiến pháp Nhật quy định chính thể dân chủ đại nghị và đảm bảo bầu cử phổ thông, công bằng và bỏ phiếu kín. Đây là những nguyên tắc cơ bản của hệ thống bầu cử, được áp dụng cho các cuộc bầu cử Quốc hội, các hội đồng địa phương và những người đứng đầu chính quyền thành phố. Bầu cử phổ thông đảm bảo quyền bầu cử của tất cả người dân Nhật từ 20 tuổi trở lên.
Ở Nhật bản có ba loại bầu cử, gồm tổng tuyển cử bầu ra Hạ viện, được tổ chức 4 năm một lần (trừ trường hợp hạ viện bị giải tán sớm hơn), tiếp đến là bầu cử Thượng viện được tổ chức 3 năm một lần để chọn ra một nửa số thành viên của Thượng viện và bầu cử ở địa phương được tổ chức 4 năm một lần tại các quận, thành phố và làng xã. Các cuộc bầu cử được giám sát bởi các UBBC dưới sự chỉ đạo chung của Hội đồng Quản lý Bầu cử Trung ương (Hội đồng Quản lý Bầu cử của Trung ương là một cơ quan thuộc Bộ Nội vụ và Truyền thông).
Nhiệm vụ của Hội đồng Quản lý Bầu cử Trung ương là phụ trách việc bầu cử hạ nghị sĩ và thượng nghị sĩ theo quy định của hệ thống bầu cử của Nhật Bản. Hội đồng Quản lý Bầu cử Trung ương là cơ quan độc lập, gồm có 5 thành viên được bổ nhiệm bởi Thủ tướng trên cơ sở tiến cử của Quốc hội. Nhiệm kì của các thành viên là 3 năm.
Các Ủy ban Quản lý bầu cử cấp tỉnh: có trách nhiệm phụ trách việc bầu cử hạ nghị sĩ theo hình thức bầu cử đa số một đại diện và bầu cử các thượng nghị sĩ từ các đơn vị bầu cử, thống đốc từ các tỉnh và các thành viên của hội đồng địa phương cấp tỉnh. Các ủy ban quản lý bầu cử cấp tỉnh gồm có 4 thành viên được chọn bởi các hội đồng cấp tỉnh. Nhiệm kì của các thành viên Hội
đồng này là 4 năm.
Ủy ban Quản lý bầu cử cấp thành phố, thị xã (thành phố, thị trấn và làng) có trách nhiệm quản lý các cuộc bầu cử các lãnh đạo của địa bàn cấp thành phố, thị xã và các thành viên của Hội đồng thành thị. Ủy ban gồm có 4 người và được Hội đồng thành thị lựa chọn với nhiệm kì 4 năm.
Thêm vào đó, các ủy ban quản lý bầu cử còn được thành lập ở một số khu vực đặc biệt tại các khu vực hành chính của 12 thành phố trong Tokyo để thực hiện các chức năng được giao phó [5- tr18,61] .